.

Chia sẻ về giá trị mới để cùng phát triển nông nghiệp ĐBSCL đúng hướng

Cập nhật: 21:52, 18/02/2021 (GMT+7)

Qua buổi trao đổi với lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 13 địa phương Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) dịp đầu năm mới, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã “gợi mở” những vấn đề nông nghiệp của vùng để cùng nhau tìm cách đưa ngành này đi... đúng hướng.

Nông dân thu hoạch mít để xuất khẩu. Ảnh: Trung Chánh
Nông dân thu hoạch mít để xuất khẩu. Ảnh: Trung Chánh

Mở đầu phát biểu tại buổi làm việc diễn ra ở TP Cần Thơ vào hôm nay, 18-2, ông Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dẫn câu chuyện nhà vua yêu cầu một vị quan đại thần tìm một vật có đặc điểm “khi buồn nhìn vào thấy vui, nhưng khi vui nhìn vào thấy buồn”.

Qua 6 tháng tìm kiếm, vị quan đại thần đã dâng lên vua chiếc nhẫn có khắc dòng chữ “rồi mọi chuyện nó sẽ qua”, tức hàm ý vui rồi cũng sẽ qua hay đối mặt với những khó khăn, buồn rồi cũng phải có giải pháp vượt qua hay nói cách khác không thể mãi chìm đắm trong thắng lợi hoặc thất bại.

Từ câu chuyện ở trên, ông Hoan nói rằng: “Tôi có cảm giác, ngành nông nghiệp ĐBSCL cũng giống như vậy, tức hết một năm được mùa được giá thì vui, nhưng rồi cũng sẽ qua; không chừng năm sau đó lại rơi vào cảnh mất giá, rồi lại buồn”. Đây là hai trạng thái vốn xảy ra liên tục đối với ngành nông nghiệp ở ĐBSCL thời gian qua.

Hay tại một hội nghị cách đây 3 năm, theo ông Hoan, trước hội nghị ông có bài viết đề cập “điểm nghẽn” của nông nghiệp Việt Nam, đó là nông dân có tư duy mùa vụ; doanh nghiệp thì tư duy thương vụ và chính quyền thì tư duy nhiệm kỳ, tức tất cả mọi người đều có suy nghĩ ngắn hạn.

“Tôi muốn nói điều đó để nhấn mạnh với các giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của 13 địa phương ĐBSCL ngồi đây rằng ngành nông nghiệp chúng ta không thể loay hoay hết hè thu đến thu đông, hết thu đông đến đông xuân và hết đông xuân lại hè thu mãi như vậy”, ông cho biết và gợi mở, vấn đề của ĐBSCL không thể “giải quyết” từng mùa vụ, mà phải có chiến lược phát triển đồng bộ cho Đồng bằng.

Nói về hệ sinh thái của vùng ĐBSCL, ông Hoan dẫn bài viết “Cứu con cua đồng” được báo chí đề cập cách đây 3 tháng với đại ý ngày xưa khi vào mùa lũ, ở ĐBSCL cua rất nhiều, nhưng ngày nay hầu như không còn nữa. “Mình cứ nghĩ do con vật sinh sôi, nẩy nở không kịp, nhưng rõ ràng hệ sinh thái của ĐBSCL đã bị làm "biến dạng" vì lạm dụng vật tư trong quá trình phát triển nông nghiệp”, ông cho biết.

Ông Hoan gợi ý, mục tiêu của ngành nông nghiệp là phải đạt mục tiêu kép, tức vừa phát triển nhưng phải tiếp tục giữ được hệ sinh thái. “Phân, thuốc đi đâu?”, ông nêu câu hỏi và nhấn mạnh: “Rõ ràng nó xuống đất, theo dòng nước đi ra ao hồ, sông ngòi”.

Như vậy, theo ông Hoan, cần phải vừa nghĩ trong ngắn hạn cho tăng trưởng, nhưng phải chuẩn bị có tầm nhìn dài hạn cho phát triển bền vững. “Bền vững tức chúng ta sống ngày hôm nay, nhưng thế hệ con cháu vẫn còn đất, vẫn còn đủ chất dinh dưỡng, sông ngòi vẫn còn đảm bảo thì đó mới gọi là bền vững”, ông nói.

Một điểm lưu ý khác, theo ông Hoan, đó là nền nông nghiệp đang ở trong giai đoạn của thời kỳ cuộc cách mạng 4.0, chứ không phải là nông nghiệp truyền thống, tức nông nghiệp sẽ kéo theo nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp số. “Chính những giá trị mới đó nó sẽ làm “bật dậy” sức sống của đồng bằng”, ông nhấn mạnh và cho rằng, nếu cứ năng xuất, sản lượng, thì đồ thị phát triển nông nghiệp sẽ nằm ngang, chứ không thẳng đứng lên được…

Ông Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Trung Chánh
Ông Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Trung Chánh

Trước đó, ông Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ thì cho rằng, ĐBSCL đã dựa vào nông nghiệp, vào cây lúa quá lâu. Điều này, dẫn đến thua thiệt khi so sánh với những địa phương/vùng miền khác.

Theo ông Mạnh, ở một số địa phương, khi thu hút được 1-2 nhà máy sản xuất công nghiệp lớn đã đóng góp cho ngân sách hàng ngàn tỉ đồng, có được nguồn lực dư thưa để đầu tư cho y tế, giáo dục, hạ tầng…

Chính vì thế, ông Mạnh cho rằng, hệ quả của phụ thuộc quá lớn vào nông nghiệp, đó là người dân sẽ tiếp tục di cư ra khỏi vùng. “Với bối cảnh đó, chúng ta phải cân nhắc lại, chọn cái gì? làm đến đâu? Nếu chúng ta cứ ráng sức làm tất cả, thì chắc chắn sẽ tiếp tục sa lầy, bà con sẽ tiếp tục di cư”, ông cho biết.

“Bây giờ nhiệm vụ chúng ta làm cái gì?”, ông Hoan nêu câu hỏi và cho rằng, nhiệm vụ là phải “giải mã” và hiện thực hoá được nội dung trong văn kiện Đại hội XIII, đó là thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, kinh tế nông thôn hướng đến nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh. Gắn kết chặt chẽ giữa nông nghiệp và công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, xây dựng tạo ra giá trị gia tăng trong chuỗi ngành hàng.

Theo ông Hoan, tại An Giang, trong quá trình chuẩn bị Đại hội vừa qua, địa phương này đã hợp tác với trường Đại học Fulbright để xây dựng định hướng phát triển An Giang, trong đó, có đưa ra khái niệm là xây dựng các cụm liên kết ngành. “Bây giờ chúng ta cũng phải tiến tới như vậy, chứ nếu chúng ta cứ bán nông sản thô, thì sẽ đầy rẫy những rủi ro”, ông nói và cho rằng, cần phải có cụm liên kết ngành để tạo ra giá trị đột biến, hình thành nông nghiệp tuần hoàn…

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.