Gạo Việt Nam vững giá từ 480 USD một tấn trong tuần thứ hai liên tiếp
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam không đổi trong tuần thứ hai liên tiếp, ở mức 480 - 490 USD/tấn, khi các nhà giao dịch dự kiến mức giá gạo sẽ vẫn cao trong vài tuần tới giữa bối cảnh nhu cầu từ Trung Quốc tăng lên do nước này đang chịu ảnh hưởng của lũ lụt.
Đóng gói sản phẩm gạo xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Lộc Trời (tỉnh An Giang). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN |
Một nhà giao dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho hay các nhà xuất khẩu không thể ký bất kỳ hợp đồng xuất khẩu mới nào do nguồn cung trong nước khan hiếm và thay vào đó họ đang tập trung hoàn thành các hợp đồng đã ký với Malaysia, Philippines và Cuba.
Giá gạo Ấn Độ đã tăng trong tuần thứ ba liên tiếp khi các khách hàng chuyển sang loại ngũ cốc rẻ hơn trong bối cảnh nước này đang phải đối phó với lũ lụt và tình hình dịch COVID-19 ngày càng tồi tệ hơn.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ đã tăng lên 384 - 390 USD/tấn so với mức 383 - 389 USD/tấn trong tuần trước đó giữa bối cảnh lũ lụt làm cản trở hoạt động xay xát, cùng với những trận gió mùa có khả năng sẽ vẫn diễn ra dữ dội trong những ngày còn lại của tháng.
Tính đến tuần trước, diện tích trồng lúa vụ Hè của Ấn Độ đã đạt gần 38 triệu ha, so với mức gần 34 triệu ha cùng thời điểm năm ngoái. Tuy nhiên, một nhà xuất khẩu tại Kakinada, cảng bốc dỡ gạo lớn nhất Ấn Độ ở bang Andhra Pradesh, cho biết nhiều người mua từ châu Phi đang hỏi thông tin khi giá gạo tăng cao ở Thái Lan và Việt Nam.
Thực tế là một số tỉnh trồng lúa ở Thái Lan cũng đang trải qua tình trạng mưa gió thất thường, làm dấy lên những lo ngại về năng suất sẽ thấp hơn trong giai đoạn 2020 - 2021, và các thương nhân cũng lên tiếng cảnh báo về một vụ mùa thất bát. Giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng lên 500 - 520 USD/tấn so với mức 480 - 500 USD/tấn tuần trước.
Lũ lụt cũng đã làm thiệt hại mùa màng ở Bangladesh, khiến diện tích 100.000 ha cây trồng trị giá 4,29 tỷ USD của nước này “chìm” trong biển nước, qua đó đẩy giá lương thực thiết yếu trong nước tăng cao.
Bangladesh, nước sản xuất gạo lớn thứ ba thế giới, thường phụ thuộc vào nhập khẩu để đối phó với sự thiếu hụt lương thực do lũ lụt và hạn hán gây ra.
(Theo https://www.vietnamplus.vn/gao-viet-nam-vung-gia-tu-480-usd-mot-tan-trong-tuan-thu-hai-lien-tiep/660200.vnp)