.

Nhiều trang trại "nội bất xuất, ngoại bất nhập"

Cập nhật: 09:52, 12/06/2019 (GMT+7)

(ABO) Dịch tả heo châu Phi đang hoành hành ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Tỉnh Tiền Giang cũng đã xuất hiện nhiều ổ dịch ở các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và TX. Cai Lậy. Lãnh đạo từ tỉnh đến các địa phương đang quyết liệt hỗ trợ dập dịch và ngăn ngừa lây lan sang các địa phương khác, cũng như xâm nhiễm vào các trang trại lớn. Riêng các trang trại nuôi heo đã và đang thực hiện biện pháp “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Vôi được rải trong hố sau cửa trang trại của ông Bá.
Vôi được rải trong hố sau cửa trang trại của ông Bá.

Hơn 1 tháng qua, cổng trang trại nuôi heo của ông Nguyễn Trần Tường Bá (ấp Bình Hòa A, xã Song Bình, huyện Chợ Gạo) lúc nào cũng “cửa đóng then cài”. Sau cổng trang trại, vôi được rải trắng xóa, máy phun tiêu độc khử trùng đều hoạt động mỗi ngày. 6 người làm công cho trang trại này đều trực suốt 24/24 giờ. Lúc nào cần thiết và được sự cho phép của chủ trang trại, người làm công mới được ra ngoài. Tuy nhiên, khi trở lại trang trại, họ phải được bảo hộ và qua các bước phun khử trùng...

Ông Bá cho biết: “Từ khi dịch tả heo châu Phi xuất hiện ở khu vực phía Nam, trang trại của tôi đã áp dụng theo hình thức “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Ngay cả chủ trang trại cũng rất hạn chế ra vào; giao toàn bộ trang trại cho cán bộ kỹ thuật và nhân công trong trang trại. Hằng ngày, thức ăn và các vật dụng cần thiết sẽ có người cung cấp cho 6 công nhân này. Việc mua bán heo cũng thực hiện phía ngoài cổng trại”.

Việc tiêu độc khử trùng cũng được nhân viên của trang trại đặc biệt quan tâm. Khi có ổ dịch tả heo châu Phi đầu tiên xâm nhiễm vào Việt Nam, trang trại của ông Bá chủ động phun tiêu độc khử trùng 1 lần/tháng; dịch xuất hiện ở phía Nam, nhân công bắt đầu phun 2 lần/tuần; dịch xuất hiện ở Tiền Giang, nhân công phun hằng ngày.  

Tâm sự với chúng tôi bên ngoài cổng trang trại, ông Thạch Tư, một trong những cán bộ kỹ thuật làm công cho trang trại ông Bá tâm sự: “Hơn 1 tháng qua, tôi và vợ con rất ít gặp nhau. Đang trong mùa dịch, chúng tôi cũng chia sẻ những khó khăn với chủ trang trại. Nếu không tuân thủ nghiêm, mình vô tình mang mầm bệnh từ nơi khác vào cho đàn heo trong trang trại thì chủ sẽ phá sản”.

Hiện trang trại của ông Bá có trên 150 con heo nái, 500 con heo thịt được 70 - 80 kg/con, trên 500 con heo sau cai sữa. Nhờ áp dụng cách thức phòng, chống dịch bệnh nghiêm ngặt, cùng với việc chăm sóc kỹ nên đàn heo của ông Bá vẫn khỏe mạnh. Nhiều công ty chuyên mua bán thịt heo lớn ở TP. Hồ Chí Minh liên hệ đặt mua mỗi ngày gần 1 tấn thịt heo. Hiện trang trại ông không đủ đáp ứng.

Cũng có ý thức trong công tác phòng, chống dịch tả heo châu Phi, bảo vệ đàn heo của gia đình, anh Nguyễn Tấn Nghiệp (ấp 5, xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy) cũng chọn giải pháp “nội bất xuất, ngoại bất nhập” cho trang trại nuôi heo của mình.

Anh Nghiệp là nhân viên tiếp thị cho một công ty thức ăn gia súc, nên anh không vào trang trại của gia đình khi vừa đi làm về. Trước đây, vợ của anh bán thức ăn chăn nuôi nên thường xuyên tiếp xúc với các trang trại, chủ nuôi. Khi nghe có dịch tả heo châu Phi, nhà anh thuê hẳn một nhân công chuyên chở thức ăn đi giao cho các trang trại. Giờ đây, vợ anh Nghiệp chỉ tập trung vào việc chăm sóc đàn heo của gia đình.

Hiện tại, trang trại của anh Nghiệp còn 14 con heo nái, 35 con heo cai sữa, 30 heo con theo mẹ, 45 con heo thịt. Nhờ công tác phòng, chống dịch rất nghiêm ngặt theo kiểu “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, đến nay trang trại này vẫn an toàn với dịch tả heo châu Phi.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Mẫn cho rằng, dịch tả heo châu Phi đã xảy ra ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh, các ngành chuyên môn, địa phương và người chăn nuôi cần quyết liệt ứng phó, không để dịch lây lan ra diện rộng, đặc biệt là các huyện phía Đông và các trang trại nuôi heo với số lượng lớn.

Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp lo lắng nhất hiện nay vẫn là các trang trại chăn nuôi heo với số lượng lớn. Nếu bị dịch, thiệt hại rất lớn. Bởi vậy, các trang trại tiếp tục thực hiện đầy đủ biện pháp phòng, chống; ngành chuyên môn phải giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm ổ dịch để báo cáo xử lý kịp thời”.

Lúc này, ý thức phòng, chống dịch tả heo châu Phi của người nuôi là hết sức quan trọng. Bởi, Nhà nước có hỗ trợ gì đi nữa nhưng người chăn nuôi không quan tâm thì công tác phòng, chống dịch cũng sẽ không đạt hiệu quả. Cuối cùng, thiệt hại cũng thuộc về người nuôi.

SĨ NGUYÊN

.
.
.