Thứ Ba, 07/07/2020, 15:24 (GMT+7)
.

Gỡ vướng thể chế để doanh nghiệp chạy tốt trên "đường cao tốc"

Cải cách thể chế là “bệ đỡ” giúp doanh nghiệp chạy tốt trên “đường cao tốc” hội nhập quốc tế, nhất là khi cộng đồng doanh nghiệp đang bị “dương tính” với dịch Covid-19, theo đánh giá của ông Phạm Đình Vũ, Chánh Văn phòng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiêm Chánh Văn phòng Hội đồng Trung ương các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Phạm Đình Vũ (người đứng) phát biểu tại buổi làm việc diễn ra hôm nay, 7-7, tại TP Cần Thơ. Ảnh: Trung Chánh
Ông Phạm Đình Vũ (người đứng) phát biểu tại buổi làm việc diễn ra hôm nay, 7-7, tại TP Cần Thơ. Ảnh: Trung Chánh

Tại cuộc họp “Hội đồng các hiệp hội doanh nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) kỳ họp lần thứ nhất năm 2020” diễn ra vào hôm nay, 7-7, tại TP Cần Thơ, ông Vũ cho biết, Chính phủ rất thành công trong phòng chống dịch Covid-19 khi hiện chỉ có khoảng 355 ca nhiễm, đã chữa khỏi 344 ca và chưa có trường hợp tử vong.

Tuy nhiên, theo ông Vũ, đối với cộng đồng doanh nghiệp, Covid-19 khiến 100% đơn vị bị “dương tính” và có nhiều trong số đó đã “tử vong”, tức đã có nhiều trường hợp giải thể, phá sản.

Ông Vũ dẫn báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy, bốn tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã khiến nền kinh tế thế giới bị thiệt hại khoảng 4.100 tỷ đô la Mỹ, cao hơn nhiều lần so với mức thiệt hại của các đợt dịch bệnh xảy ra trước đó.

Theo ông Vũ, nền kinh tế Việt Nam có độ mở và sự phụ thuộc khá lớn vào nền kinh tế toàn cầu, cho nên, Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ về mặt kinh tế, dù thành công trong ứng phó với dịch Covid-19.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ cũng đã đề ra nhiều biện pháp hỗ trợ phục hồi nền kinh tế. “Tuy nhiên, làm thế nào để doanh nghiệp có thể bứt phá?’, ông Vũ nêu câu hỏi và gợi ý giảm thiểu chi phí, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn cho doanh nghiệp là “bệ đỡ” giúp họ có thể bứt phá như kỳ vọng.

Muốn vậy, ông Vũ cho rằng, cải cách thể chế kinh tế đang là vấn đề đặt ra và cũng là cấp bách để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Dẫn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- Liên minh châu Âu (EVFTA), ông Vũ cho rằng, đây được xem là “đường cao tốc” kết nối thị trường Việt Nam với Liên minh châu Âu (EU).

Tuy nhiên, theo ông, để tham gia được vào "đường cao tốc" này, thì doanh nghiệp với vai trò là “cỗ xe” phải được nâng cấp. “Vì vậy, đòi hỏi người cầm lái phương tiện phải chuẩn, đặc biệt là phải nắm vững luật pháp để tham gia vào đường cao tốc này”, ông nhấn mạnh.

Ông Vũ cho rằng, vấn đề đặt ra ở trên đòi hỏi cần phải có sự cải cách về thể chế. “Doanh nghiệp không  thể nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia vào thị trường, tham gia vào cao tốc này để bứt phá vượt qua đại dịch, nếu vẫn còn tình trạng điều kiện gây khó trong kinh doanh”, ông cho biết và dẫn chứng có trường hợp một doanh nghiệp thương mại ở TP Hà Nội trong một quí bị thanh tra đến 18 lần, trong khi nghị quyết của Chính phủ nêu rõ thanh tra không quá một lần trong năm.

Tuy nhiên, điều đáng nói, kết quả thanh tra xác định doanh nghiệp này chỉ có 4kg hoa quả không có xuất xứ nguồn gốc và bị phạt 18 triệu đồng. “Với số lần thanh tra như thế, trong khi kết quả thu được từ các lần thanh tra chỉ vậy, thì có đáng không?”, ông Vũ nêu câu hỏi và nói rằng đây là câu chuyện cần xem xét liên quan đến vấn đề thể chế.

Ông Vũ đặt câu hỏi, khi chưa khắc phục được những hạn chế như câu chuyện nêu trên, thì liệu rằng doanh nghiệp có tham gia được vào "đường cao tốc" để bứt phá hay không?

Để “tháo gỡ” nút thắt về thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, theo ông Vũ, vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp là rất quan trọng.

Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Long An, cho biết cuối năm 2019, tỉnh Long An có quyết định tăng giá đất và quyết định này có thể giúp địa phương tăng thu cho ngân sách được nhiều ngàn tỉ đồng. Thế nhưng, việc tăng này liệu doanh nghiệp, nhà đầu tư có đầu tư vào Long An nữa hay không?

Theo ông Thắng, khi Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Long An “đấu tranh”, phân tích làm sao để lợi ích của người dân, doanh nghiệp và cả nhà nước được hài hòa, thì Hội đồng nhân dân tỉnh Long An cũng đã hủy quyết định tăng giá đất. “Nếu không có hiệp hội làm cái này, thì đã không được", ông nói và cho rằng đơn vị này đã mời Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An cùng các Sở, ngành liên quan họp để phân tích và báo cáo Hội đồng nhân dân mới được thông qua. “Đây là một trong nhiều vấn đề mà hiệp hội đóng vai trò thúc đẩy”, ông nhấn mạnh.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.