Nhân lực du lịch: Cần chiến lược ngành bài bản
Cập nhật: 10:34, 13/04/2019 (GMT+7)
“Môi trường và cơ chế thu hút con người vào ngành du lịch mới là quan trọng! Vì sao chưa thu hút được nhân lực tốt? Trước tiên phải xem lại chính cơ sở đào tạo, chính doanh nghiệp làm nghề du lịch, tiên trách kỷ hậu trách nhân!” – khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về sự hấp dẫn nhân lực cho ngành du lịch từ Diễn đàn Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam diễn ra hôm 12/4 tại TPHCM.
Sinh viên Trường Cao đẳng nghề du lịch Sài Gòn trong giờ học thực hành. Ảnh: Báo Nhân dân |
‘Thừa’ không chuyên, ‘thiếu’ chuyên nghiệp
Theo Báo cáo Chỉ số cạnh tranh ngành du lịch và lữ hành tại Diễn đàn Kinh tế thế giới, chỉ số cạnh tranh chung của ngành du lịch Việt Nam đã cải thiện khá nhanh. Nếu như năm 2013, Việt Nam còn ở vị trí 80/140 quốc gia, thì đến năm 2015 đã vươn lên vị trí thứ 75/136 và đến năm 2017 đã được xếp hạng 67/136. Việt Nam được xem là một trong 10 quốc gia có mức tăng trưởng mạnh về sự hấp dẫn du lịch trên toàn cầu.
Cụ thể, xét về tài nguyên du lịch, trong khi Singapore chỉ đạt 2,4/7 điểm, thì Việt Nam có ưu thế hơn với 4/7 điểm. Nhưng khi xét về nguồn nhân lực thì đảo quốc sư tử đạt được 5,6 điểm, còn Việt Nam chỉ mới 4,9 điểm. Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, “con số này cho thấy vẫn có sự mất cân bằng về các chỉ tiêu cạnh tranh trong ngành du lịch ở mỗi quốc gia. Tuy nhiên, khi thiếu nguồn nhân lực chuyên nghiệp - điều kiện quan trọng để đảm bảo chất lượng dịch vụ - thì sự tăng trưởng về du lịch sẽ vẫn còn lực cản”.
Cũng theo nhà quản lý ngành du lịch TPHCM, trong số các điểm nghẽn lớn thách thức chất lượng du lịch Việt Nam có vướng mắc về nhân lực. Cụ thể, thống kê từ Tổng cục Du lịch cho thấy, mỗi năm ngành du lịch Việt Nam cần 40.000 lao động được đào tạo nhưng lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người, trong đó chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên.
Do đó, trong số 1,3 triệu lao động du lịch của cả nước (chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động) chỉ có 42% được đào tạo về du lịch, 38% được đào tạo từ các ngành khác chuyển sang, 20% chưa qua đào tạo chính quy mà chỉ được huấn luyện tại chỗ.
Riêng tại TPHCM, nơi tiếp đón 50% lượng khách quốc tế của cả nước, dù có 90% nhân lực ngành du lịch đã qua đào tạo, nhưng tỷ lệ lao động chất lượng cao còn rất hạn chế. Có 30-45% hướng dẫn viên không đạt chuẩn ngoại ngữ, đặc biệt là ở một số ngôn ngữ như Nhật, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Nga…
Ngoài ra, Việt Nam còn phải đối mặt với áp lực dịch chuyển lao động trong khu vực ASEAN do mức đãi ngộ ở các thị trường du lịch láng giềng cao hơn có thể hấp dẫn nhân lực chất lượng cao.
Dự kiến tới năm 2020, riêng TPHCM sẽ đón 10 triệu khách quốc tế và 35 triệu khách nội địa, đây rõ ràng là thách thức lớn cho ngành du lịch TPHCM nói riêng và của Việt Nam nói chung khi nguồn nhân lực chưa theo kịp cả về số lượng và chất lượng.
Làm sao để có nhân lực ‘chuẩn’, ‘chất’?
Theo GS.TS. Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen, thì nhân lực chất lượng cao trước tiên xét về trình độ nên là những người đạt cử nhân trở lên, “ra lò” từ các cơ sở đại học được kiểm định quốc tế về ngành đào tạo hoặc các bằng cấp được liên thông và công nhận quốc tế.
Cụ thể hơn, đội ngũ này cần được “trui rèn” về kiến thức liên ngành, với các hiểu biết nhất định về văn hóa, xã hội, kiến trúc, thẩm mỹ, nhân học, môi trường, kết nối giao thông… Những nhà trường bổ sung thêm nhiều nội dung đào tạo ở các ngành có liên quan hoặc sẽ giúp người làm nghề du lịch có kiến thức nền tốt hơn, nhân sinh quan tích cực hơn và thế giới quan rộng mở hơn.
“Ngoại ngữ cũng là một trong những yếu tố bắt buộc mang tính tiên quyết của nhân sự ngành du lịch, với ‘đầu ra’ nên là các chuẩn mực quốc tế được thừa nhận rộng rãi”, lãnh đạo Trường Đại học Hoa Sen khẳng định.
Nhân lực chất lượng cao ngành du lịch còn phải được rèn luyện ý thức về phát triển du lịch bền vững, có tư duy nghề nghiệp, không chỉ hoàn thành tốt công tác chuyên môn có tính kỹ năng mà còn phải đóng vai trò dẫn dắt và định hướng cộng đồng tạo ra các giá trị du lịch mới…
Do đó, GS.TS. Mai Hồng Quỳ đã nêu kiến nghị cho rằng cần có chính sách ưu đãi thuế, chính sách khuyến khích cho các doanh nghiệp làm du lịch tham gia đầu tư vào hoạt động đào tạo nhân lực để khuyến khích họ kết nối với nhà trường. Bộ GD&ĐT cũng cần nghiên cứu cơ chế để các cơ sở đào tạo chuyên ngành du lịch thực hiện những chương trình giảng dạy “cởi mở” hơn. “Nếu chương trình đào tạo bậc MBA ngành du lịch - với tinh thần sự tham gia của doanh nghiệp chiếm 40% - thì hãy cho phép các nhà trường mời lực lượng giảng dạy là CEO từ các doanh nghiệp du lịch lớn, chứ không nhất thiết phải là những người có học vị tiến sĩ. Số tiến sĩ chuyên ngành du lịch ở Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay và chúng tôi không thể nào đưa các ngôi sao ấy về cơ sở đào tạo của mình được”, nhà giáo dục nêu tâm tư.
Cần chiến lược ngành - hạ tầng thông minh - chuẩn đào tạo quốc tế
Trước hàng loạt đề xuất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ quan điểm, rằng “du lịch là ngành có tính cạnh tranh toàn cầu và chúng ta khó thể áp dụng một chính sách bảo hộ nào vượt trội so với các nước”.
Và lẽ ra nhà quản lý ngành cần “đặt câu hỏi ngược” rằng nghề du lịch đã đủ hấp dẫn về đãi ngộ và cơ hội phát triển để thu hút nhân lực có kỹ năng trong và ngoài nước chưa? Từ đó mới có thể xây dựng chính sách nhân lực cho du lịch đặt trong tổng thể các chính sách khác có liên quan.
“Môi trường và cơ chế thu hút con người vào ngành du lịch mới là quan trọng! Vì sao chưa thu hút được nhân lực tốt? Trước tiên phải xem lại chính cơ sở đào tạo, chính doanh nghiệp làm nghề du lịch, tiên trách kỷ hậu trách nhân!”, Thủ tướng khẳng định góc nhìn chung về hấp dẫn nhân lực.
Thực vậy, hiện tượng những người dân bình thường, học vấn còn hạn chế, thậm chí là rất nhiều trẻ con dân tộc thiểu số rất giỏi tiếng Anh đã không còn là chuyện lạ ở các điểm đến du lịch nổi tiếng như Hội An, Sa Pa… bởi chính thu nhập và môi trường nghề nghiệp đã thúc đẩy người ta học tập và làm việc tốt hơn.
Người đứng đầu Chính phủ tin rằng, nếu có cơ chế tốt thì ngành du lịch còn có thể hấp dẫn được những nhân lực chất lượng cao từ nhiều lĩnh vực, ngành học khác nhau cùng tham gia như lịch sử, văn hóa, truyền thông, đối ngoại…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận, các nhà trường cần cập nhật giáo trình, phương pháp đào tạo liên quan đến các ngành nghề thuộc lĩnh vực du lịch, đáp ứng tốt chuẩn mực quốc tế và xu hướng phát triển của công nghệ trong lĩnh vực du lịch. Và để ngành du lịch có đột phá, không thể chỉ dựa vào nguồn nhân lực, còn phải cải thiện cơ sở hạ tầng (giao thông, hạ tầng mềm - văn hóa, hạ tầng thông minh - chính quyền điện tử).
“Tuy nhiên, làm gì cũng phải có kế hoạch bài bản. Tôi yêu cầu Bộ VHTT&DL đưa ra tầm nhìn chiến lược dài hạn cũng như các phương hướng hành động hàng năm cho ngành du lịch. Từ đó, mới có bước đi chiến lược về đào tạo lao động, để không xảy ra hiện tượng lúc thừa, lúc thiếu”.
Thật vậy, du lịch không chỉ là lĩnh vực kinh tế đầy tiềm năng mà còn là “sức mạnh mềm” quảng bá văn hóa Việt Nam ra toàn thế giới. Vì vậy, phát triển du lịch không chỉ là hoạt động kinh tế đơn thuần. Và với 100 triệu dân thì sự thiếu hụt nhân lực ngành du lịch chỉ là cục bộ, tạm thời.
(Theo chinhphu.vn)