Thứ Ba, 13/10/2020, 09:42 (GMT+7)
.

Bước tiến mới của ngành Du lịch

Một trong những mục tiêu quan trọng được đặt ra trong Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy ban hành ngày 5-4-2017 (gọi tắt là Nghị quyết 11) là tạo bước đột phá phát triển toàn diện du lịch của tỉnh cả về phạm vi, quy mô và chất lượng dịch vụ, đảm bảo tính bền vững... Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 11, ngành Du lịch Tiền Giang đã đạt được nhiều kết quả quan trọng thông qua việc đầu tư hạ tầng, thu hút đầu tư, xây dựng sản phẩm du lịch…

QUYẾT TÂM THAY ĐỔI

Tiền Giang nằm ở cửa ngõ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), là nơi hội tụ của 3 vùng sinh thái (vùng sinh thái nước ngọt phù sa, sinh thái rừng ngập mặn và vùng sinh thái ngập phèn Đồng Tháp Mười); cùng với nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh. Đây được xem là các yếu tố thuận lợi cơ bản để khai thác và phát triển du lịch của Tiền Giang. Với lợi thế hiện hữu, du lịch của Tiền Giang tất nhiên vẫn còn tiềm năng để khai thác và phát triển.

Khu du lịch Làng Yến đầu tư giai đoạn 1 khoảng 75 tỷ đồng.
Khu du lịch Làng Yến đầu tư giai đoạn 1 khoảng 75 tỷ đồng.

Chưa kể, xét trong bức tranh chung của khu vực, theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch ĐBSCL đã được Chính phủ phê duyệt, Khu du lịch Thới Sơn được quy hoạch thành 1 trong 5 khu du lịch quốc gia và TP. Mỹ Tho là Trung tâm du lịch phía Đông của vùng ĐBSCL. Đó chính là những ưu thế và thuận lợi cho hoạt động du lịch theo hướng du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Tiền Giang. Đó cũng chính là những yếu tố mang tính nền tảng để Nghị quyết 11 ra đời.

Nhìn nhận trên nhiều phương diện, muốn du lịch tỉnh nhà trở thành ngành kinh tế mũi nhọn chắc chắn còn nhiều việc phải làm liên quan đến việc xác định lại chính sách đầu tư và thu hút đầu tư cho ngành Du lịch; các cụm, tuyến du lịch trên cơ sở 3 vùng kinh tế - đô thị đã được tỉnh xác định; xây dựng và khai thác các chuỗi hoạt động, sự kiện nhằm thu hút khách du lịch và đặc biệt là chú trọng vào khâu liên kết trong phát triển du lịch.

Quan điểm chính về phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh cũng được đề cập trong Nghị quyết 11 là phát triển du lịch phải gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các di tích lịch sử của tỉnh; bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển du lịch bền vững; phát triển du lịch chất lượng cao, theo hướng chuyên nghiệp; lấy chất lượng sản phẩm, dịch vụ làm động lực thu hút khách du lịch; đặc biệt coi trọng phát triển du lịch văn hóa, lấy du lịch văn hóa làm cơ sở, nền tảng phát triển các loại hình du lịch khác, như: Du lịch hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, làng nghề, sinh thái, nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch thể thao... Nghị quyết 11 cũng đưa ra một số chỉ tiêu cụ thể là đến năm 2020 Tiền Giang đón khoảng 2,2 triệu lượt khách, tăng bình quân 8% - 10%; trong đó có trên 900 ngàn lượt khách quốc tế; tổng thu từ du lịch đạt 7.300 tỷ đồng, tăng bình quân khoảng 10%; có ít nhất 290 cơ sở lưu trú; có ít nhất 34.800 lao động trong lĩnh vực du lịch, trong đó có khoảng 7.000 lao động trực tiếp...

NHIỀU ĐIỂM NHẤN

Theo đánh giá chung, qua 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 11, đã tác động tích cực đến việc đầu tư, phát triển du lịch của toàn tỉnh nói chung và của từng địa phương nói riêng. Đây là cơ sở, nền tảng và điều kiện để giúp địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về kinh phí đầu tư cho du lịch, về nguồn nhân lực du lịch... và kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển các dịch vụ du lịch, tạo động lực thúc đẩy ngành Du lịch tỉnh Tiền Giang phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong cải tạo, nâng cấp và đầu tư xây dựng thêm các khu, điểm du lịch; đầu tư, tôn tạo các khu di tích lịch sử - văn hóa gắn với phát triển du lịch; tập trung khai thác thế mạnh về du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn, du lịch văn hóa - di tích lịch sử, góp phần gia tăng khách du lịch đến Tiền Giang. Chưa kể, hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch bước đầu đã được một số địa phương chú trọng; các đơn vị kinh doanh du lịch thuộc các thành phần kinh tế phát triển nhanh về số lượng và chất lượng, cơ bản đáp ứng nhu cầu của du khách.

Ngành Du lịch Tiền Giang không ngừng khởi sắc.
Ngành Du lịch Tiền Giang không ngừng khởi sắc.

Kết quả rõ nét nhất là một số dự án trọng điểm về du lịch đã được các nhà đầu tư triển khai, nhất là các dự án đầu tư có quy mô lớn. Ông Trương Kim Thành, Giám đốc Công ty cổ phần Khu du lịch Làng Yến (huyện Tân Phú Đông) cho biết, dự án đầu tư được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 đã cơ bản hoàn thành với gần 90 phòng lưu trú, bao gồm các dịch vụ: Chơi đua thuyền, đạp vịt và các trò chơi dưới nước; dịch vụ đua xe địa hình…

Ngoài ra, khu du lịch còn tổ chức các điểm cắm trại, vui chơi và công viên nước cho thiếu nhi; đồng thời, còn có các điểm để tổ chức sự kiện. “Quy mô khu du lịch khoảng 10 ha, với tổng mức đầu tư khoảng 75 tỷ đồng cho giai đoạn 1. Theo dự kiến, giai đoạn 2 của dự án sẽ xây dựng một số hạng mục, đặc biệt là xây dựng các khu biệt thự riêng lẻ phục vụ cho các nhóm gia đình lưu trú. Điểm khác biệt của khu du lịch, bên cạnh các dịch vụ vui chơi giải trí, còn chú trọng hơn về khâu lưu trú của khách du lịch” - ông Trương Kim Thành cho biết.

Điểm đáng chú ý nữa là nhiều dự án đã và đang được triển khai sau Hội nghị Xúc tiến Đầu tư được UBND tỉnh tổ chức vào năm 2018, chẳng hạn như: Dự án Khách sạn Mekong theo chuẩn 3 sao (đường 30-4, phường 1,TP. Mỹ Tho), với vốn đầu tư 78 tỷ đồng, do Công ty cổ phần Thương mại Mỹ Tho làm chủ đầu tư, đang thi công xây dựng; Dự án Khách sạn Central Plaza Mỹ Tho (đường 30-4, phường 1, TP. Mỹ Tho), đạt tiêu chuẩn 4 sao, diện tích 1.747 m2, với vốn đầu tư 450 tỷ đồng, do Công ty TNHH Central Plaza Mỹ Tho Thiên Hộ làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành và hoạt động vào quý II-2021; Dự án Cảng du thuyền (tại bờ kè sông Tiền), do Liên danh Công ty cổ phần Cảng Mỹ Tho và Công ty TNHH Ngọc An Nguyên đầu tư xây dựng, với diện tích 10.483 m2, vốn đầu tư 665 tỷ đồng, đã đạt hơn 80% tiến độ, dự kiến đưa vào hoạt động cuối năm 2020…

Ngoài ra, các sở, ngành, địa phương còn triển khai thực hiện Đề án Bảo tồn và phát huy chợ nổi Cái Bè giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025, hiện đang kết nối với chợ lúa gạo Bà Đắc để khai thác và làm phong phú tour du lịch chợ nổi Cái Bè; mở rộng Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười gắn với phát triển du lịch, kết nối các điểm du lịch nội vùng...

Bên cạnh đó, còn có một số dự án đã và đang chuẩn bị đầu tư như: Dự án Đầu tư Khu du lịch sinh thái Gò Công (xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông) với tổng diện tích gần 3 ha, tổng vốn đầu tư 80 tỷ đồng, do Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng G.C Phi Long làm chủ đầu tư; Dự án Đầu tư Khu du lịch Sinh thái - Nghỉ dưỡng Ốc Đảo (xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông), với diện tích 157 ngàn m2, tổng vốn đầu tư 150 tỷ đồng, do Công ty TNHH Thanh Nhàn Tourist làm chủ đầu tư; Dự án Xây dựng kè chống sạt lở Khu du lịch biển Tân Thành...

Nhìn chung, Nghị quyết 11 đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và của người dân về vị trí, vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội; tạo việc làm cho người lao động, nâng tầm nhận thức về giá trị kinh tế du lịch của mọi tầng lớp nhân dân ở các địa phương.

A.P

.
.
.