.

Tiền Giang: Tập trung phòng, chống dịch tả heo châu Phi

Cập nhật: 21:26, 22/11/2020 (GMT+7)

(ABO) Dịch tả heo châu Phi (DTHCP) đã xuất hiện trở lại tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Hiện công tác phòng, chống dịch lây lan đang được các địa phương tập trung triển khai.

Năm 2019, DTHCP gây thiệt hại lớn khiến tổng đàn heo của tỉnh sụt giảm.
Năm 2019, DTHCP gây thiệt hại lớn khiến tổng đàn heo của tỉnh sụt giảm.

Giữa năm 2019, DTHCP xuất hiện trên địa bàn tỉnh, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Từ đó khiến tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh sụt giảm mạnh. Sau thời gian không xuất hiện các ca bệnh mới, hiện tại DTHCP đã xuất hiện trở lại tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh.

DTHCP XUẤT HIỆN TRỞ LẠI

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đến hết tháng 10-2020, toàn tỉnh xảy ra 40 ca DTHCP tại 8 đơn vị cấp huyện. Từ tháng 10-2020 đến ngày 16-11, toàn tỉnh ghi nhận 20 hộ có heo mắc bệnh DTHCP tại 4 huyện (Tân Phước, Tân Phú Đông, Cái Bè, Gò Công Tây).

Để chủ động phòng, chống DTHCP, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nguyễn Văn Mẫn đề nghị các địa phương phải tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận chức phòng, chống dịch bệnh cho người chăn nuôi. Khi xảy ra các ổ DTHCP cần phát hiện nhanh và xử lý sớm, không để tình trạng bán chạy heo bệnh. Các địa phương phải quản lý chặt, tiêu hủy kịp thời, không để lây lan dịch bệnh. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, quản lý công tác giết mổ chặt chẽ.


Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân  (UBND) huyện Tân Phú Đông Lê Thanh Đằng, đến nay, huyện có 1 xã công bố DTHCP với 15 hộ. Địa phương đã tiến hành tiêu hủy 233 con heo với hơn 12 tấn. Khi xảy ra dịch bệnh, địa phương đã lập các chốt kiểm dịch, hiện dịch bệnh cơ bản được quản lý.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Phước Trần Thanh Tú, trên địa bàn huyện, trong tháng 10-2020, DTHCP xảy ra tại 2 hộ và tháng 11 xảy ra tại 1 hộ, chủ yếu tập trung tại xã Phước Lập với 118 con heo mắc bệnh. Huyện đã tiến hành tiêu hủy tất cả heo nhiễm bệnh. Sau khi dịch bệnh xảy ra, UBND huyện đã có nhiều văn bản để tuyên truyền cho người dân, chỉ đạo các ngành chức năng về công tác phòng, chống dịch và tiến hành tiêu độc khử trùng. Hiện trên địa bàn huyện có khoảng 24.000 con heo, chủ yếu tập trung ở các trang trại lớn, còn lại nằm rải rác ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nên khó quản lý.

Còn theo UBND huyện Cái Bè, trong tháng 11, trên địa bàn huyện xuất hiện 2 ổ DTHCP tại xã Thiện Trí và Mỹ Đức Đông. Địa phương đã phát hiện kịp thời và tiến hành tiêu hủy. Song song đó, huyện đã tập trung khoanh vùng để xử lý các ổ dịch, tiến hành phun xịt thuốc tiêu độc, khử trùng tại khu vực các xã lân cận ổ dịch.

ĐỀ XUẤT TĂNG MỨC HỖ TRỢ HEO BỊ TIÊU HỦY

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Lê Văn Nê, vừa qua, trên địa bàn xã Yên Luông xảy ra DTHCP. Sau khi dịch bệnh xảy ra, mỗi ngày huyện đều cử lực lượng chức năng phun xịt thuốc tiêu độc, khử trùng theo khuyến cáo của ngành Thú y. Bên cạnh đó, các xã có nguy cơ lây lan dịch bệnh cũng được tiêu độc khử trùng 2 lần/tuần. Người chăn nuôi đã “thấm đòn” với DTHCP, tuy nhiên mức giá hỗ trợ người dân có heo bị tiêu hủy do DTHCP còn thấp. Vì vậy, cần phải nghiên cứu, điều chỉnh giá hỗ trợ người chăn nuôi cho phù hợp hơn để người dân đồng hành cùng Nhà nước trong việc phòng, chống dịch bệnh.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông Lê Thanh Đằng, UBND tỉnh cần sớm có quyết định thay thế Quyết định 3195, trong đó quan tâm nghiên cứu chế độ, chính sách hỗ trợ người chăn nuôi có heo bị tiêu hủy do DTHCP phù hợp với giá thị trường. Bởi hiện nay, giá heo hơi ngoài thị trường trên dưới 7 triệu đồng/tạ, nhưng giá hỗ trợ của tỉnh đối với hộ có heo bị tiêu hủy do DTHCP chỉ 3,8 triệu đồng/tạ.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Trần Hoàng Nhật Nam, ngành Nông nghiệp ghi nhận ý kiến của các địa phương, sẽ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh giá hỗ trợ người chăn nuôi có heo bị tiêu hủy do DTHCP cho phù hợp tình hình thực tế. 

TRỌNG ĐẠT

.
.
.