Thứ Hai, 06/07/2020, 10:14 (GMT+7)
.

Nghĩ về bài toán của 10 năm trước

Chuyện trái cây nói riêng hay nông sản Việt nói chung cứ đến hẹn lại lên “được mùa rớt giá” là một điệp khúc quen của bài hát cũ; một thực trạng không mới và lý giải nó cũng không khó. Nhiều chuyên gia đã phân tích, chỉ rõ giải pháp cần phải làm gì; vấn đề đặt ra thời gian qua là ai sẽ là người cầm trịch cho cuộc cách mạng trong ngành Nông nghiệp nói chung và cây ăn trái nói riêng. Tái cấu trúc ngành, chủ trương đã được Chính phủ thông qua, nhưng để triển khai hiệu quả cần nhiều nỗ lực, phối hợp đồng bộ từ các ngành, địa phương và cả lộ trình, thời gian thực hiện.

Nhớ lại cách đây 10 năm, tại Festival Trái cây Việt Nam lần I tổ chức ở Tiền Giang, nhiều chuyên gia đánh giá tiềm năng trái cây Việt Nam rất lớn, nhưng lại lép vế trên sân chơi thế giới. Lúc đó, ông Huỳnh Văn Đấu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng rào cản cho trái cây Việt vươn xa là nguồn cung ứng manh mún, hệ thống kho lạnh, quản lý chất lượng bị giới hạn, an toàn vệ sinh thực phẩm chưa đảm bảo; vấn đề truy nguyên nguồn gốc cũng như quản lý tình trạng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật chưa rõ ràng; tổn thất sau thu hoạch còn cao… Điều đó lý giải tại sao, Việt Nam là nước sản xuất rau quả đạt sản lượng đứng hàng tốp ở châu Á, nhưng chủ yếu tiêu thụ nội địa, xuất khẩu chưa nhiều, nhất là vào các thị trường tiềm năng.

Hạn chế 10 năm trước đã được chỉ ra, nhưng đến nay, nhìn ở góc rộng vẫn chưa có chuyển biến rõ nét; đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay khi Quốc hội vừa thông qua Hiệp định EVFTA sẽ có hiệu lực vào ngày 1-8-2020. Một sân chơi lớn đã mở, trong đó có cả nông sản, nhưng liệu chúng ta đã đủ thể lực để đáp ứng cuộc chơi. Bởi theo các chuyên gia, nông sản sẽ là mặt hàng chịu tác động nhiều nhất với dự báo “5 ăn, 5 thua” khi Việt Nam thực hiện các cam kết hội nhập; phải chấp nhận đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức mới, nhất là trong cạnh tranh với các nước lớn. Những rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa nông sản nhập khẩu từ phía EU rất chặt chẽ.

Pháp luật Việt Nam đã có những điều chỉnh cụ thể, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, nhất là các lĩnh vực lao động, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Song vấn đề đáng lo ngại là trên thực tế có một số người sản xuất, doanh nghiệp (DN) vẫn chưa tuân thủ nghiêm. Bên cạnh đó, để các DN có thể bon bon trên “đường cao tốc” EVFTA, các cơ quan quản lý cần sớm dọn dẹp những rào cản trong cơ chế chính sách.

Về vấn đề này, Chính phủ đang xây dựng Kế hoạch thực hiện hiệp định nhằm phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cho các cơ quan, tổ chức liên quan quyết định biện pháp chỉ đạo điều hành và các biện pháp khác để thực thi đầy đủ và có hiệu quả.

Tương tự như các hiệp định FTA mà Việt Nam đã ký kết và thực hiện trước đây, Bộ Tài chính cũng đang xây dựng và triển khai các kế hoạch bảo đảm tính thống nhất với Kế hoạch thực hiện của Chính phủ về mục tiêu và xác định các nhiệm vụ chủ yếu: Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin, công tác xây dựng pháp luật, thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực.

Như thế, các điều kiện để giải bài toán “được mùa rớt giá” của nông sản xem như đã có, trong đó điều kiện đầu tiên là xây dựng, phát triển chuỗi giá trị nông sản. Trong vài năm trở lại đây, ở nước ta đã và đang hình thành các chuỗi phát triển theo 3 cấp độ: Sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm cấp tỉnh và sản phẩm địa phương.

Tuy nhiên, mối liên kết này giữa nông dân, hợp tác xã, DN vẫn còn hạn chế. Với tác động từ Hiệp định EVFTA, vấn đề hội nhập cấp bách hơn bao giờ hết, cần phải thay đổi để tồn tại, nên nông dân cũng như DN phải tính toán để có thể khắc phục những hạn chế trong liên kết, góp phần đưa nông sản Việt đi xa.                                 

        DS

.
.
.