Cần thêm gói hỗ trợ giúp doanh nghiệp vượt khó
Sản xuất sợi tại Công ty TNHH Dệt Hà Nam, Khu Công nghiệp Châu Sơn (Hà Nam). Ảnh: Nguyễn Tuân |
Tại báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội trước kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ cho biết, hai đợt bùng phát của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, đẩy cộng đồng doanh nghiệp (DN) vào tình thế vô cùng khó khăn. Ðó là đứt gãy cung - cầu, thiếu hụt dòng tiền, đầu tư ngưng trệ... Do đó, nếu không có sự trợ giúp mạnh mẽ, hiệu quả hơn, khả năng các DN duy trì ổn định được sản xuất, kinh doanh (SXKD) sẽ gặp rất nhiều trở ngại.
Khó đạt chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh
Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, kế hoạch SXKD năm 2020 của 55 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đặt ra các chỉ tiêu cơ bản gồm: Dự kiến tổng doanh thu hợp nhất hơn 1,32 triệu tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế hơn 78 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước hơn 157 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 cho nên hầu hết các đơn vị này có thể không đạt chỉ tiêu kế hoạch đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt. Trên thực tế, nhiều DN thua lỗ lớn trong sáu tháng đầu năm và còn gặp nhiều khó khăn như: Tập đoàn Hóa chất Việt Nam lỗ hơn 1.000 tỷ đồng, dự kiến quý III-2020 tiếp tục lỗ hơn 500 tỷ đồng; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam lỗ khoảng 220 tỷ đồng…
Ảnh hưởng nặng nề nhất là DN ngành hàng không với báo cáo tài chính chín tháng năm 2020 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) ghi nhận mức lỗ hợp nhất khoảng 10.750 tỷ đồng. DN này đang ở vào tình thế khủng hoảng tiền mặt, dù đã thực hiện tất cả các biện pháp cắt giảm chi phí, đàm phán cơ cấu lại nợ. Trong kịch bản điều hành, VNA dự kiến năm 2020 lỗ khoảng 15 nghìn - 16 nghìn tỷ đồng và chỉ có thể cải thiện tình hình tài chính từ năm 2024.
Mới đây, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN (CMSC) Nguyễn Hoàng Anh đã làm việc với các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc về những khó khăn do dịch Covid-19 để tìm giải pháp tháo gỡ. Lãnh đạo nhiều tập đoàn, tổng công ty không khỏi lo ngại trước khả năng khó hoàn thành chỉ tiêu SXKD năm 2020 đã được phê duyệt.
Cụ thể, Tập đoàn Cao-su Việt Nam cho biết, mức lợi nhuận của công ty mẹ có khả năng chỉ đạt 65% kế hoạch, cổ tức dự kiến giảm 2% so kế hoạch nếu không có nguồn tài chính bổ sung từ việc thoái vốn tại một số DN và giải phóng nguồn lực đất đai, chuyển đổi mục đích sử dụng sang khu công nghiệp. Cả hai vấn đề này đều đang vướng cơ chế và Luật Ðất đai, cần trình Chính phủ và Quốc hội xem xét tháo gỡ kịp thời. Ðối với Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam, sản lượng vận chuyển hành khách qua các cảng hàng không giảm 51 triệu lượt khách, giảm 44% so với dự kiến đầu năm trước khi có dịch; tổng doanh thu giảm 11.356 tỷ đồng, tương ứng giảm 53%; tổng lợi nhuận trước thuế giảm 9.497 tỷ đồng, tương ứng giảm 80%...
Trong bối cảnh toàn bộ kế hoạch SXKD bị thay đổi hoàn toàn bởi dịch Covid-19, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước từ đầu năm đến nay đã chủ động thực hiện các giải pháp cắt giảm tối đa chi phí hoạt động; sắp xếp lại nguồn nhân lực; cơ cấu lại đầu tư, danh mục tài sản để cầm cự, chuẩn bị các phương án cơ cấu lại, khôi phục hoạt động sản xuất khi dịch bệnh kết thúc.
Tuy nhiên, khả năng chống chịu của không ít DN đã tới hạn, đòi hỏi phải có sự hỗ trợ tiếp theo từ Chính phủ. Trước hàng loạt kiến nghị của DN, Chủ tịch CMSC Nguyễn Hoàng Anh cho biết, CMSC sẽ nhanh chóng xử lý những vấn đề trong phạm vi thẩm quyền và là cầu nối với các bộ, ngành, Chính phủ, Quốc hội để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách cho DN.
Cần thực hiện chính sách hỗ trợ hiệu quả
"Sức khỏe" của cộng đồng DN Việt Nam đang ở mức kém lạc quan nhất, khi dãy số liệu về tình hình đăng ký kinh doanh chín tháng qua ghi nhận lần đầu có sự sụt giảm 3,2% về số lượng DN thành lập mới sau chuỗi tăng trung bình 14,3%/năm liên tục 5 năm gần đây. Trong khi đó, số DN rút lui khỏi thị trường trung bình mỗi tháng tăng 27,2% so cùng kỳ năm trước, riêng số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng kỷ lục 81,8%.
Khảo sát của Trường đại học Kinh tế quốc dân (NEU) vừa công bố tại hội thảo khoa học "Chính sách vượt qua tác động của Covid-19 để phục hồi và phát triển kinh tế" cho thấy, khoảng 80% số DN được điều tra không nhận được gói hỗ trợ của Chính phủ. DN chủ yếu tiếp cận được gói gia hạn nộp thuế, các gói hỗ trợ khác tỷ lệ tiếp cận thấp.
Nguyên nhân chủ yếu vì DN không đáp ứng được điều kiện hỗ trợ, không có thông tin về chính sách và quy trình, thủ tục nhận hỗ trợ phức tạp, thiếu minh bạch. Về cơ bản, các chính sách hỗ trợ có tác động tích cực đến các DN nhận hỗ trợ nhưng ngược lại, vẫn còn nhiều chính sách không có tác động như kỳ vọng như hỗ trợ chi phí logistics, cải cách thủ tục hành chính. PGS, TS Bùi Ðức Thọ, Phó Hiệu trưởng NEU cho biết, kết quả điều tra cũng phản ánh cộng đồng DN đang kỳ vọng lớn về việc tiếp tục hỗ trợ của Chính phủ, nhất là các gói tạm dừng đóng BHXH, giảm tiền thuê đất, hỗ trợ chi phí...
Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), TS Cấn Văn Lực cho rằng, việc đề xuất thêm gói hỗ trợ mới trong giai đoạn này là rất cần thiết, vì dịch bệnh đang có nhiều yếu tố bất định, có thể kéo dài đến hết năm 2021.
Do đó, cần tung thêm gói hỗ trợ với quy mô khoảng 150 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 2,5% GDP, trong khi vẫn tiếp tục triển khai quyết liệt gói hỗ trợ lần thứ nhất với tỷ lệ giải ngân còn lại khoảng 75%. Gói hỗ trợ lần thứ hai cần xem xét bốn nội dung: Có nên giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, trên cơ sở đánh giá tác động của chính sách đến DN và khả năng cân đối ngân sách nhà nước; hỗ trợ lực lượng lao động không chính thức bị mất việc làm, giảm thu nhập; chính sách riêng hỗ trợ DN vừa và nhỏ; tiếp tục hỗ trợ lãi suất. Riêng về chính sách lãi suất, TS Cấn Văn Lực khuyến cáo cần nghiên cứu kỹ mức hỗ trợ cho từng ngành nghề theo mức độ chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh thay vì áp dụng một mức chung, như đề xuất của VNA về mức hỗ trợ lãi suất cho vay 4% so với mức cho vay trên thị trường là 8% - 9%/năm.
Là người tham gia thiết kế các gói cứu trợ kinh tế đầu tiên của Chính phủ, Viện trưởng Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh TS Võ Trí Thành khẳng định, Chính phủ còn nguồn lực để hỗ trợ DN nhưng gói hỗ trợ tiếp theo cần bảo đảm nguyên tắc nhanh, đúng đối tượng và phải triển khai quyết liệt. Xây dựng được chính sách đã quan trọng, nhưng thực thi tốt còn quan trọng hơn. Ý tưởng của gói hỗ trợ lần thứ nhất vẫn còn rất đơn giản là Nhà nước giãn, hoãn thuế, chưa thu tiền của DN để họ giữ lấy cầm cự.
Nhưng gói hỗ trợ lần thứ hai phải hướng đến mục tiêu cao hơn là hỗ trợ DN vượt khó, phục hồi và cấu trúc lại. Gói hỗ trợ này phải đủ lớn, quy mô rộng bao quát được các đối tượng gồm người lao động, DN và an sinh xã hội. Nhưng phải tính toán để nguồn lực hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm tới các lĩnh vực, DN quy mô lớn, tạo hiệu ứng lan tỏa như ngành hàng không…
Kết thúc gói hỗ trợ lần thứ nhất theo tinh thần tại Chỉ thị số 11/CT-TTg của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho SXKD, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó dịch Covid-19, Chính phủ đã giao các cơ quan chức năng tổng kết, rút kinh nghiệm để tiếp tục thiết kế chính sách hỗ trợ trong thời gian tới. Các DN rất kỳ vọng gói hỗ trợ lần thứ hai nếu được thực hiện, sẽ phát huy hiệu quả thiết thực hơn, góp phần giúp các DN vượt sóng gió trong giai đoạn này, từng bước ổn định và phát triển SXKD.
(Theo nhandan.com.vn)