.

Tận dụng lợi thế gạo Việt

Cập nhật: 13:55, 30/10/2020 (GMT+7)

Hạt gạo Việt có cơ hội lớn khi các thị trường tiêu thụ đang rộng mở, nhất là sau khi Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) chính thức có hiệu lực. Bên cạnh khai thác thị trường xuất khẩu truyền thống, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước, các doanh nghiệp cũng đã và đang chuẩn bị nguồn hàng gạo phục vụ cho các thị trường mới, khó tính hơn.

TẠO LẬP VÙNG NGUYÊN LIỆU

Để chuẩn bị đón những cơ hội mới trong kinh doanh, xuất khẩu gạo, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này bắt đầu tính đến xây dựng vùng nguyên liệu lớn, hướng vào giống lúa chất lượng cao. Trao đổi về vấn đề này, ông Huỳnh Văn Danh, Giám đốc Công ty TNHH Vinh Hiển (huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) cho biết, doanh nghiệp đang chuẩn bị nguồn nguyên liệu, xây dựng Cánh đồng lớn, hướng dẫn nông dân canh tác để tạo ra nguồn gạo có chất lượng để xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Gạo xuất sang thị trường châu Âu có giá tốt nhưng đòi hỏi chất lượng cao buộc lòng doanh nghiệp và nông dân phải đồng lòng để chuẩn bị nguồn gạo có chất lượng tốt hơn. Để cụ thể hóa mục tiêu này, hiện nay công ty đang triển khai cho 3 hợp tác xã trên địa bàn huyện Gò Công Tây và 1 hợp tác xã trên địa bàn huyện Gò Công Đông thực hiện Cánh đồng lớn theo hướng khép kín từ khâu sản xuất đến chế biến nhằm tạo ra sản phẩm gạo không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật cùng với bộ giống lúa có chất lượng tốt nhất.

Hạt gạo Việt có cơ hội lớn khi các thị trường tiêu thụ đang rộng mở.
Hạt gạo Việt có cơ hội lớn khi các thị trường tiêu thụ đang rộng mở.

Vừa qua, công ty cũng đã triển khai xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao, với khoảng 50 ha giống lúa ST24 và 400 ha giống Nàng hoa; cùng một số giống lúa khác để xuất sang thị trường mang tính trung cấp. Trong vụ mùa tới, công ty tính toán xây dựng vùng nguyên liệu có chất lượng cao đạt khoảng 1.000 ha trở lên nhằm đảm bảo số lượng gạo cung cấp nội địa và tham gia xuất khẩu.

Cũng theo đánh giá của ông Huỳnh Văn Danh, sau khi EVFTA có hiệu lực, nhìn chung giá gạo đặc sản xuất khẩu tăng khoảng 10%. “Hiện tại công ty cũng rất cần các đối tác hợp tác để xuất gạo sang thị trường châu Âu. Thời gian vừa qua, công ty cũng đã tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, chú trọng cung ứng hàng hóa cho các siêu thị, trung tâm thương mại như Bách Hóa Xanh, Co.opmart… theo dạng gạo đóng túi. Nếu tính bình quân mỗi năm, công ty cung ứng cho chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh khoảng 15.000 tấn gạo.

Theo định hướng của công ty, trong năm tới gạo đóng túi để cung ứng cho hệ thống cửa hàng, siêu thị của công ty chiếm khoảng 45% trong cơ cấu gạo kinh doanh và hướng đến cung ứng cho thị trường gạo cao cấp” - ông Danh cho biết.

Chuyển hướng kinh doanh sang gạo chất lượng cao cũng đã được Công ty Lương thực Tiền Giang (Tigifood) tính toán cách đây nhiều năm. Từ những đòi hỏi của thực tiễn và tiềm năng tiêu thụ của thị trường, từ cuối năm 2016 Tigifood đã xây dựng và công bố 5 thương hiệu gạo an toàn, bao gồm: Hồng Hạc, Hương Việt, Bông Sen Vàng, Thiên Nga và đặc biệt là dòng gạo sạch Phong Lan Vàng. Đây là những dòng sản phẩm mới của Tigifood nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài nước, phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng.

Điểm nhấn của 5 nhãn hiệu gạo được Tigifood công bố là yếu tố chất lượng, an toàn được đặt lên hàng đầu. Điểm khác biệt của Gạo an toàn Tigifood là tập trung vào các yếu tố: Gạo phải được xay xát từ lúa - trong mô hình Cánh đồng lớn thuộc vùng nguyên liệu an toàn - quá trình canh tác lúa được kiểm soát nghiêm ngặt, nhất là cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật - việc chế biến, đóng gói gạo khép kín trong phòng đóng gói đạt tiêu chuẩn HACCP -  hoàn toàn không sử dụng chất bảo quản, chất tẩy trắng, chất tạo mùi... và bao bì sử dụng cũng phải đạt quy định phù hợp an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu gạo sang các thị trường khó tính thị trường Nhật và EU…

CỬA ĐANG MỞ

Trên bình diện tổng thể, xuất khẩu gạo của Việt Nam có dấu hiệu lạc quan hơn, nhất là sau khi EVFTA chính thức có hiệu lực. Theo số liệu thống kê từ Bộ Công thương cho thấy, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 8-2020 đạt 500 ngàn tấn, trị giá 251 triệu USD, tăng 4,2% về lượng và 8,1% về trị giá so với tháng 7-2020. Tính chung 8 tháng năm 2020, xuất khẩu gạo của nước ta ước đạt 4,5 triệu tấn, trị giá 2,2 tỷ USD, tăng hơn 10% về trị giá. Điểm đáng chú ý là giá xuất khẩu gạo trong 8 tháng năm 2020 tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm 2019, đạt bình quân 489 USD/tấn.

Bộ Công thương cũng đưa ra nhận định và dự báo xuất khẩu gạo trong những tháng cuối năm 2020 sẽ khả quan do nhu cầu từ thị trường tiêu thụ vẫn còn ở mức cao. Ngoài ra, có nhiều yếu tố bất lợi như dịch bệnh, hạn hán xảy ra ở một số nước có nguồn cung gạo lớn như Ấn Độ, Thái Lan sẽ mở ra cơ hội lớn hơn cho gạo Việt Nam.

Bên cạnh đó, EVFTA có hiệu lực từ tháng 8-2020 cũng mở ra cơ hội để Việt Nam mở rộng thị phần tại EU. Theo đó, EU dành cho Việt Nam lượng hạn ngạch thuế quan 80.000 tấn với thuế suất 0%. Thị trường này cũng cho tự do hóa hoàn toàn với mặt hàng gạo tấm, riêng các sản phẩm từ gạo được hưởng thuế suất 0% sau 3 - 5 năm.

Chính những yếu tố thuận lợi cả thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh xuất khẩu gạo của Việt Nam nói chung, trên địa bàn Tiền Giang nói riêng cũng đã và đang tính toán đến chiến lược kinh doanh trong thời gian tới, điểm nhấn là tận dụng ưu thế đang mở ra cho hạt gạo Việt.

A.P

.
.
.