.

Tiền Giang: Sức bật của tương lai

Cập nhật: 09:21, 30/04/2020 (GMT+7)

Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X và các nghị quyết chuyên đề của Trung ương, của Tỉnh ủy; tiếp tục kế thừa những thành quả từ lãnh đạo, điều hành và công sức lao động của nhân dân tỉnh nhà trong suốt quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; bước vào đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020, bên cạnh những thành quả đã tích lũy được, tỉnh còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức.

Đồng chí Lê Văn Hưởng (hàng đầu, bìa phải) kiểm tra tiến độ công trình Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang.
Đồng chí Lê Văn Hưởng (hàng đầu, bìa phải) kiểm tra tiến độ công trình Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang.

Nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự đổi mới phương pháp làm việc, điều hành hiệu quả của chính quyền các cấp, đặc biệt là sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong xử lý các vấn đề mới phát sinh như hạn, mặn, dịch bệnh trên người và vật nuôi, sự quyết tâm vượt khó và khao khát làm giàu chính đáng của đông đảo người dân, cùng với sự vươn lên bứt phá của cộng đồng doanh nghiệp nên tăng trưởng và quy mô kinh tế của tỉnh đã vươn lên nhóm đầu các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với nhiều kết quả nổi bật trong xuất khẩu, phát triển doanh nghiệp, thu ngân sách, xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo, dân vận chính quyền...

Quan trọng hơn, thành quả trên còn tạo ra những động lực mới và dư địa phát triển trong tương lai.

Tiền Giang là tỉnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài cao trong vùng ĐBSCL; đã thu hút 31 dự án và 36 dự án đăng ký tăng vốn, với vốn đăng ký và tăng thêm là 980 triệu USD. Toàn tỉnh hiện có 120 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với số vốn đăng ký 2,57 tỷ USD; trong
đó có 21 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới có dự án đầu tư tại tỉnh. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng nhanh, bình quân 12,5%/năm; chiếm tỷ trọng 14,1% so  với GRDP của tỉnh.

ĐIỂM NHẤN...

Dựa trên tiềm năng, lợi thế sẵn có, những năm qua, Tiền Giang đã thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” gắn với xây dựng NTM; cùng với Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông đến năm 2025” góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Qua đó, đã hình thành các vùng chuyên canh, tăng nhanh về diện tích cây ăn trái (năm 2020 gần 80.000 ha) và thay đổi cơ bản kỹ thuật canh tác đối với một số cây trồng chủ lực như: Sầu riêng hơn 13.000 ha, thanh long hơn 9.100 ha, mít hơn 9.200 ha, bưởi da xanh hơn 3.500 ha, sa pô trên 3.500 ha, mãng cầu Xiêm trên 1.100 ha, khóm trên 14.600 ha... Đồng thời, một số mô hình ứng dụng công nghệ mới trong trồng trọt mang lại hiệu quả thiết thực cũng được nhân rộng trên địa bàn tỉnh, nổi bật là các mô hình trồng rau, dưa lưới trong nhà màng, nhà lưới sử dụng hệ thống tưới tự động; mô hình tưới nhỏ giọt, tưới tự động kết hợp với bón phân trên các loại cây ăn trái.

Về xây dựng NTM, đầu năm 2016 tỉnh có 12 xã đạt chuẩn NTM, đến nay có 97 xã đạt chuẩn NTM. Tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2020 có 120/143 xã đạt chuẩn NTM, đạt 83,9% tổng số xã (Nghị quyết đại hội là 50%), 2 huyện đạt chuẩn NTM (huyện Chợ Gạo và Gò Công Đông) và 3 đô thị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (TP. Mỹ Tho, TX. Gò Công, TX. Cai Lậy). Hiện Tiền Giang là tỉnh có số xã đạt chuẩn NTM cao nhất trong vùng ĐBSCL.

Sản xuất công nghiệp luôn tăng ở mức khá cao, bình quân 13,1%/năm, trong đó tập trung thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Tổng số doanh nghiệp thành lập mới giai đoạn 2016 - 2020 là 3.340 doanh nghiệp, tổng số doanh nghiệp hoạt động là 5.664 doanh nghiệp. Đến nay, tất cả các xã, phường, thị trấn đều có doanh nghiệp hoạt động, đây là lực lượng quan trọng đóng góp đáng kể vào GRDP của tỉnh (đứng thứ 2 và chiếm 17,2%), với tốc độ tăng giá trị gia tăng cao hơn tốc độ tăng bình quân chung của tỉnh đạt 8,8%/năm.

Giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh tập trung đầu tư hoàn thành các công trình liên kết với Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, Tiểu vùng Đồng Tháp Mười và Tiểu vùng duyên hải phía Đông như: Tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cầu Mỹ Thuận 2, cầu Rạch Miễu 2, mở rộng kinh Chợ Gạo giai đoạn 2, tuyến đường cao tốc An Hữu - Cao Lãnh. Tỉnh phối hợp với tỉnh Long An mời gọi đầu tư Dự án Trục đô thị TP. Hồ Chí Minh - Long An - Tiền Giang.

Tỉnh đầu tư các công trình liên kết các vùng của tỉnh, các công trình liên kết với các tỉnh lân cận; trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư hoàn thành các trục ngang, trục dọc như: Nghiên cứu ý tưởng đường tỉnh 864 từ cầu Mỹ Thuận đến biển Tân Thành để khai thác quỹ đất ven sông Tiền; đầu tư đường tỉnh 872, đường tỉnh 877C, đường tỉnh 879..., với quy mô theo quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Hoạt động thương mại, dịch vụ liên tục tăng trưởng và phát triển; thu hút được các nhà đầu tư thương mại lớn, với nhiều loại hình thương mại, dịch vụ phù hợp xu hướng tiêu dùng mới như: Trung tâm thương mại kết hợp với shophouse của Tập đoàn Vingroup, Trung tâm Thương mại Mỹ Tho, Bến Du thuyền tại TP. Mỹ Tho, Khách sạn Central Plaza Mỹ Tho, Co.opmart Cái Bè, Trung tâm Thương mại Trái cây quốc gia
(xã Hòa Khánh - huyện Cái Bè)... cùng với việc đầu tư, mời gọi đầu tư các chợ nông thôn gắn với xây dựng NTM đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu mua sắm, tiêu dùng hàng hóa của người dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng bình quân hơn 9,0%/năm. Kim ngạch xuất khẩu đến cuối năm 2019 đạt 3,05 tỷ USD, đứng thứ 2/13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng nhanh, giai đoạn 2016 - 2020 đạt trên 169,8 ngàn tỷ đồng, chiếm 38,2% so tổng GRDP của tỉnh; trong đó, riêng Dự án Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận với tổng vốn đầu tư 12.668 tỷ đồng sẽ thông tuyến vào năm 2020 và hoàn thành vào năm 2021 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, một kết quả khá ấn tượng của nhiệm kỳ qua là kết quả thu ngân sách. Theo đó, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2019 đạt 11.260 tỷ đồng (Nghị quyết đề ra đến năm 2020 đạt 9.116 tỷ đồng) và giai đoạn 2016 - 2020 là 45.799,2 tỷ đồng (Nghị quyết 36.875 tỷ đồng); tăng bình quân 15,9%/năm. Với điều kiện nguồn thu ngân sách đảm bảo, Tiền Giang đã đầu tư khoảng 20.000 tỷ đồng cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, đô thị, phát triển công nghiệp, thương mại, du lịch, giáo dục, y tế, xây dựng NTM, giảm nghèo; nhất là các dự án, công trình cấp thiết phục vụ sản xuất và bảo đảm an sinh xã hội.

Đặc biệt, Tiền Giang tiếp tục triển khai thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp, qua đó đã thu hút được nhiều tập đoàn, nhà đầu tư lớn, có năng lực tài chính, kinh nghiệm đầu tư trên địa bàn tỉnh. Công tác cải cách hành chính, cải tiến quy trình, thủ tục hành chính được triển khai tập trung, đồng bộ ở các ngành, các cấp, tạo sự chuyển biến tích cực, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng. Đầu năm 2020, tỉnh ra mắt và đi vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh.

Đây là đầu mối tiếp nhận và trả kết quả của hơn 1.492 thủ tục hành chính, như: Đăng ký thành lập doanh nghiệp, quyết định chủ trương đầu tư, cấp đổi giấy chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe, lý lịch tư pháp... giúp người dân, doanh nghiệp có thể dễ dàng thực hiện các thủ tục hành chính theo yêu cầu; đồng thời, cũng là địa điểm cung cấp thông tin và giám sát, đánh giá chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính. Công tác dân vận chính quyền, tiếp công dân đạt nhiều kết quả tích cực; UBND tỉnh đã tổ chức gặp gỡ nhân dân 173/173 xã, phường, thị trấn để tìm hiểu, lắng nghe ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với công tác điều hành, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công của cơ quan hành chính nhà nước; thường xuyên tuyên truyền, giải thích chính sách, pháp luật gắn với chủ động giải quyết các vấn đề bức xúc của người dân, tạo sự đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện.

Đồng chí Lê Văn hưởng tiếp thủ tướng nguyễn  xuân phúc tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang năm 2018.
Đồng chí Lê Văn hưởng tiếp thủ tướng nguyễn xuân phúc tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang năm 2018.

... VÀ DƯ ĐỊA MỚI

Kế thừa những kinh nghiệm đã được đúc kết từ công tác chỉ đạo điều hành trong suốt quá trình phát triển, thời gian tới, Đảng bộ và nhân dân Tiền Giang quyết tâm giữ vững và phát huy truyền thống đoàn kết, tiếp tục nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, huy động tối đa các nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh, gắn với cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh để thúc đẩy tăng trưởng nhanh và chuyển dịch kinh tế mạnh mẽ.

Theo đó, tỉnh sẽ tổ chức triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, tích hợp phù hợp theo Luật Quy hoạch để tìm ra ý tưởng mới, phương pháp mới nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của tỉnh; đồng thời, cụ thể hóa theo hướng nâng cao chất lượng và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; nâng cao năng lực cạnh tranh đáp ứng yêu cầu hội nhập, đảm bảo an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội và nâng cao chất lượng đời sống người dân. Tiếp tục thực hiện đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực kinh tế; tiếp tục triển khai thực hiện theo lộ trình các đề án tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp, công nghiệp, đô thị, thương mại, du lịch của tỉnh.

Trong phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, tỉnh tiếp tục phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao năng lực các hợp tác xã; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ; tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp đầu tư chế biến nông sản, đặc biệt là chế biến trái cây, để nâng cao giá trị trái cây và phát triển ổn định trong thời gian tới. Điều chỉnh lại kịch bản ứng phó một cách căn bản, vừa trước mắt vừa lâu dài để thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Tiếp tục tăng cường xây dựng NTM, gắn với giảm nghèo; đến năm 2025, 100% địa phương cấp huyện xây dựng đạt chuẩn NTN.

Tỉnh tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp mới và phát triển, chỉnh trang đô thị. Tiếp sau các dự án đầu tư đang triển khai, tỉnh sẽ tổ chức đấu giá để xét các dự án đầu tư tại khu đất phía trước Quảng trường Trung tâm tỉnh, khu dân cư đô thị Vĩnh Kim, khu đất trước Khu công nghiệp Long Giang, khu đất trước Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang xây dựng, khu đất gần Trường Trung học phổ thông Chuyên Tiền Giang, chuẩn bị triển khai Dự án đường Hùng Vương nối dài và khu dân cư 2 bên đường đến ngã tư Thân Cửu Nghĩa, nghiên cứu lại dự án kè kết hợp với đường dọc kinh Bảo Định và sẽ triển khai đầu tư khởi đầu từ phía cống Bảo Định vào nội thị Mỹ Tho, Khu công nghiệp Bình Đông, Cụm công nghiệp Gia Thuận 1 và Gia Thuận 2, dự án chợ đêm, phố đi bộ dọc kè phường 4, phường 6 và các dự án khác đã và đang triển khai trên các huyện, thị khác trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, ngân sách sẽ đầu tư chỉnh trang và nâng cấp Công viên Tết Mậu Thân xứng tầm đô thị Mỹ Tho và tập trung khởi động lại Khu công nghiệp dịch vụ dầu khí Soài Rạp... để vừa tiếp tục được đà tăng trưởng nhanh của ngành Công nghiệp, vừa phát triển bất động sản khi hội tụ đủ điều kiện.

Tỉnh tiếp tục phát triển doanh nghiệp mạnh mẽ hơn nữa, tạo điều kiện chuyển nhanh số hộ kinh doanh thành doanh nghiệp gắn với nâng quy mô và chất lượng để hình thành doanh nghiệp vừa và có một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh; có kế hoạch xây dựng nhóm hợp tác xã điển hình tiêu biểu để hỗ trợ tạo điều kiện phát triển và nhân rộng. Đây sẽ là lực lượng quan trọng, đóng góp tích cực vào nguồn thu ngân sách của tỉnh theo hướng bền vững, qua đó bổ sung nguồn lực cho đầu tư phát triển,phục vụ cho phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục, thể thao, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội...

Tỉnh chú trọng phát triển du lịch gắn với các sự kiện, lễ hội và khai thác thiết chế văn hóa cấp xã; kết nối phát triển du lịch 3 vùng của tỉnh để thu hút khách du lịch và hình thành các sự kiện, lễ hội luân phiên hằng năm nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân trong, ngoài tỉnh và khách quốc tế.
Để Tiền Giang có thể bứt phá vươn lên thì tỉnh cũng đã xác định vấn đề hạ tầng, mà trước hết là hạ tầng giao thông là hết sức quan trọng trong thời gian tới. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung vào 3 trọng điểm: Đầu tư nâng cấp tải trọng một số tuyến đường trục hiện hữu, phân bổ mạnh kinh phí cho duy tu bảo dưỡng cầu, đường và nghiên cứu đầu tư một số tuyến đường mới tạo động lực cho phát triển.

Cụ thể, tỉnh sẽ tập trung nâng cấp các tuyến đường trục và cầu giao thông với tải trọng cao đồng bộ, trước hết là ở các vùng chuyên canh cây ăn trái, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa, nhất là các loại trái cây, nhằm giảm chi phí vận chuyển, giảm hao hụt trong khâu bốc dỡ, bảo quản sau thu hoạch và trung chuyển, góp phần giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh cho trái cây của tỉnh, giúp người nông dân trồng cây ăn trái nâng cao thu nhập, tiến tới khá giả và giàu có. Bên cạnh đó, sẽ bổ sung, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới giao thông của tỉnh theo hướng dọc trục Đông Tây với 3 trục cơ bản: Trục thứ nhất là Quốc lộ 1A nối với Quốc lộ 50; trục thứ hai là kinh Nguyễn Văn Tiếp cùng với kinh Chợ Gạo; trục thứ ba là tỉnh lộ 864 kéo dài từ Mỹ Thuận (huyện Cái Bè) đến Tân Thành (huyện Gò Công Đông). Song song đó là hình thành các lưới đường ngang kết nối 3 trục này một cách phù hợp. Sau khi xây dựng xong cầu Trà Lọt, cầu Cái Thia để nối tuyến đường tỉnh 864 từ Mỹ Tho tới Mỹ Thuận, tỉnh sẽ nghiên cứu đầu tư cầu bắc qua cửa sông Bảo Định để kết nối kè phường 4, phường 6 với kè phường 2 và tiếp đó, sẽ đề xuất đầu tư tuyến đường nối từ kè phường 2 về tới Tân Thành, hình thành tỉnh lộ 864 dài nhất tỉnh để khai thác đúng mức tiềm năng, lợi thế vùng đất dọc sông Tiền gắn với phát triển kinh tế biển...

Trên cơ sở những thành quả đã đạt được, cùng với những định hướng phát triển và giải pháp triển khai thực hiện hết sức cụ thể, Tiền Giang sẽ vững bước vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong thời kỳ mới, thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo để xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển và tiến lên giàu đẹp.

LÊ VĂN HƯỞNG

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang

.
.
.