.
Hệ lụy từ phá vỡ quy hoạch cây trồng:

Bài 1: Phong trào bỏ lúa… theo cây ăn trái

Cập nhật: 21:15, 26/04/2019 (GMT+7)

(ABO) Thời gian qua, tỉnh Tiền Giang nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, nhiều hộ dân tự ý phá vỡ quy hoạch khi chuyển từ đất trồng lúa sang trồng cây ăn trái. Ngành chức năng từ tỉnh đến địa phương đang bị động và lúng túng trước thực trạng trên. Diễn biến này kéo dài, hệ lụy có thể không nhỏ.

ÀO ẠT LÊN VƯỜN

Vùng chuyên canh trồng lúa của tỉnh (Các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước và TX. Cai Lậy) ngày nào giờ đã xen rất nhiều vườn cây ăn trái. Các khu ruộng dọc theo những tuyến đường lớn nhỏ, những chiếc máy Kober làm việc ngày lẫn đêm nhằm sớm hoàn thành việc lên vườn để chuyển sang các ruộng khác.

Ông Thân Văn Mẫn, ấp Mỹ Tường B, xã Hậu Mỹ Trinh (huyện Cái Bè) vừa chuyển đổi 1 ha đất lúa sang trồng sầu riêng và mít Thái. Ông làm đê bao chỉ cao khoảng 0,5 m so với mặt ruộng bên cạnh. Dọc theo tuyến đê bao, ông trồng mít Thái, còn các liếp bên trong trồng sầu riêng.

Ông Mẫn tâm sự: “Những người trồng trước lãi hàng trăm triệu đồng/ha. Lợi nhuận này, trồng lúa bao giờ mới có được. Ở đây, người dân chuyển đổi từ đất lúa sang trồng cây ăn trái rất nhiều”.

Nằm cạnh khu vườn vừa mới chuyển đổi của ông Mẫn, cánh đồng 2,2 ha trồng lúa của ông Tư Xiêm đã được hơn 20 ngày tuổi. Tuy nhiên, lúa của ông kém phát triển so với các ruộng lúa khác. Điều lạ là bên trong ruộng lúa của ông được cắm nhiều cây thẳng hàng, thẳng lối. Hỏi ra, người dân cho biết, ông hùn với một người ngụ xã Cẩm Sơn để chuẩn bị lên liếp trồng sầu riêng và mít Thái.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cái Bè, diện tích chuyển đồi từ đất lúa sang trồng cây ăn trái tính đến đầu tháng 4-2019 là khoảng 3.000 ha. Trong đó, diện tích trồng mít trên 1.710 ha, sầu riêng 620 ha. Điều đáng lưu ý, huyện Cái Bè có gần 720 ha vườn cây ăn trái vừa mới được chuyển đổi từ đất lúa có ô đê bao rất thấp nên rất dễ xảy ra ngập lụt khi triều cường lên cao hoặc lũ lớn về.

Một diện tích đang  trồng lúa ở xã Hậu Mỹ Trinh (huyện Cái Bè) nhưng chuẩn bị phá bỏ để lên vườn cây ăn trái.
Một ruộng lúa ở xã Hậu Mỹ Trinh chuẩn bị lên vườn trồng cây ăn trái.

Về huyện Cai Lậy, người dân ấp Phú Tiểu, xã Phú Nhuận cũng đang chuyển đổi mạnh từ đất trồng lúa sang cây ăn trái. Bà Huỳnh Thị Bảy có 0,3 ha đất vừa chuyển đổi lên trồng mít Thái cho biết: "Nơi đây, người ta ào ạt chuyển đổi nên tôi cũng trồng theo. Bởi giá mít Thái chỉ cần ở mức 5.000 đồng/kg thì nông dân vẫn có lãi hơn trồng lúa. Vả lại, xung quanh ai cũng lên liếp trồng cây ăn trái, ruộng của tôi bị bao bộc xung quanh mà không chuyển đổi thì thất trắng". 

Theo Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Nguyễn Hữu Đạt, nhóm 10 loại trái cây chủ lực của Việt Nam xuất khẩu mạnh gồm: Thanh long, chuối, xoài, bưởi, sầu riêng... đang tăng nhanh về diện tích. Theo kế hoạch đến năm 2020, tổng diện tích của các loại trái cây trên sẽ tăng lên 810.000 ha và đạt 1,2 triệu ha vào năm 2030. Nhưng hiện giá trị xuất khẩu rau quả Việt Nam chỉ chiếm khoảng 1% thị phần nhập khẩu rau quả thế giới. Nếu Việt Nam không khai thác tốt tiềm năng lớn của thị trường xuất khẩu thì ngành rau quả sẽ đối mặt với cơn khủng hoảng thừa.

Theo lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Cai Lậy, thống kê chưa đầy đủ đến cuối tháng 4-2019, nông dân phía Bắc Quốc lộ 1 của huyện đã chuyển đổi khoảng 500 ha đất lúa sang trồng cây ăn trái. Nguyên nhân được xác định là do nông dân nhận thấy giá mít Thái, sầu riêng thời gian qua luôn ở mức cao. Do đó, nông dân đã tự phát chuyển mục đích sử dụng đất.

Chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, lãnh đạo Sở NN&PTNT Tiền Giang về số liệu diện tích thực tế từ việc phá vỡ quy hoạch từ đất lúa sang trồng cây ăn trái. Tuy nhiên, lãnh đạo các cơ quan chuyên môn này chưa thể cung cấp số liệu vì các địa phương chưa thống kê được con số thực tế.

Khu ruộng hàng ha ở xã Hậu Mỹ Trinh (huyện Cái Bè) được người dân chuyển đổi sang trồng cây ăn trái.
Đất trồng lúa ở xã Hậu Mỹ Trinh (huyện Cái Bè) được người dân chuyển đổi sang trồng cây ăn trái.

CẢNH BÁO

Việc chuyển đổi tự phát từ đất lúa sang trồng cây ăn trái đã và đang bộc lộ một số hệ lụy trước mắt. Trong đó, những diện tích còn trồng lúa sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn.

Bà Lê Thị Linh, ấp Mỹ Tường A, xã Hậu Mỹ Trinh (huyện Cái Bè) trồng 0,7 ha lúa giáp khu vực người dân vừa lên liếp trồng cây ăn trái, cho biết từ đầu vụ hè thu sớm đến nay, chi phí phân, thuốc đã tăng hơn nhiều so với các năm trước và so với các ruộng lúa ở xa khu vực trồng cây ăn trái. Ngoài ra, chi phí bơm tát cũng bị tăng lên do nước đưa vào đồng ruộng bị rò rỉ qua vườn trồng cây ăn trái.

Theo thống kê, cuối năm 2018, diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh đạt trên 77.740 ha, tăng trên 9.000 ha so với năm 2013. Sản lượng thu hoạch đạt gần 1,5 triệu tấn, tốc độ tăng trưởng diện tích đạt 2,49%/năm. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cao Văn Hóa cho biết, 5 địa phương có diện tích cây ăn trái lớn là: Các huyện Cái Bè (trên 16.100 ha), Cai Lậy (trên 13.600 ha), Tân Phước (trên 16.800 ha), Châu Thành (gần 8.500 ha), Chợ Gạo (trên 8.300 ha).

Ngoài nỗi lo về sâu bệnh, điều quan tâm của người dân hiện nay là làm cách nào để hài hòa việc đất lúa ngâm lũ nhưng không ảnh hưởng đến các diện tích trồng cây ăn trái của người dân xung quanh khi lũ về.

Ông Nguyễn Hữu Lâu, ấp Phú Tiểu, xã Phú Nhuận tâm sự: “Việc chuyển đổi lên vườn cây ăn trái, chúng tôi không có ý kiến. Tuy nhiên, khâu thiết kế của các vườn này đa số đều thấp, không hoàn chỉnh. Trong khi cánh đồng lúa có trên 100 ha nhưng chỉ có vài ha chuyển sang trồng cây ăn trái. Đến mùa lũ về, chúng tôi phải phụ thuộc vào các vườn này hay sao?”.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam Võ Hữu Thoại cho biết, thời gian qua người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã chuyển đổi từ đất lúa sang trồng cây ăn trái rất nhiều. Việc chuyển đổi này nhằm nâng cao đời sống cho người dân. Tuy nhiên, nông dân phát triển theo kiểu tự phát cần phải xem lại. Bởi đến thời điểm nhất định, cung vượt cầu sẽ dẫn đến giá giảm mạnh. Việc tự ý chuyển đổi như vậy cũng xảy ra nhiều hệ lụy như: Chuyển đổi cây trồng không phù hợp với đất, nông dân chưa nắm vững kỹ thuật trồng và chăm sóc cây trồng mới, đê bao không được khép kín.

Chuyển đổi tự phát từ đất lúa sang trồng cây ăn trái đã và đang gây ra nhiều hệ lụy.
Chuyển đổi tự phát từ đất lúa sang trồng cây ăn trái đã và đang gây ra nhiều hệ lụy.

Lý giải về vấn đề này, Giám đốc Sở Công thương Đoàn Văn Phương cho biết: “Hiện nông sản của Việt Nam nói chung và Tiền Giang nói riêng chủ yếu bán trái tươi tại thị trường nội địa và xuất khẩu chính sang Trung Quốc. Điều rủi ro hơn là các loại cây trồng này vẫn phát triển theo cách tự phát, manh mún, trong khi cả nhu cầu nội địa và xuất khẩu đòi hỏi ngày càng khắt khe. Như vậy, việc nông dân chạy theo phong trào đua nhau tăng nhanh diện tích trồng các loại cây ăn trái phục vụ xuất khẩu mà thiếu định hình cụ thể về kênh tiêu thụ sẽ mang lại nhiều rủi ro về thị trường”.

          SĨ NGUYÊN

(còn tiếp)

.
.
.