Thứ Tư, 30/12/2020, 09:55 (GMT+7)
.
Nỗi lo hạn, mặn

Bài cuối: Dồn lực ứng phó

Bài 1: Vẫn còn dư âm

Bài 2: Cắt vụ, né mặn

Tiền Giang đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn gây ra đối với sản xuất và đời sống của người dân. Dồn lực bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với cây ăn trái và nước sinh hoạt cho người dân là mục tiêu lớn đang được tỉnh, các sở, ngành và địa phương đặt ra trước mùa hạn, mặn sắp tới.

BẢO VỆ VƯỜN CÂY ĂN TRÁI

Kinh nghiệm được rút ra từ mùa hạn, mặn diễn ra vào thời điểm đầu năm 2020 cho thấy, vùng chuyên canh cây ăn trái ở các huyện phía Tây của tỉnh Tiền Giang, đặc biệt là vùng trồng chuyên canh sầu riêng, dễ chịu tổn thương nhất bởi xâm nhập mặn. Do đó, mục tiêu bảo vệ cùng chuyên canh cây ăn trái đang được ngành Nông nghiệp đặc biệt quan tâm và triển khai nhiều giải pháp để ứng phó.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) Đỗ Quốc Khánh, hiện xã đã triển khai các nhóm giải pháp để chủ động ứng phó với xâm nhập mặn cho đợt cuối năm 2020 và những năm tiếp theo. Theo đó, xã sẽ thường xuyên theo dõi việc xâm nhập mặn, chủ yếu theo hướng từ dòng chảy của sông Hàm Luông (tỉnh Bến Tre) để thông báo kịp thời cho người dân chủ động trữ nước ngọt phục vụ sản xuất.

Bên cạnh đó, xã cũng sẽ vận động người dân nạo vét mương vườn để tăng lượng trữ nước, giữ ẩm cho cây và tổ chức hội thảo hướng dẫn cách tưới tiết kiệm. Ngoài ra, xã Ngũ Hiệp cũng đề xuất tỉnh Tiền Giang cho đắp 8 đập tạm trên địa bàn để ngăn mặn, trữ ngọt.

Nhiều nhà vườn trồng sầu riêng đang chủ động ứng, phó với hạn, mặn.
Nhiều nhà vườn trồng sầu riêng đang chủ động ứng, phó với hạn, mặn.

Tam Bình là một trong những xã của huyện Cai Lậy có diện tích trồng sầu riêng lớn và chịu thiệt hại nặng nề do hạn, mặn vừa qua. Để ứng phó hạn, mặn trong thời gian tới, Chủ tịch UBND xã Tam Bình Đặng Văn Lâm cho biết, sau khi có chủ trương của tỉnh Tiền Giang về việc xây dựng đập tại các cửa sông thông ra sông Tiền, người dân trên địa bàn rất phấn khởi. Nhiều người dân có sầu riêng bị chết trong đợt hạn, mặn vừa qua đã mạnh dạn trồng lại cây mới.

“Bên cạnh các giải pháp phòng, chống hạn, mặn, xã kiến nghị tỉnh khẩn trương xây dựng các đập thông ra sông Tiền. Về lâu dài, cần có chủ trương xây dựng các đập kiên cố để người dân yên tâm sản xuất” - đồng chí Đặng Văn Lâm cho biết.

Còn theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thiện Pháp, đối với cù lao Ngũ Hiệp và cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy), một trong những giải pháp được xem là hữu hiệu trong việc ứng phó xâm nhập mặn là củng cố hệ thống đê bao và khoan thêm giếng. Vừa qua, lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang đã quyết định cho khoan thêm 6 giếng tại cù lao Ngũ Hiệp, 8 giếng tại cù lao Tân Phong và 2 giếng tại xã Tam Bình để phục vụ nước sinh hoạt cũng như sản xuất cho người dân.

Nhìn một cách tổng thể hơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho rằng, vấn đề lãnh đạo tỉnh, các ngành và địa phương lo lắng nhất trong ứng phó với hạn, mặn sắp tới là vùng sản xuất của các huyện phía Tây của tỉnh. Sau đợt hạn, mặn vừa qua, người dân đã tập trung khôi phục sản xuất, trồng lại số diện tích sầu riêng đã chết. Qua thực tế, người dân đang mong chờ triển khai đắp các đập ở các cửa sông thông ra sông Tiền. Việc đắp đập phải triển khai sớm và kịp thời, không để xảy ra tình trạng như năm vừa qua. Sau khi đắp đập ngăn mặn, trữ ngọt trên kinh Nguyễn Tấn Thành sẽ đắp một số đập tiếp theo. Còn việc đắp hết các đập hay không còn tùy vào diễn biến của xâm nhập mặn.

ĐẢM BẢO NƯỚC SINH HOẠT

Với những dự báo về mức độ xâm nhập mặn trong mùa khô cuối năm 2020, đầu năm 2021, việc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, đặc biệt là khu vực phía Đông của tỉnh Tiền Giang được nhận định là sẽ gặp không ít khó khăn. Nhìn lại mùa hạn, mặn cuối năm 2019, đầu năm 2020, tỉnh Tiền Giang đã chủ động đắp đập thép trên kinh Nguyễn Tấn Thành và 9 đập phụ khác để ngăn mặn, trữ ngọt nên đã bảo vệ được nguồn nước sinh hoạt cho 800 ngàn dân ở một phần TP. Mỹ Tho và các huyện phía Đông.

Trong mùa hạn, mặn tới đây, để bảo vệ sản xuất cho khu vực phía Tây cũng như bảo vệ nguồn nước sinh hoạt cho người dân, giải pháp mà tỉnh Tiền Giang đưa ra là sẽ tiếp tục đắp đập thép trên kinh Nguyễn Tấn Thành và một số đập khác thông ra sông Tiền dọc trên đường tỉnh 864.

Để bảo vệ sản xuất đối với vùng Dự án Bảo Định mở rộng sang một phần diện tích vùng kiểm soát lũ, mùa hạn, mặn 2020 - 2021 này, bên cạnh công tác nạo vét các tuyến kinh, rạch nội đồng, duy tu các cống, đập, tỉnh Tiền Giang đề nghị tỉnh Long An tiến hành đắp 4 đập và các cống tiêu thoát nước trên Quốc lộ 62 gồm các đập: Bến Kè, Bún Bà Của, Cái Tôm, Kinh 12. Thời gian đắp đập trước khi có mặn 1 g/l xuất hiện tại đập.

Ngoài ra, tỉnh Tiền Giang cũng dự kiến đắp 12 đập thép dọc đường tỉnh 864 và bờ Đông Kinh 28 gồm: Kinh Nguyễn Tấn Thành, sông Rạch Gầm, sông Phú Phong, rạch Cây Còng, kinh Hai Tân, rạch Mù U, rạch Cái Sơn, rạch Trà Tân, sông Ba Rài, sông Phú An, kinh 7, kinh 8 để ngăn mặn từ sông Tiền xâm nhập vào nội đồng và tăng khả năng trữ ngọt. Riêng thời gian đắp đập kinh Nguyễn Tấn Thành dự kiến vào cuối tháng 1, khi độ mặn tại TP. Mỹ Tho vượt ngưỡng 2 g/l.

Đề cập đến việc chuẩn bị nguồn lực cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang Lê Văn Khiết cho biết, công ty đã chuẩn bị phương án cấp nước trong mùa khô 2020 - 2021. Theo đó, công ty đã hoàn chỉnh lại các thiết bị, hệ thống đường ống, trạm bơm kinh Sáu Ầu - Xoài Hột để đảm bảo nguồn nước cung cấp cho Nhà máy nước Bình Đức.

Đồng thời, công ty cũng có tờ trình xin ý kiến UBND tỉnh Tiền Giang mở 12 giếng dự phòng trên địa bàn TP. Mỹ Tho để chuẩn bị cho đợt hạn, mặn tới đây. Để tiếp nước về khu vực phía Đông, công ty đã đề nghị UBND tỉnh cho khoan thêm 3 giếng dự phòng tại xã Đăng Hưng Phước để cấp cho huyện Chợ Gạo. Trên cơ sở đó, công ty sẽ dồn nguồn nước cung cấp từ nhà máy nước về cho các huyện phía Đông.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, để duy trì nguồn nước từ các trạm cấp nước trên địa bàn nông thôn các huyện, thị phía Đông, đối với Nhà máy nước Đồng Tâm và Nhà máy nước Bình Đức, khi mặn lên đến khu vực xã Bình Đức (huyện Châu Thành), tỉnh sẽ vận hành 12 giếng khoan dự phòng; đồng thời, bơm bổ cấp nguồn nước ngọt từ kinh Sáu Ầu - Xoài Hột đảm bảo lượng nước thô để 2 nhà máy này sản xuất nước sinh hoạt…

Bên cạnh đó, tỉnh Tiền Giang cũng sẽ tiến hành lắp đặt một số tuyến ống chuyển tải tiếp nhận nguồn nước từ Nhà máy nước Đồng Tâm trên địa bàn huyện Chợ Gạo, huyện Gò Công Tây; đầu tư nâng cấp phát triển các tuyến ống trên địa bàn TX. Gò Công, huyện Gò Công Đông…

Thực tế cho thấy, trong những mùa khô gần đây, việc mở các vòi nước công cộng ở các huyện, thị phía Đông của tỉnh Tiền Giang để những hộ dân chưa tiếp cận được nguồn cấp nước tập trung sử dụng đã giải quyết phần nào khó khăn về nước sinh hoạt cho người dân.

Dự kiến, trong mùa khô 2020 - 2021 này, tỉnh Tiền Giang sẽ mở 103 vòi nước công cộng phục vụ nhân dân ở khu vực ven biển, ven sông thuộc các xã vùng sâu chưa tiếp cận được nguồn nước từ trạm cấp nước tập trung ở các huyện Gò Công Tây, Gò Công Đông, Tân Phú Đông và TX. Gò Công với hơn 32 ngàn dân.

 A.PHƯƠNG - M.THÀNH

.
.
.