Giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực lao động, việc làm
Thời gian qua, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang đã có những chính sách, nghị quyết về tạo việc làm, nâng cao trình độ học vấn, tay nghề cho lao động nữ làm việc tại các doanh nghiệp thuộc khu, cụm công nghiệp, góp phần giảm khoảng cách về giới, thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động, việc làm.
Hiện toàn tỉnh có 76.517 nữ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ). Riêng ở khu vực ngoài nhà nước có 105.868 công nhân, lao động (CNLĐ), chiếm tỷ lệ 72,32% so với tổng số CNVCLĐ; trong đó nữ CNLĐ chiếm khoảng 72,5% làm việc chủ yếu ở các ngành nghề như may mặc, chế biến thủy sản, rau quả.
Tay nghề của lao động nữ trong doanh nghiệp ngày càng được nâng cao, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động, việc làm. Ảnh: HỮU NGHỊ |
ĐẢM BẢO BÌNH ĐẲNG GIỮA NAM VÀ NỮ
Với tỷ lệ CNLĐ nữ ở khu vực ngoài nhà nước tương đối đông nên để góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động, việc làm, thời gian qua, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã chú trọng triển khai chương trình hành động của Tổng LĐLĐ Việt Nam, Tỉnh ủy về bình đẳng giới, lồng ghép giới trong các hoạt động Công đoàn tại các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước. Phấn đấu đảm bảo bình đẳng thực chất giữa nam và nữ CNLĐ về cơ hội, nghĩa vụ và quyền lợi khi tham gia vào lĩnh vực lao động, việc làm. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nữ CNLĐ, đáp ứng yêu cầu theo Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đã đạt được những kết quả nhất định.
Nổi bật như công tác tuyên truyền, quán triệt, vận động nữ CNLĐ thực hiện tốt pháp luật có liên quan đến lao động nữ và trẻ em, kiến thức về giới, bình đẳng giới, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, phụ nữ Việt Nam. Vận động nữ CNLĐ tích cực thực hiện nội dung Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… bằng các phong trào, phần việc cụ thể như học tập nâng cao trình độ, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” gắn với phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, rèn luyện phẩm chất đạo đức người phụ nữ Việt Nam “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”…
QUAN TÂM NỮ CNLĐ
Nhằm nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề cho nữ CNLĐ, Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty TNHH Royal Foods Việt Nam (Khu công nghiệp Mỹ Tho) Võ Thị Mai Khanh cho biết, hằng năm CĐCS đều tổ chức phát động phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” và có 100% nữ đoàn viên, CNLĐ tham gia đăng ký. Ban Chấp hành CĐCS và Ban Giám đốc công ty quan tâm tạo điều kiện cho nữ đoàn viên, CNLĐ học tập, nâng cao tay nghề thông qua các lớp tập huấn, huấn luyện chuyên môn. CĐCS phối hợp đề xuất chuyên môn, sắp xếp lựa chọn nữ CNLĐ phù hợp từng vị trí để đảm bảo phát huy năng lực của nữ CNLĐ; tổ chức các hoạt động về giới để duy trì phong trào nữ trong công ty; tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho tất cả nữ CNLĐ…
Còn tại Công ty TNHH MTV Choi&Shin’s Vina (TP. Mỹ Tho), việc đề bạt lao động nữ vào các vị trí quản lý tại công ty được Ban Giám đốc đặc biệt quan tâm. Hiện tại, ngoài các vị trí trưởng bộ phận là chuyên gia người nước ngoài, đa số lao động nữ đang giữ các chức vụ trưởng phòng, trưởng chuyền may sản xuất, trưởng bộ phận kiểm tra chất lượng… chiếm tỷ lệ trên 85%.
Trong thời gian tới, để thực hiện thắng lợi mục tiêu bình đẳng giới, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà, các CĐCS, doanh nghiệp cần tập trung tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho nữ đoàn viên, CNLĐ về quyền và nghĩa vụ của mình trong quan hệ lao động. tăng cường giám sát hoạt động huấn luyện, đào tạo tay nghề cho lao động nữ tại doanh nghiệp; thực hiện tốt phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNLĐ... Đồng thời, bản thân lao động nữ phải nỗ lực vươn lên, tự học tập, trang bị kiến thức, kỹ năng để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
LÝ OANH