Thứ Năm, 07/01/2021, 09:08 (GMT+7)
.

Đường băng mới cho Đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 4-1, 2 sự kiện quan trọng diễn ra mở thêm cánh cửa mới cho vùng đất trù phú tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Khoảng 21 triệu dân trong vùng cùng lúc đón chào sự kiện khởi công cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, do đích thân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.

Đây có lẽ là niềm vui chung cho người dân ĐBSCL sau bao năm chờ đợi. Bởi khi đường thông sẽ “khơi thông” nhiều thứ khác sau nhiều năm bị “nghẽn”. Đó là niềm vui lớn, bởi cách đây khoảng 10 năm, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư và phát triển ĐBSCL diễn ra tại TP. Cần Thơ, nhiều “điểm nghẽn” cần được khai thông nếu muốn ĐBSCL cất cánh.

Một trong những điểm đáng chú ý nhất đã được các chuyên gia, nhà khoa học đưa ra tại hội nghị này là ách tắc trong hạ tầng giao thông. Bởi sau một thời gian dài, ĐBSCL vẫn được xem là vùng trũng trong kết nối giao thông huyết mạch, nhất là hệ thống giao thông mang tính nội vùng và liên vùng.

Nhiều dự án đầu tư hạ tầng giao thông góp phần giúp ĐBSCL cất cánh.
Nhiều dự án đầu tư hạ tầng giao thông góp phần giúp ĐBSCL cất cánh.

Vậy mà, chỉ sau 10 năm, hạ tầng giao thông ĐBSCL đã khoác lên mình một diện mạo mới. Sau hàng loạt cây cầu bắc qua sông Hậu, sông Tiền được đầu tư xây dựng như Rạch Miễu, Cần Thơ, Vàm Cống, Cao Lãnh…, hệ thống giao thông kết nối giữa các tỉnh, thành cũng dần hoàn thiện tạo thêm động lực mới cho ĐBSCL.

Điểm đáng chú ý nhất là đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được gấp rút thi công, được kết nối tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, chuẩn bị hình thành tuyến đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ và dự kiến tiếp tục triển khai đoạn Cần Thơ - Cà Mau theo quy hoạch. Việc hình thành tuyến đường cao tốc này không chỉ giảm tải cho tuyến Quốc lộ 1, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh các tỉnh vùng ĐBSCL và cả nước.

Không chỉ tuyến cao tốc về ĐBSCL mà nhiều tuyến giao thông mang tính chiến lược khác cũng sẽ được triển khai. Cụ thể hóa mục tiêu phát triển ĐBSCL, nhất là hạ tầng giao thông, ngày 18-8-2020, Văn phòng Chính phủ phát đi Thông báo 304 nêu rõ kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tán thành với các địa phương và các bộ, ngành về việc sớm hoàn thiện Quy hoạch phát triển vùng ĐBSCL giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã trình Chính phủ kế hoạch đầu tư 7 tuyến đường bộ cao tốc, với tổng vốn đầu tư 64.554 tỷ đồng, trong đó nhu cầu vốn trong giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 37.272 tỷ đồng, bao gồm các đoạn: Cần Thơ - Cà Mau, Chơn Thành - Đức Hòa, Đức Hòa - Mỹ An, Mỹ An - Cao Lãnh, An Hữu - Cao Lãnh (thuộc tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh), Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu.

Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vùng ĐBSCL sẽ hình thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông và phía Tây cùng với 3 tuyến cao tốc khu vực phía Nam (Bạc Liêu - Rạch Giá - Hà Tiên, Cần Thơ - Cà Mau và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng), với tổng chiều dài khoảng 998 km… Một chặng đường mới chắc chắn sẽ mở ra khi các tuyến đường giao thông huyết mạch của ĐBSCL chính thức đi vào hoạt động.

Tất nhiên, muốn ĐBSCL “thay da, đổi thịt” không chỉ tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, mà còn dựa trên nhiều phương diện khác. Nhìn ở khía cạnh khác, các chuyên gia cũng đưa ra khuyến nghị là ĐBSCL cần có một tư duy mới hơn cho chặng đường sắp tới với mục tiêu phát triển ổn định và bền vững.

Tại Hội thảo về “Thông điệp cốt lõi của Kế hoạch ĐBSCL nhằm hỗ trợ cho Nghị quyết 120 của Chính phủ” do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đại sứ quán Hà Lan phối hợp cùng Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tại Việt Nam và Trường Đại học Cần Thơ tổ chức tại TP. Cần Thơ gần đây, các chuyên gia đã đưa ra một số điểm chung cho ĐBSCL.

Nhìn từ thực tiễn và xu hướng trong tương lai, các chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra 3 chủ điểm để phát triển ĐBSCL. Thứ nhất là kiến tạo phát triển bền vững thịnh vượng ĐBSCL trên cơ sở chủ động thích ứng chuyển hóa được những thách thức, biến những thách thức thành cơ hội đảm bảo được cuộc sống ổn định, khá giả cho người dân cũng như bảo tồn được những giá trị truyền thống, văn hóa của ĐBSCL.

Thứ hai là thay đổi tư duy phát triển, chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy sản xuất nông nghiệp từ số lượng sang chất lượng gắn với chuỗi giá trị; từ sản xuất nông nghiệp hóa học sang nông nghiệp hữu cơ và công nghệ cao, chú trọng công nghệ chế biến công nghiệp hỗ trợ gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp.

Thứ ba là tôn trọng quy luật tự nhiên, lựa chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên, phát triển bền vững theo phương châm chủ động sống chung với lũ, mặn, khô hạn và phù hợp với điều kiện thực tế. Những yếu tố cốt lõi này cũng đã được các bộ, ngành, địa phương cụ thể hóa trong từng chương trình, dự án đầu tư trong chặng đường tới.

Nhìn từ thực tiễn những năm qua, song hành với mạng lưới giao thông, giải pháp cải thiện sinh kế phát huy hiệu quả, việc thu hút đầu tư cho khu vực ĐBSCL cũng đã tạo nên nét son mới. Động lực mới để ĐBSCL cất cánh cũng đã bắt đầu. Vùng đất trù phú, đứng đầu cả nước về sản lượng lương thực, thủy sản, trái cây… hứa hẹn sẽ tăng tốc nhanh chóng…

T.T

.
.
.