Chờ đợi gì ở EVFTA?
Một trong những nội dung được đưa ra đầu tiên tại Kỳ họp Quốc hội lần thứ 9 đang diễn ra là Chủ tịch nước đề nghị các đại biểu Quốc hội phê chuẩn thông qua Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA). EVFTA được đánh giá là hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU; đồng thời, phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Rõ ràng, việc Nghị viện châu Âu (EP) bỏ phiếu thông qua Hiệp định EVFTA vào chiều ngày 12-2-2020 là sự kiện đánh dấu một mốc mới trên chặng đường gần 30 năm hợp tác và phát triển giữa Việt Nam và EU. Với EVFTA, Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có quan hệ thương mại tự do với EU. Đây là thông điệp tích cực về quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp và khó đoán định.
Khi EVFTA được Quốc hội thông qua và có hiệu lực sẽ tiếp nối chặng đường hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam. Bởi Việt Nam đã tham gia vào sân chơi chung của thị trường thế giới đã hơn 20 năm, kể từ khi tham gia vào khối ASEAN năm 1995, tiếp theo đó là ký Hiệp định Thương mại với Hoa Kỳ vào năm 2000. Gần đây nhất là Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)…
Kết quả rõ ràng nhất là hội nhập đã thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển rất nhanh và tất nhiên cũng sẽ tạo ra những thách thức. Trong bức tranh chung đó, Tiền Giang cũng không ngừng hội nhập và phát triển, thể hiện rõ nhất thông qua việc đón nhận các dòng vốn đầu tư….
Trên bình diện tổng thể, các hiệp định kinh tế bao giờ cũng gắn chặt với việc cam kết thực hiện giảm các dòng thuế. EVFTA cũng như thế. Đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hơn 85% số dòng thuế, tương đương 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hơn 99% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Như vậy, có thể nói, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là 1 trong 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay.
Còn đối với hàng xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực với hơn 48% số dòng thuế (chiếm hơn 64% kim ngạch nhập khẩu). Tiếp đó, sau 7 năm, gần 92% số dòng thuế tương đương hơn 97% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan hơn 98% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, Việt Nam áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.
Ngoài các dòng thuế, EVFTA còn mang đến nhiều tiện ích khác. Theo Bộ Công thương, Hiệp định EVFTA gồm 17 chương, 2 nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính là: Thương mại hàng, quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ, đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lý - thể chế…
Rõ ràng, sau các sân chơi lớn mà Việt Nam đã tham gia như WTO hay CPTPP, EVFTA sẽ bước tiếp chặng đường hội nhập sâu rộng của Việt Nam. Đó là bước tiến dài của tiến trình đổi mới đất nước. Điều này sẽ góp phần mở ra một chương mới cho kinh tế Việt Nam nói chung và Tiền Giang nói riêng…
ANH PHƯƠNG