.

Chuyện làm giàu của 2 nông dân huyện Cai Lậy

Cập nhật: 13:58, 13/03/2021 (GMT+7)

Từ phong trào thi đua Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi đã xuất hiện nhiều nông dân vượt khó, vươn lên làm giàu. Anh Trần Tiến Lên (xã Mỹ Long) và anh Nguyễn Văn Hòa (xã Phú Nhuận), huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, là những nông dân điển hình như thế.

LÀM GIÀU TỪ CÂY SẦU RIÊNG

Anh Trần Tiến Lên, hội viên Hội Nông dân xã Mỹ Long, là một nông dân cần cù chịu khó trong lao động. Năm 2004, anh Lên cải tạo 8.000 m2 đất vườn tạp để trồng cam, những năm đầu thu hoạch cam cho hiệu quả kinh tế khá cao. Đến năm 2007, giá cam không ổn định do nhiều hộ chuyển đổi ồ ạt sang trồng cam.

Anh Trần Tiến Lên bên vườn cây sầu riêng đang trong giai đoạn xử lý ra hoa.
Anh Trần Tiến Lên bên vườn cây sầu riêng đang trong giai đoạn xử lý ra hoa.

Nhận thấy tiềm năng từ cây sầu riêng, anh Lên quyết định chuyển đổi vườn cam sang trồng sầu riêng. Giai đoạn đầu, do chưa nắm vững kỹ thuật canh tác, nên vườn sầu riêng của anh Lên bị rụng lá hàng loạt do thiếu nước ngọt.

Không nản chí, anh Lên dành nhiều thời gian nghiên cứu, đi tham quan, học tập kinh nghiệm những mô hình và cách làm hay, tham gia những lớp tập huấn về ứng dụng khoa học - kỹ thuật. Sau khi nắm vững kỹ thuật, anh Lên mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng để cải tạo lại hệ thống tưới tiêu cho vườn sầu riêng.

Sau nhiều năm chăm sóc, năm 2014, vườn sầu riêng của anh Lên cho năng suất khá cao, sau khi trừ chi phí, anh Lên thu lãi 150 triệu đồng. Đặc biệt trong năm 2019, sầu riêng có giá trên 70.000 đồng/kg, vụ này anh thu lãi khoảng 600 triệu đồng. Không chỉ vậy, năm 2020, anh Lên còn trồng gấc cho thu hoạch mỗi tuần đạt trên dưới 300 kg, thu lãi khoảng 4 triệu đồng.

Đồng thời, anh Lên tận dụng diện tích quanh nhà chăn nuôi thêm 500 con vịt, thu lãi khoảng 90 triệu đồng. “Muốn tăng thu nhập phải có quyết tâm vượt khó, biết kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi, cũng như tận dụng tối đa thời gian canh tác với phương pháp lấy ngắn nuôi dài thì mô hình sản xuất mới mang lại hiệu quả kinh tế cao” - anh Lên chia sẻ.

Bên cạnh việc vươn lên làm giàu chính đáng, anh Lên còn tích cực hướng dẫn nông dân nhiều cách làm hay, hiệu quả và đề xuất với Hội Nông dân xã hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để có điều kiện sản xuất, buôn bán nhỏ, nhằm ổn định đời sống gia đình. Qua những kết quả đạt được, những năm qua, anh Trần Tiến Lên đạt danh hiệu Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp.

NÂNG CAO THU NHẬP TỪ TRỒNG MÍT

Anh Nguyễn Văn Hòa, hội viên Chi hội Nông dân ấp Phú Hòa (xã Phú Nhuận), là một nông dân cần cù lao động. Ban đầu, gia đình anh Hòa canh tác trên 1 ha đất ruộng trồng 3 vụ lúa/năm, nhưng kinh tế gia đình vẫn gặp nhiều khó khăn do năng suất lúa thấp, bán không được giá. Đứng trước tình cảnh khó khăn của gia đình, năm 2005 anh Hòa quyết định trồng thử nghiệm 2.000 m2 mít.

Anh Nguyễn Văn Hòa và vườn mít đạt năng suất cao.
Anh Nguyễn Văn Hòa và vườn mít đạt năng suất cao.

Những năm đầu chuyển đổi, anh Hòa gặp rất nhiều khó khăn trong việc chọn giống và chăm sóc cây mít. Sau đó, anh Hòa tích cực nghiên cứu tài liệu, học hỏi kinh nghiệm từ những nông dân đi trước và tham quan nhiều mô hình kiểu mẫu. Nhờ vậy, mô hình trồng mít của anh Hòa đạt hiệu quả cao, quy mô trồng mít cũng từ đó ngày càng được mở rộng.

Sau nhiều năm sản xuất, chăn nuôi, quyết tâm vươn lên làm giàu, vợ chồng anh đã có được 1,5 ha đất ruộng canh tác lúa cho năng suất lúa mỗi năm khoảng 33 tấn, sau khi trừ chi phí, thu lãi khoảng 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, với 8.000 m2 đất vườn trồng mít, mỗi năm anh thu khoảng 50 triệu đồng. Đồng thời, tận dụng đất vườn còn trống, anh Hòa xây chuồng trại để chăn nuôi heo, trung bình mỗi tháng xuất chuồng 10 con heo. Tính riêng trong năm 2020, anh thu lãi khoảng 360 triệu đồng.

Qua những kết quả đạt được, những năm qua, anh Nguyễn Văn Hòa đạt danh hiệu Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp xã, huyện. “Làm gì cũng cần có quyết tâm và kiên trì, nếu không sẽ khó thành công".

LÊ MINH

.
.
.