.

Sụt lún đất ở đô thị vùng ĐBSCL cao gấp 4 lần nông thôn

Cập nhật: 21:46, 22/11/2019 (GMT+7)

Sụt lún đất ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn, trong đó, ở khu vực đô thị có tốc độ sụt lún cao nhất, gấp 4 lần ở khu vực nông thôn.

Hiện tượng sạt lở xảy ra trong tháng 6-2019 tại Cần Thơ. Ảnh: TTXVN
Hiện tượng sạt lở xảy ra trong tháng 6-2019 tại Cần Thơ. Ảnh: TTXVN

Thông tin nêu trên được đưa ra tại hội thảo “Sụt lún đất ở ĐBSCL được tổ chức vào hôm nay, 22-11 ở TP. Cần Thơ.

Ông Olaf Neusser đến từ Cơ quan Hợp tác và Phát triển Đức (GIZ) cho biết, ĐBSCL là vùng đất trẻ, được hình thành trong khoảng 6.000 năm nay và sụt lún đất đã xuất hiện trong suốt quá trình kiến tạo đồng bằng, nhưng sụt lún đó đã được bù lại từ nguồn phù sa, trầm tích của lũ.

Theo ông Olaf Neusser, sụt lún ở ĐBSCL đang diễn ra nhanh hơn so với nước biển dâng. Các số liệu do vệ tinh thu thập được từ cuối năm 2014 đến đầu năm 2019 cho thấy sụt lún chẳng những không giảm mà có xu hướng ngày càng nghiêm trọng hơn.

Cụ thể, ở các đô thị như TP. Cần Thơ, nền đất sụt lún ở hầu hết mọi khu vực, dao động từ 2-4 cm/năm và điều này sẽ còn tiếp diễn. Trong khi đó, tại khu vực nông thôn, vệ tinh phát hiện sụt lún ở mức 1 cm/năm. Điều này có nghĩa, tốc độ sụt lún ở đô thị cao nhất là gấp 4 lần ở khu vực nông thôn.

Sụt lún đất ở đô thị cao gấp 4 lần nông thôn. Trong ảnh là các đại biểu tham dự hội thảo sụt lún đất tại ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh
Sụt lún đất ở đô thị cao gấp 4 lần nông thôn. Trong ảnh là các đại biểu tham dự hội thảo sụt lún đất tại ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh

Ông Nguyễn Hiếu Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu thuộc Đại học Cần Thơ dẫn kết quả nghiên cứu của Viện phối hợp với Trường Đại học Utretch (Hà Lan) cho thấy, độ lún trung bình ở ĐBSCL khoảng 2 cm/năm và nơi có độ lún lớn nhất là ở bán đảo Cà Mau.

Theo ông Trung, do tầng đất mặt dưới sâu của khu vực ĐBSCL chủ yếu là lớp cát, trong khi 80% nền đất của vùng này là đất yếu nên việc xây dựng nhà cửa, đường giao thông cũng đã xuất hiện lún. Cùng với đó, quá trình phát triển nông nghiệp, công nghiệp, mạch nước ngầm bị khai thác quá mức cũng là nguyên nhân chính dẫn đến sụt lún.

Theo ông Olaf Neusser, cần phải tiến hành thêm nhiều nghiên cứu để hiểu rõ thêm tại sao xảy ra hiện tượng sụt lún đất cũng như những chiến lược ứng phó theo hướng làm giảm nhẹ sụt lún.

Liên quan vấn đề sụt lún, ông Dương Văn Ni của Khoa môi trường và Tài nguyên thiên nhiên thuộc Đại học Cần Thơ trao đổi với TBKTSG Online cho biết, nếu đặt vấn đề: “Tại sao ĐBSCL bị sụt lún?”, thì sẽ dẫn đến các nguyên nhân được liệt kê, bao gồm việc khai thác nước ngầm quá mức, thiếu hụt phù sa của sông Cửu Long, đô thị hóa quá nhanh và thay đổi khí hậu toàn cầu làm mực nước biển dâng.

Theo ông, trong các nguyên nhân được nêu ra như vậy, thì người dân chỉ có thể tham gia làm giảm thiểu sụt lún ĐBSCL bằng cách hạn chế hay ngưng sử dụng nước ngầm, trong khi các nguyên nhân khác thì ngoài tầm tay của họ. “Nhưng, nếu không khai thác nước ngầm, thì lấy đâu ra nước sinh hoạt, kể cả nước sản xuất?”, ông nêu câu hỏi.

Nhưng nếu đặt vấn đề: “Bà con ở ĐBSCL khắc phục việc sụt lún bằng cách nào?”, theo ông Ni, việc tham gia của người dân sẽ phong phú hơn.

Chẳng hạn, ở vùng đầu nguồn, người dân cất nhà sàn, mỗi năm mực nước dâng cao hai, ba mét cũng không bị ngập. Trong khi đó, ruộng thì canh tác một, hai vụ lúa rồi xả nước tràn đồng, vừa có thêm tôm cá, vừa bồi thêm mặt đất một hai phân, khỏi lo đất lún sụt.

Ở vùng trồng cây ăn trái, theo ông, cho nước ra vô mương vườn, giữ lại phù sa, đến cuối mùa khô thì “sên” lớp phù sa này làm mặt liếp cao thêm ba, bốn phân, không phải lo chuyện nước ngập, đất lún.

Còn vùng ven biển, thì mùa khô xổ nước mặn vào ruộng nuôi thủy sản, mùa mưa rửa mặn trồng lúa, phù sa lắng trong các mương bao. “Cuối mùa mưa thì “sên” vuông nên đất xung quanh cao thêm bốn, năm phân, đâu ai lo chuyện sụt lún bao giờ”, ông nói.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.