.

Từ ngày 2 đến 13-3: Mỹ tái đánh giá an toàn thực phẩm cá tra Việt Nam

Cập nhật: 09:58, 08/02/2020 (GMT+7)

Cơ quan thanh tra an toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) sẽ cử đoàn công tác sang Việt Nam đánh giá hệ thống kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm lần thứ hai đối với cá thuộc bộ Siluriformes (cá da trơn), trong đó, chủ yếu là cá tra, từ ngày 2 đến 13-3 tới.

Từ ngày 2 đến 13-3, Mỹ tái kiểm soát hệ thống an toàn thực phẩm cá tra Việt Nam. Trong ảnh là nhân công chế biến cá tra xuất khẩu tại một doanh nghiệp. Ảnh: Trung Chánh
Từ ngày 2 đến 13-3, Mỹ tái kiểm soát hệ thống an toàn thực phẩm cá tra Việt Nam. Trong ảnh là nhân công chế biến cá tra xuất khẩu tại một doanh nghiệp. Ảnh: Trung Chánh

Thông tin nêu trên được ông Ngô Hồng Phong, Phó cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết tại cuộc họp “Chuẩn bị làm việc với đoàn đánh giá FSIS” diễn ra ở Thành phố Cần Thơ vào hôm nay, 7-2.

Theo ông Phong, ngày 20-1 vừa qua, Nafiqad đã nhận được công thư của FSIS thông báo cử đoàn công tác sang Việt Nam đánh giá hệ thống kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cá thuộc bộ Siluriformes (trong đó chủ yếu là cá tra) của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ, từ ngày 2 đến 13-3-2020.

Báo cáo của Nafiqad cho thấy, đây là lần thứ hai phía Mỹ sang đánh giá hệ thống kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cá tra của Việt Nam, trong đó, lần đầu được thực hiện vào tháng 5-2018.

Theo đó, lúc bấy giờ, đoàn thanh tra của FSIS đã thực hiện thanh tra thực tế hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá tra của hai cơ quan kiểm tra trung ương; một phòng kiểm nghiệm thuộc Nafiqad; tám cơ sở chế biến xuất khẩu và hai cơ sở nuôi cá tra.

Từ việc thanh tra thực tế như nêu trên, FSIS tuy đánh giá cao việc tổ chức, thực thi pháp luật của Việt Nam trong kiểm soát an toàn thực phẩm, nhưng cũng chỉ ra những lỗi sai cần khắc phục.

Cụ thể, FSIS ghi nhận hệ thống văn bản pháp lý cũng như hệ thống tổ chức thực thi pháp luật của Việt Nam trong kiểm soát an toàn thực phẩm chuỗi sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá tra sang Mỹ cơ bản phù hợp với các quy định của cơ quan này; không phát hiện sai lỗi nghiêm trọng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng trong hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá tra của Việt Nam.

"Tuy nhiên, việc ghi chép tại các cơ sở chế biến là không đầy đủ các kết quả giám sát vệ sinh; nước đá có lẫn một ít tạp chất trên bề mặt; thao tác công nhân không phù hợp; đường ống máy rửa không thuận lợi để kiểm soát vệ sinh; một số trang thiết bị, dụng cụ không được bảo trì tốt…", FSIS nêu rõ những điểm cần khắc phục.

Ngoài ra, đơn vị này cũng chỉ ra lỗi của kiểm tra viên là không phát hiện sai lỗi của các cơ sở không ghi chép đầy đủ kết quả giám sát vệ sinh trong quá trình sản xuất.

Sau khi FSIS kết thúc chuyến thanh tra, Nafiqad đã có công thư gửi FSIS về kết quả khắc phục. Dự thảo báo cáo thanh tra của FSIS sau đó cũng ghi nhận Nafiqad đã cung cấp các bằng chứng, tài liệu về việc các doanh nghiệp đã khắc phục sai lỗi.

Chương trình thanh tra cá da trơn của Mỹ có hiệu lực từ ngày 1-3-2016. Tuy nhiên, FSIS cho các nước xuất khẩu cá da trơn vào Mỹ thời gian chuyển tiếp 18 tháng để chuẩn bị các hồ sơ liên quan. Do đó, thời điểm chính thức áp dụng chương trình này là từ ngày 1-9-2017.

Theo đó, kể từ ngày 1-9-2017, nếu quốc gia nào không nộp hồ sơ đánh giá tương đương, sẽ không được phép xuất khẩu các sản phẩm cá da trơn vào Mỹ. Riêng Việt Nam đã nộp hồ sơ phục vụ đánh giá tương đương vào ngày 23-8-2017.

Ông Phong cho biết, đến ngày 12-11 năm ngoái, FSIS đã có thông báo công nhận hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm chuỗi sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá thuộc bộ Siluriformes của Việt Nam tương đương với Mỹ. “Quy định công nhận tương đương này cũng đã được đăng trên công báo Liên bang Mỹ”, ông cho biết.

Tuy nhiên, theo Nafiqad, phía Mỹ sẽ tái thực hiện kiểm soát hệ thống an toàn thực phẩm nhằm mục đích duy trì hệ thống kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm cá thuộc bộ Siluriformes của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ.

Để chuẩn bị đón đoàn công tác của Mỹ, ông Phong yêu cầu doanh nghiệp rà soát, cải thiện điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chương trình quản lý chất lượng và hồ sơ thực hiện trong toàn bộ quá trình sản xuất, vận chuyển, sơ chế, chế biến cá tra xuất khẩu vào Mỹ.

Đồng thời, yêu cầu doanh nghiệp chủ động cử cán bộ phối hợp với cơ quan quản lý nuôi trồng ở địa phương để rà soát điều kiện đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, hồ sơ quản lý ao nuôi tại các cơ sở  cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến.

Đối với doanh nghiệp có lô hàng bị FSIS cảnh báo cần lưu trữ đầy đủ hồ sơ, bao gồm văn bản cảnh báo, báo cáo điều tra nguyên nhân, kết quả thực hiện các biện pháp khắc phục và các bằng chứng cụ thể để chứng minh.

Việc đoàn công tác Mỹ sang Việt Nam đánh giá hệ thống kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cá thuộc bộ Siluriformes nằm trong chương trình thanh tra cá da trơn của Mỹ áp dụng với các nước, trong đó, có Việt Nam.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.