.

Trăn trở với chuyện chuyển đổi cây trồng

Cập nhật: 08:54, 10/12/2020 (GMT+7)

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là chủ trương đang được khuyến khích để nâng cao thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, việc chuyển đổi không đúng quy hoạch hoặc chuyển đổi theo phong trào một số loại cây trồng cho lợi nhuận trước mắt cũng đặt ra cảnh báo về tình trạng “cung vượt cầu”.

 ĐỔ XÔ CHUYỂN RUỘNG THÀNH VƯỜN

Về xã Thạnh Lộc (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), xen giữa các cánh đồng đã gieo sạ vụ đông xuân 2020 - 2021 là những vườn mít Thái xanh tốt. 3 năm gần đây, xã Thạnh Lộc có khoảng 161 ha đất lúa được nông dân chuyển sang trồng chuyên canh mít Thái. Diện tích loại cây trồng này tiếp tục được mở rộng bất chấp cảnh báo của địa phương về hệ lụy cung vượt cầu và toàn bộ diện tích nằm ngoài ô bao ngăn lũ. Lý do nông dân “quay lưng” với cây lúa là do giá lúa bấp bênh, lợi nhuận thấp.

Năm 2017, nông dân Hồ Thanh Hồng (ấp 2, xã Thạnh Lộc) quyết định cải tạo 0,6 ha vườn tạp trồng mít Thái. Khi thấy lợi nhuận từ trồng mít Thái cao hơn lúa, sau vụ đông xuân 2019 - 2020, ông quyết định lên liếp 1 ha đất ruộng để chuyển sang trồng chuyên canh mít Thái. “Với 0,6 ha trồng mít, mỗi tuần tôi thu nhập khoảng 3 triệu đồng. Giá mít dù có biến động nhưng vẫn cho thu nhập cao hơn so với trồng lúa” - ông Hồng phấn khởi.

Diện tích ruộng đã được chuyển đổi thành vườn chuyên canh mít Thái ở ấp Phú Tiểu, xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy.
Diện tích ruộng đã được chuyển đổi thành vườn chuyên canh mít Thái ở ấp Phú Tiểu, xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy.

Ngoài nguồn lợi kinh tế, việc cơ giới hóa trong canh tác và thu hoạch lúa cũng là nguyên nhân làm cho diện tích chuyển đổi đất ruộng thành vườn trồng cây ăn trái liên tục tăng.

“Khâu thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp sẽ rất khó khăn nếu mảnh ruộng liền kề đã được nông dân chuyển thành vườn trồng cây ăn trái. Chưa kể, nạn chuột, bọ phá hoại, mùa màng thất bát do mực nước lũ thấp. Mấy năm nay, khu vực này nông dân đã chuyển đổi đất trồng lúa thành vườn nên mình cũng phải chuyển đổi theo” - nông dân Nguyễn Văn Bằng (ấp Phú Hòa, xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy) lý giải.

Sau vụ đông - xuân 2018 - 2019, ông Bằng thuê cơ giới cải tạo 1,2 ha đất trồng lúa chuyển sang trồng gần 1.300 cây mít Thái.       

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cai Lậy, từ năm 2016 đến nay, toàn huyện có gần 1.600 ha đất trồng lúa được nông dân chuyển sang trồng cây ăn trái. Có khoảng 70% diện tích chuyển đổi không đúng quy hoạch, chủ yếu là diện tích đất lúa phía Bắc Quốc lộ 1; trong đó, có 1.140 ha trồng mít, 390 ha trồng sầu riêng, còn lại là các loại cây trồng khác.

ỨNG PHÓ VỚI HẠN, MẶN

Sau đợt hạn, mặn mùa khô năm 2019 - 2020, câu chuyện chuyển đổi cơ cấu cây trồng “nóng” dần với nông dân các xã phía Nam Quốc lộ 1 - vùng chuyên canh cây ăn trái của huyện Cai Lậy. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, hạn, mặn đã ảnh hưởng hơn 4.600 ha sầu riêng; trong đó, gần 1.356 ha bị thiệt hại từ 30% - 70%, hơn 3.300 ha thiệt hại trên 70%.

Khôi phục sản xuất sau hạn, mặn, cùng với hy vọng về một mùa vụ mới, nông dân vẫn loay hoay với bài toán chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đảm bảo nguồn lợi kinh tế. Nhiều nông dân đã quyết định chọn các giống cây ngắn ngày hoặc cây trồng mới thay thế cây sầu riêng.  

Nằm cặp tuyến sông Bà Rài, Hội Xuân là một trong những xã chịu ảnh hưởng nặng nề của xâm nhập mặn ở huyện Cai Lậy. Trước đây, 1 ha sầu riêng của ông Võ Văn Mười (ấp Xuân Sắc) cho lãi khoảng 1 tỷ đồng/năm. Hạn, mặn đi qua, 80% diện tích vườn cây đã không còn khả năng hồi phục. Khi những cơn mưa đầu mùa xuất hiện, ông Mười quyết định đốn bỏ toàn bộ diện tích vườn cây suy kiệt và trồng vào mãng cầu na Thái.

 Vợ chồng ông Võ Văn Mười (ấp Xuân Sắc, xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy) với vườn mãng cầu Na Thái vừa trồng mới.
Vợ chồng ông Võ Văn Mười (ấp Xuân Sắc, xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy) với vườn mãng cầu na Thái vừa trồng mới.

Ông cho biết: “Tôi đã đi tham quan ở tỉnh Vĩnh Long, nông dân bên đó cho biết mãng cầu na Thái cho thu hoạch chỉ sau 14 - 20 tháng trồng, giống cây này cũng chịu mặn tốt hơn”.

Tương tự, nông dân Nguyễn Văn Giàu (ấp Hòa Điền, xã Hội Xuân) đã quyết định đốn bỏ 0,2 ha vườn sầu riêng suy kiệt và tiếp tục mở rộng diện tích trồng mít Thái. “Cây mít không kén đất, thời gian thu hoạch ngắn. Cao điểm giá mít Thái hơn 50.000 đồng/kg, nông dân thu lãi rất cao. Nhưng dù giá mít có giảm còn 10.000 đồng/kg, nông dân vẫn có lãi” - ông Giàu nói.

HƯỚNG ĐI NÀO CHO NÔNG DÂN?

Trong năm 2020, nông dân huyện Cai Lậy tiếp tục cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hơn 3.300 ha vườn cây ăn trái. Đến nay, toàn huyện có khoảng 15.000 ha vườn cây ăn trái, tập trung ở các xã phía Nam Quốc lộ 1. Những năm qua, chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã mở hướng phát triển kinh tế cho nông dân. Tuy nhiên, việc chuyển đổi không theo quy hoạch hoặc chuyển đổi theo phong trào một số loại cây trồng tiềm ẩn nguy cơ về thị trường tiêu thụ.

Ông Hồ Thanh Hồng (ấp 2, xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy) bên vườn mít đang cho thu hoạch.
Ông Hồ Thanh Hồng (ấp 2, xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy) bên vườn mít đang cho thu hoạch.

Điển hình, cây mít không được chọn là cây trồng chủ lực của huyện nhưng khả năng thích nghi cao, cho thu hoạch sau 2 năm trồng, chi phí sản xuất thấp nên được nhiều nông dân lựa chọn để chuyển đổi. Theo thống kê, toàn huyện có hơn 3.300 ha mít Thái được nông dân trồng chuyên canh và xen canh.

Tuy nhiên, việc trồng tràn lan, không theo hướng dẫn và quy hoạch sử dụng đất là rào cản cho công tác quy hoạch vùng chuyên canh và gây khó khăn trong công tác chống lũ, chống tràn bảo vệ sản xuất trong thời gian tới. Nguy cơ phá vỡ cơ cấu cây trồng cũng đang hiện hữu trước mắt. 

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cai Lậy, hiện nay chủ trương chuyển đổi đất ruộng sang trồng cây ăn trái chỉ được thực hiện ở các xã phía Nam Quốc lộ 1 và diện tích trồng lúa nằm giữa Quốc lộ 1 với đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Địa phương cũng đã khuyến cáo nông dân khi chuyển đổi phải lựa chọn cây trồng, cơ cấu giống, thời vụ, kỹ thuật chăm sóc, thâm canh phù hợp để đảm bảo hiệu quả kinh tế cao, ổn định và bền vững.

Trước diễn biến bất thường của thời tiết và thị trường tiêu thụ, nông dân đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng để đảm bảo nguồn lợi kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề đầu ra cho nông sản, tình trạng cung vượt cầu, dẫn đến điệp khúc “trồng, chặt” là câu chuyện chưa bao giờ cũ. Để nông dân không đơn độc, chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần vào cuộc quyết liệt hơn trong hỗ trợ, định hướng chuyển đổi cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu và vùng chuyên canh, phát huy lợi thế của từng vùng, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị.

TRƯỜNG GIANG

 

.
.
.