Khảo sát tình hình sạt lở tuyến đê biển Gò Công
(ABO) Ngày 16-10, Đoàn công tác của Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) do Tổng cục trưởng Trần Quang Hoài làm Trưởng đoàn đã đến khảo sát tình hình sạt lở tại tuyến đê biển Gò Công và tuyến đê bờ Bắc sông Bảo Định (đoạn qua xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho) của tỉnh Tiền Giang. Đi cùng với Đoàn có đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, cùng với lãnh đạo Sở NN&PTNT…
Đồng chí Trần Quang Hoài cùng với Đoàn công tác khảo sát tình hình sạt lở ở tuyến đê bờ Bắc sông Bảo Định (đoạn qua xã Đạo Thạnh). |
Tình hình sạt lở bờ biển ở xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông hiện đang rất nghiêm trọng. Toàn bộ rừng phòng hộ đã không còn, sóng biển đánh sát chân đê dẫn đến nguy cơ vỡ đê trong mùa gió chướng là rất cao. Còn ở tuyến đê bờ Bắc sông Bảo Định (đoạn qua xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho) thời gian qua xảy ra nhiều điểm sạt lở, trong đó có nhiều điểm xoáy hàm ếch sâu vào thân đê.
Qua khảo sát thực tế tại các địa điểm, Đoàn công tác đã đề ra các giải pháp để khắc phục tình trạng sạt lở. Theo Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam Trần Bá Hoằng, đối với tuyến đê biển Gò Công cần phải có các công trình giảm sóng để giảm bớt tình trạng sạt lở; sau đó tiếp tục tạo cơ sở gây bồi, tạo bãi, trồng rừng để đảm bảo có đai rừng từ 200 - 500 m để bảo vệ bền vững tuyến đê biển.
Còn tuyến đê Bảo Định trước mắt cần tiếp tục gia cố tạm thời để đảm bảo giao thông cho người dân đi lại. Về lâu dài, chúng ta cần phải có những giải pháp làm cho chắc chắn và ổn định, chống sạt lở, tạo dòng chảy thông, thuận tại các điểm sông uốn khúc để đảm bảo an toàn cho tuyến đê và khu dân cư, vườn ăn trái ở phía trong.
Đoàn công tác đến kháo sát vùng canh tác khóm của huyện Tân Phước. |
* Cùng ngày, Đoàn công tác cũng đã đến khảo sát vùng canh tác khóm trên địa bàn huyện Tân Phước và địa điểm dự kiến xây dựng nhà máy chế biến khóm ở xã Mỹ Phước, huyện Tân Phước.
CAO THẮNG