Cần triển khai các giải pháp xây dựng nền nông nghiệp hiện đại
(ABO) Chiều 23-12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự và chủ trì hội nghị. Cùng chủ trì có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Anh Tuấn chủ trì tại điểm cầu Tiền Giang.
Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Tiền Giang. |
Năm 2019, dịch bệnh gây thiệt hại chưa từng có trong ngành chăn nuôi; hoạt động xuất khẩu nông lâm thủy sản đối mặt với những biến động gây bất lợi lớn. Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp đã khép lại năm 2019 với kết quả hoàn thành và vượt 3/4 chỉ tiêu theo kế hoạch. Đồng thời, mở ra những vận hội lớn cho tăng tốc phát triển trong năm 2020.
Các chỉ tiêu lớn của ngành NN&PTNT đạt được trong năm 2019 gồm: Tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt khoảng 2,2%; tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM đạt 54%; kim nghạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 41,3 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng 41,85%…
Năm 2019, với việc môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, toàn ngành đã tạo được sức bật mới về đầu tư vào nông nghiệp. Cụ thể trong năm 2019, cả nước đã có 17 dự án đầu tư vào nông nghiệp với tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng; thành lập mới 2.756 doanh nghiệp nông nghiệp, tăng 25,3% so với năm 2018, nâng tổng số doanh nghiệp nông nghiệp lên 12.581 doanh nghiệp, tăng 36,23%.
Năm 2020 ngành Nông nghiệp phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP ngành đạt từ 2,8 đến 3%; kim nghạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 42 tỷ USD, tỷ lệ che phủ rừng 42%; ít nhất 121 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; thành lập mới 2.000 hợp tác xã nông nghiệp; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh 96%...
Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Tiền Giang. |
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Năm 2020, tình hình thế giới, khu vực được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn. Ở trong nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn cố hữu và đang đứng trước những thách thức mới.
Do vậy, Thủ tướng yêu cầu phải triển khai các giải pháp để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế, thích ứng với biển đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh. Để đạt tốc độ tăng trưởng GDP 2,8 - 3%, toàn ngành khai thác và tận dụng tốt lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, xây dựng và phát triển vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm; kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và thị trường, xuất khẩu, với chuỗi giá trị toàn cầu; tổ chức liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng, tạo đột phá trong phát triển nhanh, bền vững, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh hàng nông sản Việt Nam; nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng nông thôn mới, cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường nông thôn.
LÝ OANH