Nông dân nên hạn chế bán lúa ở thời điểm này
Cập nhật: 16:35, 22/02/2019 (GMT+7)
(ABO) Ngày 22-2, Ủy ban nhân dân (UBND) Tiền Giang tổ chức cuộc họp bàn giải pháp thu mua, tiêu thụ lúa - gạo vụ đông xuân 2018 - 2019 trên địa bàn tỉnh.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, diện tích xuống giống lúa đông xuân 2018 - 2019 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang là 64.714 ha.
Trong đó, các huyện, thị phía Tây xuống giống gần 37.000 ha; các huyện, thị phía Đông xuống giống gần 28.00 ha.
Đến ngày 20-2, toàn tỉnh thu hoạch trên 15.000 ha, năng suất khoảng 6,9 tấn/ha, ước sản lượng trên 105.000 tấn.
Theo khảo sát của ngành chức năng, giá lúa IR 50404 tươi tại ruộng là 4.300 - 4.400 đồng/kg, thấp hơn 900 đồng/kg so cùng kỳ năm ngoái; Đài Thơm 8 có giá 4.800 - 4.900 đồng/kg, thấp hơn 1.100 đồng/kg so cùng kỳ năm ngoái; OM 5451 giá 4.400 - 4.500 đồng/kg, thấp hơn 1.100 đồng/kg so cùng kỳ; Jasmine 85 giá 4.800 đồng/kg, thấp hơn 1.450 đồng/kg so cùng kỳ.
Nông dân bắt đầu thu hoạch rộ vụ lúa đông xuân 2018 - 2019. |
Trước tình hình giá lúa xuống thấp, khó tiêu thụ, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Đoàn Văn Phương cho biết, giá lúa trên thị trường đang giảm 500 - 1.000 đồng/kg so với đầu tháng 1-2019 và giảm 900 - 1.450 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2018.
Theo nhận định, giá lúa - gạo có thể tiếp tục giảm trong thời gian tới khi bước vào thu hoạch rộ.
“Đa số nông dân ở vào tình trạng đến gần ngày thu hoạch nhưng vẫn chưa có mối bán lúa với giá hợp lý. Nếu không có đơn vị nào mua vào thời điểm này, trong khi nông dân không có khả năng tạm trữ sẽ bán tháo với giá rẻ, nước ngoài có thể dựa vào thông tin này áp giá thấp đối với doanh nghiệp ký hợp đồng theo đơn hàng, sẽ gây thiệt hại lớn cho việc sản xuất và xuất khẩu gạo của Việt Nam” - đồng chí Đoàn Văn Phương nhận định.
Đồng chí Đoàn Văn Phương đề nghị doanh nghiệp xuất khẩu gạo chủ động thực hiện việc mua lúa trong dân để tạm trữ chờ xuất khẩu theo quy định tại Điều 12 dự trữ lưu thông của Nghị định 107/2018/ NĐ-CP ngày 15-8-2018 của Chính phủ: “Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó”.
Chiều 22-2, một số thương lái có nhu cầu tự tạm trữ lúa - gạo đã mua lúa của nông dân ở xã Phú Nhuận (huyện Cai Lậy). |
Phát biểu tại cuộc họp, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng Nguyễn Văn Đôn đề nghị Chính phủ nhanh chóng triển khai chính sách mua lúa - gạo tạm trữ. Ngân hàng tăng định mức cho vay và giảm lãi suất để doanh nghiệp thu mua lúa .
Riêng Công ty Lương thực Tiền Giang sẽ tiến hành thu mua theo kế hoạch được giao bình thường 6 tháng đầu năm 2019. Ngoài ra, công ty sẽ hỗ trợ nông dân về sân phơi, sấy lúa, kho dự trữ lúa nếu nông dân có nhu cầu tạm trữ chờ giá tăng trở lại.
Một chiếc ghe của thương lái vừa mua đầy lúa của nông dân lưu thông trên địa bàn xã Hậu Mỹ Trinh (huyện Cái Bè). |
Kết luận tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn giao UBND các huyện, thị, thành; đặc biệt là các huyện, thị phía Tây chủ động tuyên tuyền cho nông dân tại địa phương hạn chế bán lúa ra vào thời điểm thu hoạch rộ, nhằm hạn chế cung vượt cầu dẫn đến giá tiêu thụ thấp; chủ động tìm giải pháp giúp nông dân tạm trữ lúa, liên hệ các điểm kho lương thực thu mua gần nhất của các công ty để ký gửi, chờ thời điểm giá tốt để bán.
Trong thời gian chờ chính sách tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, đồng chí Phạm Anh Tuấn đề nghị các doanh nghiệp chuyên thu mua, chế biến và xuất khẩu lúa - gạo trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì thực hiện thu mua lúa của nông dân để tạm trữ, kìm chế giá thu mua không xuống thấp; duy trì tìm đầu ra cho tiêu thụ lúa - gạo…
SĨ NGUYÊN