Huyện Gò Công Đông: Tập trung thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp
(ABO) Thời gian qua, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang đã tập trung thực hiện “Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” (gọi tắt là Đề án). Với cách làm bài bản, nông nghiệp đã có bước chuyển biến rõ nét, góp phần vào phát triển kinh tế của huyện.
Thực hiện Đề án gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã phối hợp các ngành liên quan, các địa phương tham mưu Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, với nhiệm vụ trọng tâm là tổ chức lại hình thức sản xuất, xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp; đầu tư phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực và có lợi thế của huyện theo các nhóm ngành hàng và sản xuất theo chuỗi giá trị qua ký kết hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp.
TRIỂN KHAI NHIỀU GIẢI PHÁP
Đối với lĩnh vực trồng trọt, ngành hàng lúa - gạo, huyện tiếp tục tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, Cánh đồng lớn với những dòng gạo đặc sản, tăng cường liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp để tạo vùng nguyên liệu, đáp ứng yêu cầu thị trường. Hiện nay, tỷ lệ nông dân sử dụng giống xác nhận đạt khoảng 85% trên tổng diện tích sản xuất lúa, tăng 10% so với năm 2016.
Toàn huyện đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa từ năm 2016 đến nay được 1.142 ha. Về sản suất rau màu thực phẩm cũng được huyện tiếp tục phát triển theo hướng chuyên canh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Nông dân trao đổi về cách chăm sóc thanh long. |
Về việc thực hiện Đề án “Phát triển cây thanh long tỉnh Tiền Giang đến năm 2025”, đến nay diện tích thanh long của huyện là 201 ha, tập trung nhiều ở các xã: Kiểng Phước, Tân Điền, Tân Tây...; trong đó, diện tích cho thu hoạch khoảng 120 ha.
Bên cạnh đó, huyện đã thành lập Hợp tác xã Thanh long Kiểng Phước, hiện hợp tác xã đang áp dụng quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP 10,25 ha. Ngoài ra, Sở Khoa học và Công nghệ còn hỗ trợ thực hiện 1 mô hình trình diễn sản xuất vườn thanh long kiểu mẫu, diện tích 3.000 m2.
Anh Trần Văn Toàn (ấp Xóm Rẫy, xã Kiểng Phước) cho biết, gia đình có 2 ha đất nông nghiệp, hằng năm sản xuất 3 vụ lúa/năm, sau khi trừ chi phí thu nhập không còn nhiều. Những năm gần đây, do tình hình hạn, mặn xâm nhập, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, có nhiều diện tích lúa trên địa bàn bị thiệt hại, nên Nhà nước đã tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện Đề án Cắt vụ và chuyển đổi mùa vụ, chuyển đổi cây trồng phù hợp với thực tế, điều kiện ở địa phương.
Sau nhiều lần tìm hiểu, tham khảo vài hộ trồng thanh long trên địa bàn, gia đình anh chuyển 0,5 ha đất trồng lúa sang trồng thanh long ruột đỏ. Sau khi thu hoạch đợt trái đầu tiên, anh nhận thấy cây thanh long phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, mang lại lợi nhuận kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Vì vậy, anh chuyển đổi dần diện tích lúa còn lại sang trồng thanh long, trong đó có 0,5 ha anh áp dụng cách trồng theo kỹ thuật mới, đó là trồng thanh long leo giàn. Thu nhập từ thanh long mang về cho gia đình trên 500 triệu đồng/năm.
Nông dân huyện Gò Công Đông đang thu hoạch rau màu |
Còn đối với lĩnh vực chăn nuôi, bước đầu huyện chuyển đổi từ phương thức chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi gia trại, công nghiệp và bán công nghiệp. Thủy sản dần đã phát huy lợi thế vùng huyện biển, đẩy mạnh đầu tư nuôi thâm canh, tăng năng suất nuôi trồng và nâng cao công suất các tàu khai thác thủy sản xa bờ....
KHÓ KHĂN VÀ GIẢI PHÁP
Theo đồng chí Nguyễn Văn Quí, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn huyện trong thời gian qua cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Đó là sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa có sản lượng hàng hóa lớn, thương hiệu nông sản còn hạn chế; khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm thấp, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn là nỗi lo của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, người dân tâm lý còn lo ngại, chưa mạnh dạn thay đổi tập quán sản xuất; cơ cấu nội bộ ngành Nông nghiệp chưa cân đối; các hình thức sản xuất phát triển chưa tương xứng với năng lực sản xuất; công tác xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu tại các thị trường chưa nhiều; vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của nông dân trong tiến trình thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp hay thay đổi tư duy của nông dân trong hoạt động sản xuất vẫn chưa có nhiều chuyển biến...
Nhiều nông dân chuyển từ trồng lúa sang trồng rau màu cho năng suất cao, thu nhập khá. |
Để tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung trọng tâm của Đề án, đồng chí Nguyễn Văn Quí đề xuất: Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức về sự cần thiết, tất yếu và tầm quan trọng của việc thực hiện Đề án, xây dựng nông thôn mới đến các cấp, các ngành, địa phương và người dân. Đồng thời, ngành Nông nghiệp phối hợp các ngành chuyên môn, các địa phương tham mưu Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện rà soát lại các vùng chuyên canh, đối tượng cây trồng, vật nuôi hàng hóa, trên cơ sở lợi thế so sánh của vùng như lợi thế về điều kiện tự nhiên, tập quán canh tác…
Nông dân huyện Gò Công Đông đang thu hoạch rau màu. |
Tập trung phát triển và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất trên cơ sở triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch liên kết (4 nhà) với mục tiêu gắn kết chặt chẽ sản xuất với thị trường. Tăng cường công tác tổ chức, tranh thủ sự hỗ trợ của các sở, ngành tỉnh để đẩy nhanh áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là công nghệ cao. Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, giải quyết nhanh các yêu cầu và đáp ứng hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
LÝ OANH