.

Xuất hiện nhiều tổ chức nông dân mạnh hình thành từ Dự án VnSAT Tiền Giang

Cập nhật: 12:26, 11/11/2020 (GMT+7)

Với sự hỗ trợ của Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) trong thực hiện các mô hình sản xuất, đầu tư hạ tầng…, nhiều tổ chức nông dân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã từng bước lớn mạnh, hoạt động hiệu quả.

Thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Quới được hưởng lợi từ Dự án VnSAT, góp phần tăng thu nhập trong canh tác lúa.
Thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Quới được hưởng lợi từ Dự án VnSAT, góp phần tăng thu nhập trong canh tác lúa.

Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có khoảng 151 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp với hơn 37.900 thành viên. Thực hiện mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 75 HTX tham gia liên kết tiêu thụ nông sản bền vững với doanh nghiệp, những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp, huy động cao nhất các nguồn lực nhằm củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX.

CHỦ ĐỘNG LIÊN KẾT

Ngoài nội lực, tỉnh đã tranh thủ sự hỗ trợ từ các nguồn lực quốc tế, trong đó có Ngân hàng Thế giới (WB) với Dự án VnSAT.

Sau gần 5 năm triển khai, trong vùng dự án đã xuất hiện nhiều tổ chức nông dân mạnh, chủ động trong việc liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất các sản phẩm theo chuỗi giá trị, giúp giải quyết đầu ra ổn định cho mặt hàng nông sản.

Nằm ở phía Bắc huyện Cai Lậy, trong vùng Đồng Tháp Mười, Mỹ Thành Bắc là xã thuần nông, giàu tiềm năng phát triển nghề trồng trọt.

Nằm trong quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao, lúa đặc sản của tỉnh, toàn xã duy trì diện tích gieo trồng lúa 3 vụ/năm là 1.244 ha cho sản lượng mỗi năm trên 22.000 tấn.  

Hằng năm, xã vận động thành viên giữ vững và mở rộng mô hình Cánh đồng liên kết; đồng thời, khuyến khích nông dân canh tác theo quy trình 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm.

Việc sản xuất theo chuỗi với hình thức hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa nông dân, tổ hợp tác, HTX với doanh nghiệp bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực tại địa phương này.

Theo ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Thành Bắc, được sự khuyến khích và hỗ trợ của các cấp chính quyền tại địa phương và cán bộ Ban Quản lý Dự án VnSAT Tiền Giang, năm 2017, các tổ viên tại Cánh đồng liên kết đã chuyển từ tổ hợp tác Cánh đồng lớn thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Thành Bắc nhằm nâng cao tính pháp lý khi ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.

Bước đầu, HTX thu hút 706 thành viên với diện tích canh tác 641 ha. Anh Trịnh Văn Pha, thành viên HTX cho biết: “Trước đây, khi chuẩn bị vào vụ sản xuất, bà con thường gặp khó khăn trong việc chọn lựa giống lúa vừa năng suất, lại dễ tiêu thụ và bán được giá cao.

Nhưng mấy năm trở lại đây, khi tham gia HTX, sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, bà con rất yên tâm vì được doanh nghiệp cung cấp lúa giống ngay đầu vụ và bao tiêu sản phẩm đầu ra”.

Ngoài ra, thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Thành Bắc còn tranh thủ được nguồn lực doanh nghiệp đầu tư cho sản xuất, ứng dụng quy trình sản xuất mới, từ đó lợi nhuận tăng thêm 1,5 triệu đồng/ha.

HTX còn tạo thêm việc làm cho nông dân thông qua khâu thu gom, vận chuyển lúa về nhà máy của công ty, với chi phí thu gom 200 đồng/kg. Chỉ riêng năm 2018, HTX đã giao cho Công ty Lương thực Tiền Giang hơn 3.000 tấn lúa.

NÂNG CAO NĂNG LỰC HTX

HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Quới (xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè) là một tổ chức nông dân mạnh trong vùng Dự án VnSAT. Đây cũng là HTX được tỉnh Tiền Giang lựa chọn để tham gia thí điểm xây dựng và nhân rộng mô hình HTX kiểu mới trong nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Hạ tầng phục vụ vùng sản xuất của Dự án VnSAT được quan tâm đầu tư.
Hạ tầng phục vụ vùng sản xuất của Dự án VnSAT được quan tâm đầu tư.

HTX có 600 hộ canh tác trên diện tích Cánh đồng lớn 618 ha liên kết với doanh nghiệp theo mô hình chuỗi giá trị tiêu thụ.

Ông Thái Văn Cẩm, Giám đốc Công ty Phước Lộc Thiên Hộ - đơn vị bao tiêu và ông cũng là thành viên của HTX cho biết, những năm qua, doanh nghiệp của ông đã đồng hành cùng HTX canh tác giống lúa đặc sản ST24 theo tiêu chuẩn VietGAP.

Vụ đông xuân 2018 - 2019, khi giá lúa “rớt” quá thấp, nông dân, thành viên HTX ở đây vẫn đảm bảo mức lợi nhuận từ trồng lúa đạt 30% - 35% do được doanh nghiệp bảo hộ về giá, cao hơn giá thị trường 1.000 đồng/kg tại thời điểm bán.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Quới đã được Dự án VnSAT đầu tư cơ sở hạ tầng để tổ chức sản xuất một cách căn cơ.

Ông Nguyễn Văn Nguyền, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Quới phấn khởi cho biết: “HTX đã được Dự án VnSAT đầu tư 1 cái kho tương đương khoảng 1.000 tấn, 2 cái cống và 1 trạm bơm hỗ trợ HTX và nông dân chủ động mùa vụ, đã góp phần giảm chi phí, sản xuất đạt hiệu quả hơn”.

Một trong các mục tiêu của Dự án VnSAT là góp phần thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Xác định lấy kinh tế hợp tác (cụ thể là HTX) là đòn bẩy tăng trưởng và tạo sinh kế bền vững cho người nông dân, Dự án VnSAT đã triển khai nhiều hoạt động củng cố, nâng cao năng lực HTX.

Tính đến hết năm 2019, dự án đã hỗ trợ thành lập mới 15 HTX, triển khai thực hiện nhiều lớp đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý HTX.

Thực tiễn tại các HTX xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi thành công, chi phí đầu vào thấp hơn từ 8% - 12% so với trước đó, chất lượng sản phẩm cao hơn, thu nhập của thành viên tăng 36% do chi phí đầu vào giảm, giá bán sản phẩm tăng…

Có thể thấy, việc phát triển theo chuỗi giá trị, với hạt nhân là HTX sẽ giúp tăng cao chuỗi giá trị nông sản Việt, đưa nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.

                                                  Ban Quản lý Dự án VnSAT Tiền Giang

.
.
.