.
KIẾN TẠO GIÁ TRỊ NÔNG SẢN THÔNG QUA CHUỖI LIÊN KẾT:

Bài 4: Năng lực cạnh tranh còn thấp

Cập nhật: 19:54, 16/12/2019 (GMT+7)

Bài 1: Sứ mệnh mang tính lịch sử

Bài 2: Cần kiến tạo giá trị nông sản

Bài 3: Nâng cao giá trị nông sản Việt

Việc tiêu thụ trái cây thực hiện qua nhiều trung gian nên khi đến người tiêu dùng có giá cao.
Việc tiêu thụ trái cây thực hiện qua nhiều trung gian nên khi đến người tiêu dùng có giá cao.

Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp theo Quyết định 899 ngày 10-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ đã triển khai thực hiện và đạt nhiều thành tựu quan trọng, giá trị nông sản Việt từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, vẫn còn một số “nút thắt” chưa được tháo gỡ, đó là tình trạng nông sản được mùa mất giá phải “giải cứu” vẫn còn tiếp diễn.

Thay vì tập trung nâng cao chất lượng nông sản thì lại chọn hướng nâng cao năng suất; sản xuất cá thể, nhỏ lẻ nên chất lượng nông sản chưa đồng đều; chuỗi liên kết chưa có bước tiến rõ nét…

NĂNG SUẤT CAO HAY CHẤT LƯỢNG CAO

Nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam - Tiến sĩ (TS) Nguyễn Minh Châu cho biết, dù đã xuất khẩu được nhiều loại trái cây đứng hàng tốp đầu của thế giới, nhưng đến nay nông sản của Việt Nam vẫn chưa mạnh như nông sản của Thái Lan, vẫn chịu cảnh thua kém trên sân nhà, do đã bộc lộ những hạn chế cần sớm được khắc phục. Khả năng cạnh tranh của nông sản Việt kém hơn là do chúng ta chưa tạo được niềm tin cho người tiêu dùng về an toàn thực phẩm, mẫu mã trái chưa đẹp như hàng nhập, bao bì đóng gói cũng chưa đẹp bằng hàng ngoại, thời gian bảo quản cũng ngắn hơn. Nông dân đã chọn sai hướng, đó là theo hướng năng suất cao thay vì chất lượng cao. Rất nhiều cây trồng của Việt Nam nông dân muốn đạt năng suất thật cao, hơn bình quân của thế giới như cây cà phê, hồ tiêu, cam, quýt, xoài, các loại rau…, dẫn đến việc trồng rất dày, từ đó phải sử dụng nhiều loại thuốc trừ sâu và bón nhiều phân hóa học hơn khi trồng thưa. Chính vì vậy dẫn đến sản phẩm chưa được người tiêu dùng an tâm về mặt an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Minh Châu còn chỉ ra một số hạn chế khác của nông sản Việt. Cụ thể, từ thâm canh của nông sản Việt đã dẫn đến khả năng cạnh tranh kém hơn nông sản các nước khác. Do đó, người tiêu dùng Việt Nam và các nước nhập khẩu còn e ngại vấn đề tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên trái, mật ong, trà, rau, gạo… của Việt Nam do cách nuôi trồng thâm canh của nông dân mình. Nhà nước cũng chưa có các biện pháp kiểm soát hữu hiệu việc tồn dư thuốc BVTV như ở các nước khác. TS. Nguyễn Minh Châu dẫn chứng: Ở Thái Lan, các mặt hàng rau, củ, quả vào chợ đầu mối đều phải qua trắc nghiệm nhanh một cách ngẫu nhiên về dư lượng thuốc BVTV. Nếu phát hiện có dư lượng thuốc BVTV hay kim loại nặng thì nông dân sẽ phải chở rau, củ, quả về và bị ghi vào sổ theo dõi, nếu tiếp tục tái phạm thì sẽ không được mang sản phẩm vào chợ bán nữa trong một thời gian nhất định.

Trong Hội nghị tổng kết Nghị quyết 26 Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết 10 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng diễn ra vào ngày 12-9-2018, trong phần phát biểu của Thường trực Tỉnh ủy Tiền Giang tại hội nghị này cũng đã chỉ ra một số hạn chế của ngành Nông nghiệp tỉnh nhà, đó là: Phát triển nông nghiệp, nông thôn có mặt chưa thật sự vững chắc và bền vững, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, còn mang tính tự phát, sản xuất còn nhỏ lẻ, đầu ra sản phẩm nông nghiệp chưa ổn định. Việc liên kết phát triển theo chuỗi giá trị còn ít, các hình thức tổ chức sản xuất có đổi mới nhưng chưa nhiều, chưa phát triển mạnh sản xuất hàng hóa, phần lớn nông sản xuất thô, sơ chế, giá trị gia tăng thấp, đặc biệt là chế biến trái cây còn ít. Tập quán sản xuất, quy mô nông hộ nhỏ nên khó liên kết, hợp tác hình thành chuỗi giá trị. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mới bắt đầu nên chưa tạo bước đột phá trong nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Chưa dừng lại ở đó, TS. Nguyễn Minh Châu còn chỉ ra hạn chế của ngành Nông nghiệp Việt Nam là vẫn còn sản xuất cá thể, nhỏ lẻ là chủ yếu và chưa có thương hiệu, dù Nhà nước khuyến khích làm theo hợp tác xã (HTX) kiểu mới. Vì vậy, những tiến bộ về cơ khí hóa chưa được áp dụng rộng rãi trên rau, quả ở Việt Nam. Chính hình thức sản xuất cá thể nhỏ lẻ nên chất lượng nông sản chưa thể đồng đều so với trái cây Thái Lan, Đài Loan, Australia, Mỹ. Ngoài vấn đề chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm cũng còn là vấn đề đối với người tiêu dùng cả trong nước và nước ngoài.

Giá hầu hết trái cây Việt Nam bán trong nước chỉ dưới 100 ngàn đồng/kg, còn giá trái cây nhập lại rất cao, từ 300 ngàn đồng đến 700 ngàn đồng/kg tùy loại, chỉ vì người tiêu dùng Việt Nam tin trái cây ngoại an toàn hơn trái cây Việt. Tỷ lệ trái cây Việt bị hư hỏng sau thu hoạch cũng cao hơn ở các nước khác. Nguyên nhân là do chưa được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ để các HTX có nhà đóng gói (packing house) để phân loại rau, quả và rửa, đóng gói, dán nhãn như rau, quả ở các nước nên tỷ lệ hư hỏng rau, quả ở Việt Nam cao hơn ở các nước.

CÁC NHÀ CHƯA CÓ TIẾNG NÓI CHUNG

Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp theo Quyết định 899 ngày 10-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ đã triển khai thực hiện và đạt nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, bất cập, đó là tình trạng nông sản được mùa mất giá phải “giải cứu” vẫn còn tiếp diễn.

Các vấn đề như: Đánh giá, dự báo về nhu cầu thị trường đối với sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, thực hiện bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho nông dân nhằm ổn định đầu ra, giảm các rủi ro trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn những hạn chế nhất định. Vấn đề liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ hàng hóa nông sản của nông dân còn nhiều bất cập; sự liên kết các nhà vẫn chưa có tiếng nói chung.

Tại Hội thảo Các giải pháp kinh tế, kỹ thuật để phát triển bền vững cây ăn quả và lúa thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long do Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Tiền Giang và Cục Xúc tiến thương mại tổ chức tại Tiền Giang vào ngày 21-9-2019, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang Cao Văn Hóa (hiện đã nghỉ hưu) cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện có 150 cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến trái cây với quy mô vừa và nhỏ, trong đó chủ yếu là các cơ sở thu mua, sơ chế phục vụ nhu cầu ăn tươi. Một số doanh nghiệp có quy mô lớn đã đầu tư trang thiết bị cần thiết để phục vụ cho hoạt động sơ chế, chế biến. Tuy nhiên, sản lượng chế biến trái cây của tỉnh đạt chưa tới 10%, khoảng 90% trái cây còn lại là tiêu thụ dưới dạng quả tươi. Bên cạnh đó, hiện nay, việc tiêu thụ trái cây của tỉnh được thực hiện qua nhiều trung gian nên sản phẩm đến tay người tiêu dùng có giá cao. Đối với nhà vườn trồng cây ăn trái thì đang gặp khó khăn trong việc gắn kết với các doanh nghiệp, nhất là sự gắn kết 4 khâu: Sản xuất - thu mua - bảo quản - chế biến và tiêu thụ.

Điều dễ nhận thấy nhất là, các hợp đồng được ký kết giữa nông dân với doanh nghiệp trong việc sản xuất, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp còn rất hạn chế. Chính vì vậy, tại Hội nghị đối thoại với nông dân có chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc, khơi dòng động lực, tiếp đà 30 năm đổi mới” diễn ra tại TP. Hải Dương (tỉnh Hải Dương) vào tháng 4-2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Cần có sự phối hợp giữa 6 nhà: Nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà băng và nhà phân phối, nếu tách ra là không thành công”.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường trong văn bản trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Tiền Giang vào ngày 22-8-2018 cũng đã thừa nhận: Thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã có những bước phát triển mạnh mẽ nhưng vấn đề liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ hàng hóa nông sản của nông dân còn nhiều bất cập. Để khắc phục những tồn tại, Bộ NN&PTNT đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định 98 ngày 5-7-2018 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Nghị định đã quy định rõ các hình thức liên kết giữa các nhà, trong đó tùy điều kiện cụ thể có các hình thức, phương thức liên kết phù hợp; đồng thời, cũng quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành để hỗ trợ liên kết và các chính sách hỗ trợ liên kết phát triển. Về nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, Chính phủ đã ban hành Nghị định 55 ngày 9-6-2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

TS. Nguyễn Minh Châu cũng chỉ ra rằng, ngành Nông nghiệp dù đã được tái cơ cấu nhưng sự liên kết sản xuất - tiêu thụ chưa có bước tiến rõ rệt. Nông hộ sản xuất cá thể gặp nhiều rủi ro vì phải lo toan mọi thứ một mình, thay vì chỉ lo sản xuất hàng chất lượng cao như nông dân ở các HTX của Đài Loan, Hàn Quốc hay Nhật Bản. Điều này bộc lộ rõ các HTX ở Việt Nam chưa thật sự là chỗ dựa vững chắc cho nhà nông như các HTX ở Nhật, Hàn Quốc hay Đài Loan (nông dân ở các nước nói trên rất yên tâm sản xuất, không phải lo đầu ra như nông dân mình, vì đã có HTX lo tất cả).

Đặc biệt là môi trường nông thôn xuống cấp do ô nhiễm vì sử dụng quá nhiều thuốc BVTV và sử dụng quá nhiều phân bón hóa học để làm 3 vụ lúa/năm, để có năng suất cam, quýt đến 80 tấn/ha (thay vì chỉ 20 tấn/ha như ở Đài Loan hay Thái Lan), cộng với bao bì sau khi sử dụng không được xử lý đúng cách, gây ô nhiễm môi trường ngày một nặng nề hơn.

Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ - Giáo sư, TS. Võ Tòng Xuân cũng chỉ ra một số hạn chế của ngành Nông nghiệp sau khi thực hiện chủ trương tái cơ cấu: Bất cập nhất là, đến nay các địa phương vẫn còn lúng túng trong quyết định chọn phương án chuyển đổi những cây trồng kém hiệu quả, giá trị thấp sang những cây gì, con gì, vì nếu chuyển sang đối tượng mới này ai sẽ tiêu thụ cho nông dân có lợi?

Trong tình trạng lúng túng đó, vài địa phương lại tiếp tục ngăn mặn để giữ nước ngọt trồng lúa. Nguyên nhân là do tập quán tiếp cận phương pháp làm quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển theo từng ngành riêng lẻ. Các hoạt động sản xuất khác phần lớn là vận động nông dân tham gia làm. Nhà doanh nghiệp tư nhân - người có trách nhiệm tiêu thụ sản phẩm của nông dân - không được coi như là thành phần liên quan quan trọng.

NGUYÊN CHƯƠNG

(Còn tiếp)

.
.
.