Huyện Cai Lậy: Tập trung ứng phó với triều cường
Để ứng phó với các đỉnh triều cường từ nay đến cuối năm 2020, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang tập trung gia cố các tuyến đê bao, chống tràn, đề phòng sạt lở, đảm bảo sản xuất, sinh hoạt của người dân.
XỬ LÝ SẠT LỞ, GIA CỐ ĐÊ BAO
Những năm gần đây, tình trạng sạt lở ở huyện Cai Lậy diễn biến phức tạp, gây thiệt hại các công trình đê bao, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của người dân. Theo thống kê, toàn huyện có 43 điểm sạt lở, tổng chiều dài hơn 1,3 km, ước kinh phí xử lý khoảng 32 tỷ đồng. Nhiều đoạn đê bao bị sạt lở gần nửa mặt đê, chia cắt đường giao thông, ảnh hưởng đến diện tích vườn cây ăn trái, nhà ở của người dân.
Mới đây, triều cường đã làm một đoạn đê bao thuộc tổ 11 (ấp Long Quới, xã Ngũ Hiệp) bị sạt lở nghiêm trọng, gây ngập úng vườn cây ăn trái và chia cắt huyện lộ 70 - tuyến giao thông chính trên địa bàn xã.
Khắc phục sạt lở tuyến đê bao ở ấp Long Qưới, xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy. |
Địa phương đã khẩn trương dùng cơ giới bồi đắp đoạn đê sạt lở, gia cố các vị trí lân cận. Phó Chủ tịch UBND xã Ngũ Hiệp Nguyễn Thanh Trung cho biết: “Địa bàn xã Ngũ Hiệp có 22 điểm đê bao xung yếu, có nguy cơ tràn và sạt lở do triều cường. Địa phương đã chủ động gia cố các điểm nhỏ và lập tờ trình đề nghị UBND huyện hỗ trợ kinh phí xử lý khẩn cấp các điểm sạt lở nghiêm trọng, ổn định đời sống, sản xuất của người dân”.
Nhiều năm qua, xã Tân Phong chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng sạt lở. Toàn xã có 30 km đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái, 23 cống đập ngăn mặn và triều cường. Chủ động ứng phó tình trạng trên, UBND xã Tân Phong vận động người dân kiểm tra và gia cố các khu vực xung yếu, bảo vệ sản xuất trong mùa mưa bão và các đỉnh triều cường.
Canh tác 2 công vườn chuyên canh mít Thái, chị Phạm Thị Loan (ấp Tân Thiện, xã Tân Phong) đã thuê cơ giới bồi đắp, tôn cao tuyến đê bao cặp sông Tiền, bảo vệ vườn cây đang cho thu hoạch. “5 năm trở lại đây, tình trạng sạt lở đê bao diễn ra nghiêm trọng nên người dân sinh sống ở khu vực này rất lo lắng. 2 năm trước, địa phương đã đầu tư kinh phí nâng cấp đoạn đê này và mỗi năm, gia đình tôi đều chủ động gia cố để an tâm đầu tư sản xuất” - chị Loan cho biết.
CHỦ ĐỘNG BẢO VỆ SẢN XUẤT, SINH HOẠT
Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Tiền Giang, các đợt triều cường từ nay đến cuối năm 2020 và đầu năm 2021 ở vùng hạ lưu sông Tiền sẽ ở mức cao trên báo động 3, xuất hiện vào những ngày đầu và giữa tháng (âm lịch), khả năng ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân.
Chủ động ứng phó triều cường, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Cai Lậy chỉ đạo các xã theo dõi, cập nhật chặt chẽ diễn biến thời tiết, khí tượng thủy văn, đặc biệt là triều cường để thông tin, cảnh báo kịp thời đến người dân.
Chị Phạm Thị Loan (ấp Tân Thiện, xã Tân Phong) đã chủ động bồi đắp tuyến đê bao cặp sông Tiền, bảo vệ vườn cây đang cho thu hoạch. |
Theo thống kê, huyện Cai Lậy có hơn 15.000 ha cây ăn trái ở các xã phía Nam Quốc lộ 1. Dự kiến trong vụ đông xuân 2020 - 2021, các xã phía Bắc Quốc lộ 1 của huyện xuống giống hơn 6.700 ha lúa và 744 ha rau màu các loại. Bảo vệ vườn cây ăn trái và đảm bảo sản xuất vụ đông xuân 2020 - 2021, huyện Cai Lậy tập trung xử lý sạt lở, nâng cấp đê bao, thi công và sửa chữa các công trình cống đập với tổng kinh phí đầu tư hơn 80 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, huyện.
Ngoài ra, các xã cũng vận động nhân dân đóng góp ngày công, vật tư tại chỗ để gia cố đê bao, sẵn sàng phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”, tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng chống, ứng phó ở các khu vực xung yếu, đông dân cư để giảm thiểu thiệt hại khi có sự cố xảy ra. Đồng thời, hướng dẫn các biện pháp chăm sóc, bảo vệ cây trồng, vật nuôi, đảm bảo sinh hoạt và ổn định sản xuất, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
TRƯỜNG GIANG