.

Tiền Giang: Quyết tâm bảo vệ vùng chuyên canh cây ăn trái

Cập nhật: 16:09, 21/02/2020 (GMT+7)

Trước ảnh hưởng của xâm nhập mặn, các huyện phía Tây của tỉnh Tiền Giang đang chủ động triển khai các giải pháp ứng phó, bảo vệ vùng sản xuất nông nghiệp.

So với đợt hạn, mặn lịch sử cuối năm 2015, đầu năm 2016, tình hình xâm nhập mặn năm nay được đánh giá là gay gắt hơn, ảnh hưởng đến nhiều khu vực phía Tây của tỉnh, đặc biệt là vùng chuyên canh cây ăn trái.

Người dân đến UBND xã Tam Bình nhờ đo độ mặn nước trong vườn.
Người dân đến UBND xã Tam Bình nhờ đo độ mặn nước trong vườn.

XÂM NHẬP MẶN DIỄN BIẾN PHỨC TẠP

Năm nay, xâm nhập mặn đến sớm, rất phức tạp và vượt qua độ mặn lịch sử năm 2016. Đối với khu vực phía Tây của tỉnh, ngoài bị tác động trực tiếp của nước mặn từ hướng cửa sông Tiền, nơi đây còn bị ảnh hưởng bởi mặn xâm nhập từ phía sông Hàm Luông (tỉnh Bến Tre) qua sông Tiền (đoạn qua cù lao Ngũ Hiệp).

Ông Võ Văn Hiệp (ấp Tân Sơn, xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy) cho biết, gia đình ông trồng 9 công sầu riêng. Do độ mặn cao nên không thể lấy nước tưới được. Gia đình ông phải mua bạt trải dưới mương và thuê sà lan chở khoảng 80 m3 nước để tưới cho vườn sầu riêng. Mỗi m3 nước có giá khoảng 60.000 đồng.

Cũng tại xã Ngũ Hiệp, gia đình ông Ngô Văn Sáu đã chủ động dự trữ nước dưới các mương; đồng thời, giữ cỏ ở các gốc sầu riêng để giữ ẩm cho đất. Dù vậy, ông Sáu phải tưới nước rất tiết kiệm mới có thể cầm cự được trong những ngày qua.

Chủ tịch UBND xã Ngũ Hiệp Đỗ Quốc Khánh cho biết, đây là lần thứ 2 mặn ảnh hưởng đến xã. Năm 2016, độ mặn cao nhất được ghi nhận trên sông Tiền (gần ngã ba sông Hàm Luông) chỉ có 1,98g/l. Năm nay, mặn đến sớm hơn 1 tháng, độ mặn cao nhất đo được trên địa bàn là 3,89g/l. Do đặc thù xã cù lao nên mặn đã ảnh hưởng đến hết các diện tích cây trồng trên địa bàn. Do đó, trong khoảng 10 ngày qua, xã thông báo cho người dân ngưng tưới nước cho cây ăn trái. Do diễn biến mặn hết sức phức tạp nên địa phương kiểm tra mặn hằng ngày để thông tin cho người dân; đồng thời, vận động người dân trải bạt dưới mương để bơm nước ngọt vào dự trữ, tưới nước tiết kiệm; khuyến cáo người dân nạo vét các mương vườn, để cỏ giữ ẩm cho gốc.

Cũng theo đồng chí Đỗ Quốc Khánh, đối với các vườn sầu riêng đang cho trái, một số người dân đã thuê các sà lan lên khu vực Cái Bè, cầu Mỹ Thuận để lấy nước ngọt về tưới cho cây. Song, đây chỉ là giải pháp tình thế.

Còn tại huyện Châu Thành, mặn cũng đã xâm nhập sâu và ảnh hưởng đến vùng sản xuất nông nghiệp của huyện. Ông Nguyễn Văn Út (xã Phú Phong, huyện Châu Thành) trồng 6 công sầu riêng khoảng 2 năm tuổi. Do ảnh hưởng của nước mặn nên nửa tháng nay ông không thể lấy nước tưới cho vườn sầu riêng.

QUYẾT TÂM BẢO VỆ SẢN XUẤT

Nước mặn đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất nông nghiệp ở các huyện phía Tây của tỉnh. Nhiều vườn cây ăn trái đang có nguy cơ nhiễm mặn, cây suy kiệt trước đợt hạn, mặn mang tính lịch sử này. Để bảo vệ sản xuất, các địa phương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp ứng phó.

Về giải pháp căn cơ ứng phó xâm nhập mặn trong thời gian tới, đồng chí Đỗ Quốc Khánh cho biết, ngày 4-2, UBND tỉnh chỉ đạo xã Ngũ Hiệp phân những ô nhỏ để làm cống, đập nhỏ. Khi mặn có chiều hướng xâm nhập, xã sẽ cho nước ngọt vào và đóng các cống, đập lại để trữ nước. Khi đó, người dân sẽ sử dụng nguồn nước từ trong các đập, cống để tưới cho cây. Hiện xã đang rà soát để đề xuất UBND tỉnh, huyện xem xét. Bên cạnh đó, xã sẽ vận động người dân trữ nước ngọt trước khi mặn xâm nhập, nạo vét các mương và sử dụng tấm bạt để chứa nước.

Theo Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy Nguyễn Văn Bằng, hiện toàn huyện còn khoảng 1.500 ha sầu riêng đang ra trái. Trong tình hình nước ngọt không thể lấy vào vườn được, địa phương sẽ vận động người dân cắt bỏ trái. Bên cạnh đó, để chống hạn, mặn, huyện đã chủ động trang bị thêm máy đo độ mặn, nhiều người dân cũng đã tự trang bị, đảm bảo kiểm tra nước thường xuyên trong mương vườn. Đồng thời, địa phương sẽ tiếp tục vận động người dân nạo vét mương để khi có điều kiện lấy nước ngọt sẽ tiến hành lấy vào tưới cây. Cũng theo đồng chí Nguyễn Văn Bằng, hiện một số người dân trên địa bàn đã mua túi ni lông để trữ nước tưới cây trước ảnh hưởng của mặn.

Còn theo Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Huỳnh Văn Bé Hai, để ứng phó với hạn, mặn huyện đã tập trung cao cho các xã ven sông Tiền. Đồng thời, bổ sung các phương án ứng phó trên tinh thần kiểm tra, rà soát lại tất cả 173 cống trên địa bàn. Bên cạnh đó, địa phương cũng thường xuyên theo dõi, quan trắc độ mặn để thông tin kịp thời cho các xã. Đến thời điểm này, các cống cơ bản đã được khép kín.

Hiện tại, dù độ mặn ở khu vực phía Tây đã giảm, một số vùng có thể lấy nước được, nhưng theo dự báo của các ngành chức năng, trong những ngày tới, nước mặn sẽ tiếp tục xâm nhập sâu, nhiều khả năng các vườn cây ăn trái không thể lấy được nước. Do đó, công tác chống xâm nhập mặn vẫn phải được tiếp tục, đảm bảo hoạt động sản xuất của người dân.

A. PHƯƠNG - M. THÀNH

.
.
.