Thứ Sáu, 22/05/2020, 08:42 (GMT+7)
.
Bật "lò xo" kinh tế hậu Covid-19

Bài 2: Doanh nghiệp "đau đầu"

Bài 1: Kích cầu du lịch nội địa

Covid-19 đã và đang tác động khá lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với các doanh nghiệp may mặc, chế biến thủy sản…

Không ít doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, cắt giảm lao động do tình hình xuất khẩu khó khăn, thiếu nguyên liệu…. Điều này đã tạo nên áp lực khá lớn đối với các doanh nghiệp.

Hoạt động của các doanh nghiệp chịu tác động lớn do Covid-19.
Hoạt động của các doanh nghiệp chịu tác động lớn do Covid-19.

NHIỀU KHÓ KHĂN

Phản ánh từ các doanh nghiệp cho thấy, do thiếu nguyên liệu, tiêu thụ khó khăn nên các doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động, sản xuất cầm chừng trong giai đoạn Covid-19 diễn ra. Đại diện Công ty cổ phần Tex Giang (Khu công nghiệp Tân Hương) chuyên may mặc xuất khẩu, cho rằng do khách hàng của công ty là các nhãn hàng lớn nổi tiếng tại thị trường châu Âu, châu Mỹ..., những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, đã yêu cầu ngưng sản xuất và ngưng giao hàng dẫn đến đứt gãy toàn bộ chuỗi cung ứng. Chính vì vậy, công ty phải tìm đơn hàng gia công trong nước và điều chỉnh lại giờ làm việc cho một số bộ phận công nhân.

Còn theo ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng (Khu công nghiệp Mỹ Tho), dưới tác động của dịch bệnh Covid-19, ngành thủy sản xuất khẩu nói chung chịu tác động rất lớn. Thống kê sơ bộ, trong thời gian dịch Covid-19 diễn ra, xuất khẩu thủy sản chế biến có thể bị ảnh hưởng đến 35%.

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, dù chịu tác động mạnh của dịch bệnh Covid-19, tình hình kinh tế của Tiền Giang cũng có một số điểm sáng. Theo đó, năm 2020 Tiền Giang đặt ra kế hoạch thành lập mới từ 650 - 700 doanh nghiệp. Trong 4 tháng đầu năm 2020, Tiền Giang có 221 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký hơn 1.457 tỷ đồng, đạt 34% so với kế hoạch, tương đương cùng kỳ và đăng ký thành lập mới 279 đơn vị trực thuộc (48 chi nhánh, 225 địa điểm kinh doanh, 6 văn phòng đại diện), tăng hơn 56% so 4 tháng đầu năm 2019. Ngoài ra, Tiền Giang cũng thu hút được 11 dự án, trong đó có 4 dự án FDI, tăng 3 dự án so với cùng kỳ, với tổng vốn đầu tư thu hút từ đầu năm đạt hơn 6.644 tỷ đồng…

Do không xuất được hàng, nguyên liệu phải gửi kho nên công ty phải cắt giảm sản lượng sản xuất. “Theo dự báo, ngay khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các thị trường tiêu thụ được nối lại, xuất khẩu thủy sản sẽ bật nhanh do nhu cầu tiêu thụ vẫn còn rất lớn. Tuy gặp nhiều khó khăn trong những tháng đầu năm, nếu dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, ngành thủy sản xuất khẩu sẽ tăng nhanh để bù đắp mức giảm vừa qua do tác động của dịch bệnh. Các doanh nghiệp trong ngành đang hy vọng điều này”- ông Đạo cho biết thêm.

Tổng hợp kiến nghị của các doanh nghiệp thành viên Hội Doanh nghiệp huyện Gò Công Đông cũng cho thấy, một số khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp: Các doanh nghiệp ngành đánh bắt hải sản thiếu trầm trọng về lao động trong khi sản lượng hải sản đánh bắt về tiêu thụ rất chậm và giá thấp nên nhiều doanh nghiệp không thể ra khơi.

Còn các doanh nghiệp chế biến thủy, hải sản thì sản lượng chế biến không tiêu thụ được, một số đơn hàng xuất khẩu cũng không xuất được, do khách hàng không tiếp nhận. Chưa kể, các doanh nghiệp ngành may mặc đến giữa tháng 3-2020 đã hết nguyên liệu, sản phẩm cũng không xuất khẩu được, đặc biệt có Tổng Công ty May mặc xuất khẩu Find Moon đã đóng cửa và giải thể doanh nghiệp từ cuối tháng 3-2020…

ĐỒNG HÀNH CÙNG DN

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong 4 tháng đầu năm 2020, tình hình hạn, mặn và đặc biệt là dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong cả nước nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng.

Theo đó, trong thời gian thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 15 ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh có 335 doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, tập trung một số ngành nghề chính như: Vận tải (89 doanh nghiệp); khách sạn (65 doanh nghiệp); du lịch (61 doanh nghiệp); nhà hàng, ăn uống (61 doanh nghiệp); may gia công (52 doanh nghiệp).

Tính đến 30-4-2020, có 32 doanh nghiệp đăng ký và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng hơn 18% so cùng kỳ năm 2019; có 105 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng hơn 23% so cùng kỳ năm 2019.

Phân tích về cơ cấu nguyên nhân tác động làm cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn, vướng mắc cho thấy trên nhiều nhiều mặt, tập trung các nhóm chính. Chẳng hạn như về nguyên liệu, thị trường do doanh nghiệp không nhập được nguyên liệu và không xuất khẩu được, tình trạng đối tác hủy hợp đồng đã ký, chậm trả tiền hàng đối với hợp đồng đã thực hiện trước đó đã làm doanh thu giảm mạnh.

Ngoài ra, các chi phí duy trì hoạt động của doanh nghiệp không giảm, doanh nghiệp phải chịu các khoản chi phí về thuế thu nhập doanh nghiệp, chi phí lãi vay ngân hàng, chi phí lương cho người lao động, chi phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chi phí nhiên liệu, chi phí lưu kho, tiền thuê đất... Chưa kể, các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn về nguồn vốn hoạt động và rất cần được vay từ nguồn vốn kích cầu, vay ưu đãi, tín chấp để trang trải các chi phí và để đầu tư phục hồi sản xuất.

Trên cơ sở những khó khăn do tác động của Covid-19, Tiền Giang đã xây dựng kịch bản và đề ra các giải pháp cụ thể khắc phục, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho những tháng còn lại, đặc biệt là sau khi dịch bệnh được khống chế.

Đồng thời, tỉnh cũng triển khai thực hiện kịp thời các hoạt động hỗ trợ, giúp các doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc: Tích cực thăm hỏi, động viên doanh nghiệp và đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với doanh nghiệp; triển khai thực hiện các chính sách của Trung ương hỗ trợ doanh nghiệp như: Nghị định 41/2020 của Chính phủ về việc gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; Thông tư 01/2000 ngày 13-3-2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19; Công văn 860 ngày 17-3-2020 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và đặc biệt là Nghị quyết 42 ngày 9-4-2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19…

ANH PHƯƠNG - MINH THÀNH (Còn tiếp)

.
.
.