.
HỢP TÁC XÃ DỊCH VỤ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP MỸ QUỚI:

Hoạt động hiệu quả, giúp thành viên nâng cao thu nhập

Cập nhật: 10:14, 28/10/2020 (GMT+7)

Với sự hỗ trợ của các ngành chức năng, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Mỹ Quới (xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) đã từng bước khẳng định thương hiệu, góp phần giúp nông dân nâng cao thu nhập.

HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Mỹ Quới được thành lập năm 1999 với 88 thành viên. Năm 2014, HTX chính thức chuyển đổi hoạt động sang mô hình HTX kiểu mới. Đến nay, HTX đã thu hút được 654 thành viên tham gia, với diện tích sản xuất lúa gần 620 ha.

LIÊN KẾT SẢN XUẤT, TIÊU THỤ LÚA

Trải qua quá trình hoạt động, HTX đã xây dựng được đội ngũ cán bộ kỹ thuật có chuyên môn cao, tích cực hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa cho thành viên. HTX được Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSat) hỗ trợ xây dựng 1 nhà kho 1.000 tấn, 2 cống, 1 trạm bơm để phục vụ cho khoảng 450 ha sản xuất lúa. Dự án VnSat còn hỗ trợ các thành viên HTX sản xuất lúa theo mô hình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” nên giảm được lượng giống gieo sạ, thuốc bảo vệ thực vật. Trên cơ sở đó, hoạt động sản xuất của các thành viên được thuận lợi và hiệu quả hơn.

 Mô hình sản xuất lúa ứng dụng CNC tại HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Mỹ Quới.
Mô hình sản xuất lúa ứng dụng CNC tại HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Mỹ Quới.

Để giúp thành viên giảm chi phí sản xuất, ổn định đầu ra, HTX đã liên kết với các công ty, doanh nghiệp cung cấp vật tư nông nghiệp để cung ứng cho các thành viên với giá gốc. HTX còn liên kết với các doanh nghiệp thu mua lúa - gạo trên địa bàn nhằm tạo đầu ra ổn định cho thành viên. Hiện tại, HTX đang ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ lúa với Công ty TNHH MTV Phước Lộc Thiên Hộ.

Theo đó, vụ hè thu năm nay, HTX liên kết với Công ty TNHH MTV Phước Lộc Thiên Hộ tiêu thụ khoảng 300 ha sản xuất lúa. Đối với những diện tích sản xuất lúa còn lại của thành viên, HTX liên kết với một số công ty khác, thương nhân để thu mua.

Năm 2020, HTX được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) lựa chọn để thực hiện Dự án Vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao (CNC) trên diện tích 10 ha, sau đó nhân rộng thêm 70 ha. Các thành viên khi tham gia sản xuất lúa theo dự án này sẽ được hỗ trợ 40% tiền phân, giống và 400 ngàn đồng thuốc. Ngoài ra, HTX được dự án hỗ trợ 1 máy cấy lúa, 1.000 khay để gieo mạ, cảm biến.

Ông Nguyễn Văn Nguyền, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Mỹ Quới cho biết: “Trước khi triển khai thực hiện dự án, thành viên HTX còn ngán ngại do phải gieo mạ. Tuy nhiên, sau khi cấy lúa, người dân rất phấn khởi vì lúa phát triển tốt, bụi nở to, ít sâu bệnh. Khi trồng lúa theo cách truyền thống, nông dân bón phân nhiều đợt, còn trồng lúa CNC chỉ bón phân 2 đợt. Do mạ cấy nên trà lúa thưa, quang hợp tốt, hạn chế được sâu bệnh. Theo đánh giá, sản xuất theo mô hình này đạt hiệu quả hơn so với trồng lúa theo cách truyền thống”.

Năm 2020, HTX còn xây dựng phương án liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa được UBND huyện Cái Bè phê duyệt dự án thực hiện trong 3 năm, với diện tích 100 ha theo hướng VietGAP. Hiện HTX đang triển khai dự án trên diện tích 50 ha.

Ông Hồ Văn Nhanh, thành viên HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Mỹ Quới cho biết, đây là vụ đầu tiên 2,7 ha sản xuất lúa của gia đình ông ứng dụng CNC. Hiện trà lúa đang trong giai đoạn chín. Theo ông Nhanh, khi tham gia sản xuất lúa ứng dụng CNC, chi phí giảm, ít tốn công phun thuốc so với trồng theo kiểu truyền thống. Hướng tới, gia đình sẽ tiếp tục tham gia mô hình sản xuất lúa ứng dụng CNC của HTX.

MỞ RỘNG QUY MÔ

Thực tế cho thấy, HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Mỹ Quới đang thể hiện được vai trò cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Qua từng năm, số lượng thành viên HTX không ngừng tăng. Với việc kết hợp nhiều mô hình vào sản xuất lúa, lợi nhuận của thành viên khi áp dụng mô hình mới so với sản xuất lúa truyền thống cao hơn từ 800 - 1.000 đồng/kg đối với giống chất lượng cao và từ 500 - 700 đồng/kg đối với các giống khác.

Điều này giúp thành viên nâng cao thu nhập, góp phần xóa khó giảm nghèo, an sinh xã hội ở địa phương, tích cực cùng chính quyền xã xây dựng nông thôn mới.Theo ông Nguyễn Văn Nguyền, thời gian tới, HTX sẽ đưa vào khai thác các cống, trạm bơm được Dự án VnSat hỗ trợ để phục vụ 450 ha sản xuất lúa.

Trong vụ đông xuân tới, HTX sẽ triển khai mô hình sản xuất lúa ứng dụng CNC thêm 440 ha. Hiện HTX đang được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT) hướng dẫn thực hiện chứng nhận VietGAP đối với 57 ha. Đồng thời, đề nghị Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) hỗ trợ xây dựng thương hiệu để tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Ngoài ra, HTX sẽ tiếp tục kết nạp thêm thành viên, mở rộng diện tích sản xuất lúa trên toàn xã theo hướng CNC, giúp nông dân an tâm sản xuất.

TRỌNG ĐẠT

.
.
.