.

GDP tăng cao nhất trong gần thập kỷ

Cập nhật: 09:22, 29/09/2019 (GMT+7)

Tổng cục Thống kê cho biết: 9 tháng đầu năm, GDP Việt Nam tăng 6,98% so với cùng kỳ 2018. Đây là tốc độ tăng cao nhất tính từ năm 2011.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm tại buổi công bố báo cáo. Ảnh:VGP/Huy Thắng
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm tại buổi công bố báo cáo. Ảnh:VGP/Huy Thắng

Đây là thông tin tại buổi họp báo công bố  báo cáo tổng quan kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng đầu năm do Tổng cục Thống kê tổ chức ngày 29-9 tại Hà Nội.

Cụ thể, tăng trưởng GDP 9 tháng của một số năm: Năm 2011 tăng 6,03%; năm 2012 tăng 5,10%; năm 2013 tăng 5,14%; năm 2014 tăng 5,53%; năm 2015 tăng 6,53%; năm 2016 tăng 5,99%; năm 2017 tăng 6,41%; năm 2018 tăng 6,96%; năm 2019: 6,98%.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,02% (cùng kỳ năm 2018 tăng 3,7%), đóng góp 4,8% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,36%, đóng góp 52,6%; khu vực dịch vụ tăng 6,85%, đóng góp 42,6%.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng đạt mức tăng trưởng thấp do hạn hán, biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới năng suất và sản lượng cây trồng, ngành chăn nuôi thiệt hại nặng nề bởi dịch tả lợn châu Phi, nông sản gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ và giá xuất khẩu.

Trong đó, ngành nông nghiệp tăng 0,74%, chỉ cao hơn mức tăng 0,02% của cùng kỳ năm 2016 trong giai đoạn 2012-2019, đóng góp 0,09 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Điểm sáng của khu vực này là ngành thủy sản đạt kết quả khá với mức tăng 6,12%, đóng góp 0,21 điểm phần trăm; ngành lâm nghiệp tăng 3,98% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,03 điểm phần trăm.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp 9 tháng duy trì mức tăng trưởng khá 9,56%, đóng góp 3,16 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng của khu vực này, là động lực chính của tăng trưởng toàn nền kinh tế với mức tăng cao 11,37%, đóng góp 2,42 điểm phần trăm.

Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 2,68%, đóng góp 0,17 điểm phần trăm. Ngành xây dựng 9 tháng duy trì mức tăng trưởng khá với tốc độ 8,33%, đóng góp 0,55 điểm phần trăm.

Khu vực dịch vụ 9 tháng năm nay tăng 6,85%, cao hơn mức tăng 6,75% của cùng kỳ năm 2018.

Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm 9 tháng như: Bán buôn và bán lẻ tăng 8,31% so với cùng kỳ năm trước là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực dịch vụ, cũng là ngành trong khu vực dịch vụ có đóng góp lớn nhất vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế (0,89 điểm phần trăm); hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,19%, đóng góp 0,48 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 6,15%, đóng góp 0,28 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,82%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm.

Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 13,20% GDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,98%; khu vực dịch vụ chiếm 42,74%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,08% (cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2018 là: 13,94%; 33,50%; 42,51%; 10,05%).

Nếu tính riêng trong quý III, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng trưởng 7,31% so với cùng kỳ, mức cao thứ hai trong 8 năm qua, chỉ thấp hơn năm 2017. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 1,53%; công nghiệp, xây dựng tăng 10,05%; dịch vụ tăng 7,11%.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: Mức tăng trưởng  GDP 9 tháng năm 2019 ở mức 6,98% so với cùng kỳ 2018 là mức đáng khích lệ, do đó, có khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra trong năm nay.

Theo Tổng cục Thống kê, kết quả tăng trưởng khẳng định tính quyết đoán, kịp thời và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2019.

Về đánh giá lại quy mô GDP, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, khi phát hiện ra đánh giá quy mô GDP thiếu, thì việc kịp thời bổ sung là cần thiết.

“Hàng quý bên cạnh tính toán quy mô, nghĩa là tức là tính toán tuyệt đối quy mô tăng bao nhiêu triệu tỷ, tốc độ tăng là bao nhiêu, thì chúng tôi đều làm điều tra mẫu, với mục tiêu phản ánh xu hướng tăng trưởng nền kinh tế hơn là số tuyệt đối”, ông Lâm nói.

Ông Nguyễn Bích Lâm cho biết thêm, đây là công việc định kỳ của ngành thống kê, kể cả các nước phát triển như Mỹ, Đức… Trung Quốc trong 7 - 8 năm gần đây đánh giá lại 3 lần, nên việc Việt Nam trong 11 năm đánh giá lại 2 lần là bình thường. Hiện Tổng cục Thống kê đã hoàn thiện các báo cáo, sau khi lãnh đạo Bộ KH&ĐT xem xét sẽ công bố kết quả đánh giá lại quy mô GDP trong thời gian tới.

 “Cần phân biệt rõ,  đánh giá lại quy mô GDP khác với tính toán kinh tế ngầm. Việc đánh giá khu vực chưa quan sát, kinh tế ngầm cũng có nước làm nhưng cũng có nước không làm, vì khu vực kinh tế này khó tính toán chính xác”, lãnh đạo ngành thống kê nói.
 

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.