.
Khôi phục sản xuất sau hạn, mặn:

Bài cuối: Giải "bài toán" nước ngọt

Cập nhật: 09:51, 29/06/2020 (GMT+7)

Bài 1: Nỗ lực khôi phục vùng chuyên canh sầu riêng

Bài 2: Tính toán lại hệ thống thủy lợi

Bài 3: Chuyển đổi nhưng phải hiệu quả

Đảm bảo nước ngọt sản xuất và sinh hoạt cho người dân trong mùa khô những năm tiếp theo đang là vấn đề cấp bách hiện nay. Một giải pháp lâu dài và mang tính bền vững đang được tỉnh hướng đến.

Đợt hạn, mặn năm 2020 kết thúc mới thấy, nước ngọt có ý nghĩa như thế nào đối với sản xuất và đời sống của người dân cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Tiền Giang nói riêng.

Đầu tư hệ thống dẫn nước cho người dân huyện Gò Công Tây trong mùa khô 2020.
Đầu tư hệ thống dẫn nước cho người dân huyện Gò Công Tây trong mùa khô 2020.

CHẬT VẬT DO THIẾU NƯỚC

Tiền Giang không nằm ngoài bức tranh chung của Đồng bằng sông Cửu Long nên phải chịu tác động lớn từ hạn, mặn vừa qua. Bằng chứng rõ nét nhất là do mặn năm 2020 đến sớm, lấn sâu nên các cống trong vùng dự án đóng sớm hơn đợt hạn, mặn năm 2015 - 2016 bình quân từ 30 - 45 ngày, các tuyến kinh và ao vùng dự án khô cạn nên nguồn nước cung cấp từ các doanh nghiệp sử dụng nước mặt không còn nguồn cung cấp; đồng thời, mặn đã ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước thô cấp cho 2 Nhà máy nước Đồng Tâm và Bình Đức.

Nhìn vào khía cạnh khác cho thấy, nhu cầu về nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn Tiền Giang ngày càng cao và mang tính cấp bách hơn. Bởi hằng năm, vào mùa khô trên địa bàn tỉnh có 12.338 hộ dân thiếu nước sinh hoạt do chưa tiếp cận được trạm cấp nước. Riêng trong mùa hạn, mặn năm 2020, có 17.650 hộ đã tiếp cận được nguồn nước từ trạm cấp nước nhưng không có nước sử dụng (những hộ sử dụng từ nguồn nước cấp của các doanh nghiệp còn dùng nước mặt vùng dự án).

Nhờ chủ động, quyết liệt triển khai các giải pháp nên tỉnh đã cơ bản đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân trong mùa hạn, mặn. Đặc biệt, việc đắp đập thép ngăn mặn, trữ ngọt trên kinh Nguyễn Tấn Thành đã góp phần bảo vệ nguồn nước sinh hoạt cho 1,1 triệu dân 2 tỉnh Tiền Giang và Long An. Tuy nhiên, có thời điểm, một số khu vực ở cuối nguồn Dự án Ngọt hóa Gò Công vẫn xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt.

Theo Sở Công thương, hiện Cụm công nghiệp Gia Thuận 1 (huyện Gò Công Đông) đã được đầu tư san lấp hạ tầng đạt khoảng 97%. Cụm công nghiệp Gia Thuận 2, Khu công nghiệp Gò Công cũng đang được triển khai thực hiện; Khu công nghiệp Bình Đông (TX. Gò Công) đang chuẩn bị hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ cấp chủ trương đầu tư. Một khi các dự án này đi vào hoạt động, nhu cầu nước sản xuất sẽ rất lớn. Đây là vấn đề cần được xem xét và tính toán.

Bên cạnh câu chuyện nước sinh hoạt phục vụ người dân, đảm bảo nước phục vụ sản xuất cũng là một trong những vấn đề bức thiết hiện nay. Mùa hạn, mặn vừa qua, một số doanh nghiệp tại khu vực cuối nguồn Ngọt hóa Gò Công gặp khó khăn do thiếu nước sinh hoạt, sản xuất.

Theo đại diện Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - May mặc xuất khẩu Toàn Thắng (xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông), vừa qua hạn, mặn đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất tại doanh nghiệp. Công nhân của công ty đa phần sinh sống tại xã, do thiếu nước sinh hoạt nên một số công nhân đã nghỉ ở nhà để lo nước sinh hoạt cho gia đình. Để ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, công ty mong muốn nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất được đảm bảo; đồng thời, cũng để đảm bảo công tác phòng, chống cháy, nổ.

TRIỂN KHAI NHIỀU GIẢI PHÁP

Theo nhận định của các ngành chức năng, hạn, mặn gay gắt như năm 2020 vẫn còn là nguy cơ hiện hữu trong những năm tới, thậm chí có thể gay gắt hơn. Do đó, để ứng phó với hạn, mặn, đảm bảo đời sống, sinh hoạt của người dân cần phải được chủ động, trong đó có việc đảm bảo nước sinh hoạt phục vụ nhân dân. Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang Huỳnh Công Dũng, năm 2020 là một năm rất khó khăn cho công ty trong việc cung cấp nước cho nhân dân trên địa bàn tỉnh do hạn, mặn gay gắt làm tăng nhu cầu sử dụng nước và nguồn nước được dùng cho nhiều mục đích khác ngoài phục vụ cho mục đích sinh hoạt.

Để đảm bảo cung cấp nước trong thời gian tới, HĐND tỉnh đã phê duyệt và bố trí nguồn vốn để xây dựng trạm tăng áp Gò Công và các tuyến ống chuyển tải cấp 2 cung cấp nước cho TX. Gò Công và huyện Gò Công Đông từ nguồn nước của Nhà máy nước Đồng Tâm. Sở Xây dựng đã phối hợp với đơn vị tư vấn lập xong và đang trình phê duyệt dự án. Thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn năm 2020 - 2022. Mặt khác, công ty sẽ thực hiện theo Kế hoạch 82 ngày 1-4-2020 của UBND tỉnh về việc phê duyệt kế hoạch cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và sau năm 2020.

Bên cạnh đó, công ty cũng đã cải tạo, sửa chữa các trạm cấp nước dự phòng ở các huyện, thị phía Đông của tỉnh để đảm bảo sản xuất, cung cấp nước khi có nguồn nước thô đạt tiêu chuẩn từ các kinh nội đồng vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công. Hằng năm, bằng nguồn vốn khấu hao cơ bản và vốn vay, công ty tiến hành đầu tư, cải tạo, nâng cấp và mở mới các tuyến ống cấp 2, cấp 3 để mở rộng địa bàn cung cấp nước, nhất là ưu tiên cho các khu vực nước thiếu, yếu và chưa có nước sạch để sử dụng.

Ngoài ra, công ty sẽ phối hợp với địa phương vận động các nguồn vốn tài trợ, vốn xã hội hóa để xây dựng các tuyến ống cấp nước để cung cấp cho nhân dân, nhất là các khu vực chưa có nguồn nước sạch để sử dụng. Đồng thời, phối hợp với địa phương đấu nối cung cấp nước qua đồng hồ tổng cho các trạm cấp nước, hợp tác xã, doanh nghiệp cấp nước… có chất lượng nước chưa đạt tiêu chuẩn để đảm bảo nguồn nước cung cấp cho nhân dân đạt tiêu chuẩn quy định.

Cũng theo ông Huỳnh Công Dũng, hiện nay UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương cho nghiên cứu xây dựng nhà máy nước thô tại huyện Cái Bè để cung cấp nguồn nước thô phục vụ cho các nhà máy nước, nông nghiệp trên địa bàn 3 tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre nhằm đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt và bổ sung hỗ trợ một phần nước nông nghiệp khi xảy ra hạn, mặn. Theo nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án (Công ty cổ phần Đầu tư ngành nước DNP), trạm bơm nguồn của dự án sẽ đặt tại huyện Cái Bè; trạm bơm tăng áp đặt tại huyện Cai Lậy và Châu Thành; hệ thống tuyến ống truyền tải nằm trên địa bàn các tỉnh Tiền Giang, Long An và Bến Tre.

Công suất dự án giai đoạn 1 (năm 2021) là 300 ngàn m3/ngày đêm; giai đoạn 2 (năm 2025) là 500 ngàn m3/ngày đêm. “Hiện công ty đang xây dựng phương án nâng công suất Nhà máy nước Bình Đức lên để đảm bảo cung cấp cho toàn bộ khu vực TP. Mỹ Tho nhằm để tập trung nước của Nhà máy nước Đồng Tâm cung cấp cho các huyện, thị phía Đông của tỉnh.

Công ty sẽ duy trì công tác bảo trì, bảo dưỡng các giếng khoan dự phòng, các trạm cấp nước dự phòng để đảm bảo có thể đưa vào sử dụng khai thác khi có sự cố về nguồn nước. Rút kinh nghiệm từ đợt hạn, mặn những năm qua, nhất là năm 2016, 2020, tỉnh và các sở, ngành đã có nhiều bài học kinh nghiệm để chuẩn bị và đầu tư tốt hơn trong thời gian sắp tới trong điều kiện của tỉnh” - ông Huỳnh Công Dũng cho
biết thêm.

ANH PHƯƠNG - M. THÀNH

.
.
.