Thu xếp nguồn vốn 1 tỷ USD cho phát triển bền vững ĐBSCL
Chiều 18-12, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ tại Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị số 23/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN |
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung vào một số vấn đề trọng tâm như chia sẻ định hướng về Quy hoạch tổng thể vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tham vấn về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính thủ về thành lập Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL…
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, những năm qua, ĐBSCL đã có bước phát triển đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế, gây cản trở quá trình phát triển theo hướng bền vững; nhất là để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện ĐBSCL đang được đầu tư ở mức thứ 3 trong cả nước, tương đương 18% tổng nguồn lực đầu tư cho phát triển các vùng nói chung.
Quan điểm chung là thúc đẩy vùng ĐBSCL phát triển bền vững, chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu trên cơ sở phát huy tiềm năng về nước, nguồn thủy sản, sản xuất nông nghiệp, giao thông đường thủy..., góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho cả nước.
Bên cạnh phát huy những mặt thuận lợi thì cũng tìm cách khống chế các yếu tố bất lợi như xâm nhập mặn, thiên tai, thiếu nước...
Đồng thời xác định rõ con người là yếu tố trung tâm hướng tới trong việc hoạch định và thực thi chính sách. Các đặc điểm riêng của khu vực cần được nghiên cứu kỹ, tìm biện pháp phát huy tiềm năng để phát triển theo chiến lược dài hạn.
Thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các cơ quan chức năng, địa phương cần hợp tác, lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế-xã hội vào mục tiêu trên, tập trung giải quyết 3 vấn đề, gồm: quy hoạch theo hướng rõ ràng, xác định mục tiêu dài hạn; vùng nào, nơi nào làm gì để sẵn sàng kêu gọi dự án đầu tư; tạo cơ chế điều phối vùng và xác định nguồn lực đầu tư, sắp xếp vốn cho phát triển.
Trước mắt, cơ quan chức năng đang xem xét việc thu xếp nguồn vốn 1 tỷ USD cho việc thực hiện mục tiêu nói trên.
Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, phát triển bền vững ĐBSCL là vấn đề quan trọng, cần tập trung thực hiện, bảo đảm mục tiêu lâu dài.
Các cơ quan quốc tế quan tâm, sẵn sàng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong việc giảm thiểu bất lợi, phát huy tiềm năng và sự đóng góp của ĐBSCL vào nền kinh tế nói chung.
Ông Ousmane Dione cho rằng, cần có sự nghiên cứu đầy đủ, tham vấn, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, kết hợp giữa thực tiễn và lý thuyết trong phát triển ĐBSCL.
Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ, cần tạo một nền tảng chung để điều phối vùng và phát triển tích hợp theo không gian.
Theo đó, xác định ưu tiên và trình tự thực hiện các giải pháp liên ngành, liên tỉnh trên cơ sở phối hợp đối thoại chính sách giữa trung ương và địa phương, cũng như giữa các địa phương; phục vụ sự chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của lãnh đạo Chính phủ gắn với quy hoạch tích hợp cho vùng ĐBSCL; phối hợp huy động tài trợ từ các đối tác phát triển và đầu tư tư nhân (cả trong nước và ngoài nước).
Cùng với đó, tạo một khuôn khổ tài chính và đầu tư tổng hợp, cân đối trách nhiệm đối ứng. Hỗ trợ ngân sách bổ sung sẽ được giải ngân theo đợt, phù hợp với nhu cầu đầu tư được xác định trong kế hoạch đầu tư trung hạn của quốc gia và tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Tăng hỗ trợ tài chính từ trung ương cùng trách nhiệm tài khóa từ các tỉnh ĐBSCL hướng tới một khuôn khổ đầu tư hạ tầng phối hợp hơn (bao gồm các dự án liên kết vùng), thông qua cơ chế tài trợ đối ứng (bao gồm một phần cấp phát, một phần cho vay lại đối với các tỉnh)…
(Theo https://www.vietnamplus.vn/thu-xep-nguon-von-1-ty-usd-cho-phat-trien-ben-vung-dbscl/613888.vnp)