.

Chợ Gạo: Nhiều diện tích dừa uống nước thiệt hại vì hạn, mặn kéo dài

Cập nhật: 09:27, 12/07/2020 (GMT+7)
Cây dừa được xem là cây có khả năng chịu hạn, mặn cao, tuy nhiên thời gian gần đây, do tình hình hạn, mặn gay gắt, kéo dài và diễn biến phức tạp đã làm nhiều diện tích vườn dừa uống nước tại huyện Chợ Gạo giảm năng suất, nhất là đối với diện tích dừa uống nước tại các xã hệ Ngọt hóa Gò Công như Hòa Định, Xuân Đông, Bình Ninh… hiện sản lượng dừa của các xã này giảm hơn 50%, gây thất thu lớn đối với thu nhập của người dân.
 
Vườn dừa của gia đình ông Huỳnh Văn Mươi, ấp Bình Hưng Thượng bị thiệt hại vì hạn, mặn kéo dài.

 

Những năm gần đây, cây dừa uống nước là được xem là cây trồng nhiều triển vọng và tiềm năng, đặc biệt là các giống dừa cho trái sớm, năng suất cao, chất lượng ngon như: Dừa Mã Lai, dừa Xiêm chuỗi, dừa dứa,... Nhiều địa phương tại huyện Chợ Gạo trong đó có xã hệ Ngọt hóa Gò Công như: Xuân Đông, Hòa Định, Bình Ninh, An Thạnh Thủy… đã chọn những giống dừa này để thay thế cho các vườn dừa già cỗi, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống nhà vườn. Mặc dù, dừa có khả năng chịu hạn, mặn, nhưng khi hạn, mặn kéo dài và phức tạp đã ảnh hưởng đến việc ra hoa và đậu trái. Hiện nay, một số diện tích dừa uống nước tại các xã này bị rớt bẹ, gãy bẹ, teo củ hủ, hoa dừa bị khô và rụng trái non.

Ông Huỳnh Văn Mươi, ngụ ấp Bình Hưng Thượng, xã Bình Ninh chia sẻ, gia đình ông trồng dừa Xiêm chuỗi hơn 7 năm nay, chưa năm nào ông thấy tình hình hạn, mặn diễn biến phức tạp và kéo dài như năm nay. Từ sau Tết Nguyên đán, diện tích vườn dừa của gia đình ông đã bắt đầu giảm năng suất, chất lượng trái không đạt yêu cầu nên thương lái thu mua cầm chừng, giá bán không bằng một phần ba so với những mùa khô trước đây.

Với 7 công dừa uống nước, vào mùa khô năm trước, mỗi chục dừa (12 trái) ông bán trên 100.000 đồng, mỗi tháng ông có thu nhập trên 20 triệu đồng từ việc bán dừa. Tuy nhiên, năm nay, ông thu hoạch chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng, vì dừa trái nhỏ nên thương lái thu mua trung bình khoảng 30.000 đồng/chục. Riêng 01 tháng nay, gia đình ông không có thu nhập vì hầu hết dừa không đạt yêu cầu nên thương lái không đến mua.

Ông Huỳnh Văn Tám, ngụ cùng ấp cũng trồng 1,7 công dừa Xiêm chuỗi được 7 năm tuổi. Ông Tám cho biết, mọi năm với diện tích vườn dừa của gia đình, mỗi tháng gia đình ông thu hoạch từ 1.000 - 1.800 trái, giá bán trung bình gần 100.000 đồng/chục vào những tháng nắng nóng, gia đình ông có nguồn thu nhập khá ổn định. Tuy nhiên, năm nay, do không có nước tưới và không bón phân đầy đủ trong thời gian hạn, mặn nên năng suất vườn dừa giảm đáng kể.

Mặc dù, chăm sóc rất kỹ nhưng vườn dừa nhà ông vẫn giảm sản lượng hơn 50% so với năm trước. Hiện tại, mỗi tháng gia đình ông chỉ thu hoạch khoảng 200 trái, nhưng do trái nhỏ không đạt yêu cầu nên thương lái thu mua trung bình chưa đến 50.000 đồng/chục, gây thất thu lớn cho gia đình. Hiện tại gia đình ông đã chuẩn bị đầu đủ các loại phân chuồng, phân vô cơ, thuốc dưỡng để khi mùa mưa đến tập trung bón cho vườn dừa. 

Tình hình hạn, mặn kéo dài đã làm nhiều diện tích vườn dừa uống nước bị suy kiệt, giảm năng suất nghiêm trọng. Để tiếp tục duy trì nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, nhiều nhà vườn đang rất chú trọng đến công tác phục hồi vườn dừa sau hạn, mặn. Bà Võ Thị Ngọc Dung, xã Hòa Định cho biết, để phục hồi hơn 4 công vườn dừa Mã Lai, hiện tại gia đình tranh thủ chặt bỏ những buồng dừa trái nhỏ, hoa dừa bị khô do ảnh hưởng hạn, mặn, chuẩn bị phân hữu cơ bón cho cây khi mưa xuống. Ngoài ra, bà sẽ tăng cường bón thêm các loại phân vô cơ để tăng cường chất dinh dưỡng giúp dừa nhanh hồi phục.

Nhiều nông dân trồng dừa uống nước tại các xã hệ Ngọt hóa Gò Công cho biết, với việc chịu khó chăm sóc và thực hiện tốt việc cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng khi mùa mưa đến, dự kiến sau 5 - 8 tháng, nhiều diện tích vườn dừa uống nước của huyện mới có thể phục hồi và bắt đầu cho thu hoạch trở lại.

Theo Cổng Thông tin điện tử Tiền Giang

 

.
.
.