Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân lần thứ 3
Chiều 28-9, tại TP Buôn Ma Thuột, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân lần thứ 3 năm 2020 với chủ đề “Cùng nỗ lực vượt thách thức, giữ vững tăng trưởng giá trị nông sản Việt, giúp nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại”. Tham dự hội nghị có khoảng 600 đại biểu do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương lắng nghe và trả lời, giải đáp những câu hỏi của nông dân tại hội nghị. |
Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bùi Văn Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk; Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Trung ương Hội nông dân Việt Nam; cùng đại diện các Ban Đảng Trung ương, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Trưởng ban, ngành, đoàn thể Trung ương; Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; lãnh đạo các tỉnh miền trung - Tây Nguyên và hơn 300 nông dân xuất sắc, tiêu biểu đại diện cho hơn 14 triệu hộ nông dân của cả nước cùng các chuyên gia, nhà khoa học, các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước.
Đây là Hội nghị đối thoại lần thứ 3 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với nông dân kể từ lần đầu tiên vào tháng 4-2018 tại tỉnh Hải Dương, lần thứ hai vào tháng 12-2019 ở TP Cần Thơ.
Hội nghị chia làm hai phiên đối thoại, phiên thứ nhất với vấn đề: Nông nghiệp miền trung - Tây Nguyên, các đại biểu nêu nhiều ý kiến thẳng thắn, những vấn đề “nóng”, phản ánh trực tiếp với Chính phủ, Thủ tướng về những vấn đề lớn, mang tầm chiến lược, dài hạn của ngành nông nghiệp, nông thôn hiện nay, tập trung vào những vấn đề như: Công tác quy hoạch phát triển nông nghiệp bền vững; giá cả các loại nông sản chủ lực ở Tây Nguyên; những khó khăn, vướng mắc của nông dân trước tình hình giá cả các loại nông sản, thủy hải sản giảm giá mạnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; công tác phát triển công nghiệp chế biến nông sản, lâm nghiệp ở miền trung - Tây Nguyên; việc xây dựng và quảng bá thương hiệu nông sản Việt Nam gắn với thị trường tiêu thụ; chính sách tín dụng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn…
Phiên đối thoại thứ hai với vấn đề văn hóa - xã hội ở nông thôn, các đại biểu nêu nhiều ý kiến xoay quanh các nội dung lớn như: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm nông nghiệp; xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nông thôn, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn; chương trình xây dựng nông thôn mới; giữ gìn, bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ở Tây Nguyên; chính sách đặc thù chống biến đổi khí hậu, phát triển du lịch, y tế và giáo dục - đào tạo ở nông thôn khu vực miền trung - Tây Nguyên; công tác bảo đảm an ninh xã hội; tình hình an ninh trật tự ở nông thôn…
Một nông dân đặt câu hỏi với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. |
Trên cơ sở lắng nghe ý kiến nông dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành đã trao đổi, giải đáp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giúp nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, nâng cao đời sống, tham gia xây dựng nông thôn mới, phát huy tốt hơn nữa vai trò của người nông dân trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Khu vực miền trung - Tây Nguyên có vị trí, vai trò hết sức quan trọng đối với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của đất nước. Vì vậy, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm sâu sắc tới phát triển khu vực này, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Thủ tướng vui mừng cho biết: Vừa qua thực sự là giai đoạn rất thành công trong việc kiến tạo chuỗi giá trị nông sản của đất nước ta khi Việt Nam tham gia ký kết hơn 15 Hiệp định thương mại tự do cả song phương và đa phương với các đối tác trên thế giới, đặc biệt là hai hiệp định lớn là: Hiệp định CPTPP với 11 nước châu Á - Thái Bình Dương và Hiệp định EVFTA với liên minh châu Âu mở ra cơ hội lớn cho nông sản Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bằng chứng là ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, chúng ta đã xuất khẩu được những lô hàng gạo, tôm, cà-phê, chanh leo, dừa… đầu tiên vào châu Âu với thuế suất 0% theo Hiệp định thương mại tự do EVFTA. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi, chúng ta cũng chịu rất nhiều tác động, nhất là những ảnh hưởng, tác động do đại dịch Covid-19 gây ra.
Trên cơ sở các ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm của các nông dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, tại hội nghị lần này nhiều vấn đề lớn đang đặt ra trong phát triển nông nghiệp và nông thôn đã được đề cập, trao đổi để Chính phủ, các bộ, ngành có chính sách phù hợp, thỏa đáng.
Thủ tướng khẳng định: Đảng, Nhà nước luôn quan tâm phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân, nhất là chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, chính sách tài chính, đất đai, hỗ trợ khắc phục thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, tạo sinh kế.
Thủ tướng lưu ý, hiện nước ta còn 65% dân số sống ở vùng nông thôn, vì vậy chăm lo cho nông dân, nông thôn là vấn đề lớn đã và đang đặt ra. Để khát vọng Việt Nam hùng cường vào năm 2045 thành hiện thực, trước hết phải chăm lo phát triển nông nghiệp, nông thôn và quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân.
Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn phải theo hướng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, sản phẩm có chứng chỉ, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản phẩm nông nghiệp, gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, bảo đảm an ninh nông thôn; phát huy hơn nữa tinh thần tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo vốn là truyền thống quý báu của nông dân Việt Nam.
Quan tâm tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp một cách toàn diện, hiệu quả; phát huy thế mạnh của từng vùng miền, các địa phương; giao nhiệm vụ một số bộ, ngành Trung ương nghiên cứu tìm cơ chế thuận lợi và hỗ trợ vốn, các tỉnh tạo điều kiện về đất cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; các địa phương cần phát triển mô hình các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới; tạo môi trường tốt gắn kết giữa nông dân với doanh nghiệp cùng phát triển.
Tiếp cận và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hạn chế và khắc phục tối đa tình trạng “được mùa mất giá - mất giá được mùa”, “trồng - chặt, chặt - trồng”. Muốn vậy phải phát triển mạnh công nghiệp chế biến sâu, làm tốt công tác thông tin thị trường giúp nông dân để giảm lãng phí, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Tăng cường dân chủ, phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị xã hội ở địa phương, nhất là vai trò của Hội nông dân để động viên, hỗ trợ nông dân tích cực tham gia các phong trào thi đua lao động sản xuất.
Thủ tướng khẳng định: Chính phủ, Thủ tướng và các bộ, ngành Trung ương sẽ tiếp tục quan tâm hơn nữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn; quan tâm xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đồng thời nhận thức rõ những vấn đề còn bất cập để tìm các giải pháp giải quyết, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để nông nghiệp, nông thôn phát triển nhanh, góp phần nâng cao đời sống vật chất và văn hóa, tinh thần cho nhân dân.
Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành Trung ương trong tiếp thu, giải quyết những vấn đề mà đại diện nông dân đặt ra trong hội nghị đối thoại lần này. Thủ tướng cam kết, hội nghị diễn ra đúng dịp toàn Đảng, toàn quân và toàn dân nô nức thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, vì vậy nhiều vấn đề được đặt ra sẽ được cụ thể hóa trong nghị quyết của Đại hội và trong chương trình hành động của Chính phủ trong thời gian tới. Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho 29 nông dân tiêu biểu dự hội nghị.
* Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk. Tại buổi làm việc, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk báo cáo với Thủ tướng Chính phủ kết quả nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ chín tháng đầu năm 2020; kết quả công tác phòng, chống dịch Covid-19; kết quả thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” trên địa bàn tỉnh, đồng thời kiến nghị với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang; xem xét đầu tư hệ thống giao thông kết nối nội vùng Tây Nguyên; có cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên theo Kết luận 67-KL/TW của Bộ Chính trị...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng 100 căn nhà, tổng trị giá bảy tỷ đồng cho hộ nghèo người dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk. |
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả tỉnh Đắk Lắk đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tăng trưởng GRDP và thu hút đầu tư, thu ngân sách và bảo đảm quốc phòng - an ninh. Về công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Thủ tướng biểu dương Đắk Lắk đã làm tốt công tác chuẩn bị, nhất là về nội dung văn kiện và về công tác nhân sự làm kỹ, đúng quy trình, có cơ cấu phù hợp, thể hiện sự khát vọng vươn lên của Đảng bộ tỉnh.
Thủ tướng yêu cầu tỉnh Đắk Lắk quan tâm đến chăm lo đời sống nhân dân; nỗ lực, quyết tâm hơn nữa nhằm hoàn thành chỉ tiêu kinh tế - xã hội những tháng còn lại cuối năm 2020; rà soát kỹ phương án, làm tốt công tác chuẩn bị về nhân sự để Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 thành công tốt đẹp. Đồng thời, tỉnh cần quan tâm giữ vững tuyệt đối an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trước, trong và sau Đại hội.
Nhân dịp chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng 100 căn nhà, tổng trị giá bảy tỷ đồng cho hộ nghèo người dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk.
(Theo nhandan.com.vn)