Không bơm nước lên ruộng trữ, khi chưa có nhu cầu sử dụng
(ABO) Phát biểu tại Hội nghị bàn giải pháp khẩn cấp chống hạn, mặn xâm nhập trong vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công vào sáng 14-2, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Lê Văn Hưởng kết luận sẽ giữ nguồn nước trên kinh Sơn Quy (TX. Gò Công) để đảm bảo an toàn cho diện tích sản xuất lúa của TX. Gò Công và bơm bổ cấp một phần cho xã Tân Đông (huyện Gò Công Đông).
Đồng chí Lê Văn Hưởng phát biểu tại hội nghị. |
Đồng thời, thiết lập 2 trạm bơm bổ cấp nước từ kinh 14 để phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, các địa phương kiểm tra ngay các hộ dân và trạm bơm dọc kinh 14, nếu đủ nước tưới thì phải ngưng bơm ngay.
Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang lên lịch điều tiết nước sinh hoạt theo hướng khu vực nào nước tốt thì mở van nhỏ, khu vực khó khăn nhất thì mở van tối đa, khuyến cáo người dân sử dụng theo giờ.
Ông Lê Văn Hưởng nhấn mạnh, chậm nhất chiều nay (14/2), các địa phương mời hết các hộ dân có sử dụng nước để thông tin ngay phương án, giải pháp sử dụng nước của UBND tỉnh để người dân hiểu và thực hiện…
Theo UBND tỉnh, trước diễn biến xâm nhập mặn phức tạp, ngay từ những tháng cuối năm 2019, UBND tỉnh đã triển khai công tác ứng phó; chỉ đạo các sở, ngành và địa phương theo dõi tình hình hạn, mặn, quan trắc và vận hành các công trình, tổ chức lấy gạn nước ngọt qua cống Xuân Hòa vào trữ nước trên các kênh trục chính trong vùng Ngọt hóa Gò Công để đảm bảo đủ nguồn nước phục vụ cho sản xuất lúa đông xuân 2019-2020 với diện tích xuống giống là 24.083 ha.
Qua kiểm tra đồng ruộng ngày 13-2 tại vùng Ngọt hóa Gò Công, huyện Gò Công Tây có 5.427 ha lúa trong giai đoạn đòng trổ, 3.090 ha trổ đều, 450 ha chín sáp; TX. Gò Công có 400 ha lúa đẻ nhánh, 3.348 ha đứng cái làm đòng, 1.217 ha trổ đều; huyện Gò Công Đông có 4.455 ha lúa đang trong giai đoạn đòng trổ; 4.458 ha trổ đều, 564 ha chín sáp, 174 ha chín.
Tuy nhiên, qua khảo sát các tuyến kênh trục chính, mương nội đồng hiện nay bị cạn kiệt, trong khi đó mực nước trên ruộng có nhiều nơi khá cao.
Do tâm lý sợ thiếu nước nên nhiều người dân đã bơm chuyển từ các kênh, mương lên ruộng lúa để trữ nước.
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra việc đắp đập bơm chuyền từ kinh 14 đến kinh Vàm Giồng để bổ cấp nước cho kinh N8. |
Đây là một trong những yếu tố khiến mực nước trên các kênh trục chính xuống thấp rất nhanh, nguy cơ xì phèn, mặn cao.
Để đảm bảo đủ nước tưới cho trà lúa đông xuân 2019-2020 đang ở giai đoạn đứng cái, làm đòng, đòng trổ, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, Chủ tịch UBND các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông và TX. Gò Công tiếp tục đẩy mạnh công tác truyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức về công tác phòng, chống hạn, mặn với phương châm sử dụng nước tiết kiệm, không để lãng phí nước và không bơm nước lên ruộng trữ khi cây lúa chưa có nhu cầu sử dụng nước.
Cụ thể, đối với các xã phía Nam Quốc lộ 50 của huyện Gò Công Tây lúa đang trổ đều đến chín sáp, cơ bản an toàn không nên bơm nước trữ. Riêng đối với 6 xã Đồng Thạnh, Bình Phú, Thành Công, Đồng Sơn, Thạnh Trị, Bình Nhì của huyện Gò Công Tây nằm phía Bắc Quốc lộ 50 có nguy cơ thiếu nước cao với diện tích 2.369 ha (có 481 ha xuống giống sau 15-12-2019 và 1.888 ha sử dụng giống dài ngày VD20) do nước trên các kênh trục chính đã cạn.
Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Gò Công Tây phối hợp với các sở, ngành tỉnh khẩn trương hoàn thành trạm bơm từ kinh 14 sang kinh Vàm Giồng, kênh N8 để bơm nước tưới cho 2.369 ha lúa nói trên.
Đối với TX. Gò Công, trà lúa đang phát triển bình thường, lượng nước trên ruộng đảm bảo cung cấp, đề nghị vận động nhân dân tạm ngưng bơm nước lên ruộng.
Riêng 400 ha lúa ở giai đoạn đẻ nhánh khoảng 7-10 ngày tới thì tiếp tục bơm cung cấp thêm nước để lúa trổ.
Đối với huyện Gò Công Đông, vận động, khuyến cáo người dân ngưng bơm nước trữ trên ruộng lúa trong 3 - 5 ngày tới và khoảng ngày 18-2 tiếp tục bơm để cung cấp nước lại cho 4.455 ha lúa ở giai đoạn đòng trổ.
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang, Công ty Điện lực Tiền Giang phối hợp chặt chẽ với các địa phương khẩn trương triển khai và xử lý nhanh các vấn đề liên quan phát sinh đến công tác phòng, chống hạn, mặn trong vùng Ngọt hóa Gò Công.
M. THÀNH