.

Tiền Giang đi lên cùng Đồng bằng sông Cửu Long

Cập nhật: 09:16, 12/03/2021 (GMT+7)

Sau hơn 3 năm kể từ ngày Nghị quyết 120 ngày 17-11-2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ra đời (gọi tắt là Nghị quyết 120) diện mạo ĐBSCL đã có bước chuyển mình đáng kể. Từ đó, vị thế của ĐBSCL cũng được chuyển động theo hướng tích cực hơn.

Nằm trong dòng chảy chung của khu vực ĐBSCL, Tiền Giang cũng đang bước tiếp chặng đường mới với nhiều gam màu sáng.

XÁC ĐỊNH “KỊCH BẢN”

Nằm trong bức tranh chung, Tiền Giang cũng đã và đang lựa chọn từng bước đi cho phù hợp. Theo đó, định hướng chiến lược phát triển được đề ra trong Kế hoạch 96 ban hành ngày 28-3-2019 của UBND tỉnh Tiền Giang nhằm thực hiện Nghị quyết 120 cũng nhằm hướng đến câu chuyện tương lai của Tiền Giang trong xu thế chung của vùng ĐBSCL.

Trên nền tảng chung của ĐBSCL, Tiền Giang cũng đã xác định các “kịch bản” phát triển cho chặng đường tới. Đó là phải dựa trên cơ sở lấy con người làm trung tâm, phục vụ người dân, giảm khoảng cách giàu nghèo; chú trọng về chất lượng hơn số lượng, chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu. Đó là xác định biến đổi khí hậu và nước biển dâng là xu thế tất yếu, phải sống chung và thích nghi, phải biến thách thức thành cơ hội. Đó là việc chuyển đổi mô hình phát triển dựa trên hệ sinh thái, đảm bảo phù hợp với điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, con người và các quy luật tự nhiên. Ngoài ra, tăng cường hợp tác liên kết phát triển giữa các địa phương trong vùng ĐBSCL.

Tiền Giang đã khoác lên mình diện mạo mới. Ảnh: Minh Thành
Tiền Giang đã khoác lên mình diện mạo mới. Ảnh: Minh Thành

Để định hướng phát triển này đi vào thực chất và hiệu quả, UBND tỉnh Tiền Giang đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương cụ thể hóa theo từng mục tiêu chung. Chẳng hạn, ngành Nông nghiệp Tiền Giang được dự báo sẽ chịu tác động nặng do biến đổi khí hậu nên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang được giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Đề án Cắt vụ chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang đến năm 2025; điều chỉnh Quy hoạch phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và các quy hoạch sản phẩm ngành Nông nghiệp; trong bối cảnh mới, đảm bảo giảm nhẹ thiệt hại khi có thiên tai, chủ động ứng phó với kịch bản bất lợi nhất.

Chưa kể, ngành Nông nghiệp cũng phải xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu gắn liền với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới để phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL theo hướng bền vững, hiện đại, hiệu quả cao. 

Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang cần rà soát điều chỉnh định hướng phát triển nông nghiệp phù hợp với các tiểu vùng sinh thái gắn với 3 nhóm sản phẩm chủ lực là cây ăn quả - thủy sản - lúa gạo phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển nông nghiệp toàn vùng ĐBSCL trong tình hình mới; giảm diện tích trồng lúa và các cây trồng sử dụng nhiều nước ngọt nhưng giá trị thương mại thấp; khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái…

HIỆU ỨNG TÍCH CỰC

Nhìn một cách tổng thể, Nghị quyết 120 của Chính phủ đã và đang mang lại nhiều hiệu ứng tích cực. Điển hình nhất là sự chuyển biến mạnh mẽ trên lĩnh vực nông nghiệp. Bắt đầu câu chuyện về sản xuất nông nghiệp, ông Nguyễn Thanh Phong, xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) cho rằng, ngành Nông nghiệp nói chung, người trồng sầu riêng nói riêng, đã có chuyển biến rất đáng kể. Điểm đáng chú ý nhất là thu nhập của nông dân, nhiều ngôi nhà mới khang trang, diện mạo nông thôn cũng thay đổi.

“Trong điều kiện bình thường, với chừng 0,5 ha sầu riêng khoảng 7 năm tuổi, nếu trúng mùa trúng giá, người trồng có thể thu nhập hơn 1 tỷ đồng mỗi năm. Năm vừa qua, do tác động của hạn, mặn, nên thu nhập của người trồng sầu riêng bị ảnh hưởng chút ít nhưng vẫn ổn định được cuộc sống”- ông Phong cho biết.

Đời sống người nông dân cũng có nhiều thay đổi.
Đời sống người nông dân cũng có nhiều thay đổi.

Nhiều mô hình chuyển đổi, thích ứng với biến đổi khí hậu và điều kiện bất thường của thời tiết theo tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ đã được ngành Nông nghiệp triển khai và mang lại hiệu ứng tích cực. Đánh giá trên phương diện tổng thể về thành tựu của ngành Nông nghiệp, tại hội nghị gần đây, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Gíng Nguyễn Văn Mẫn cho rằng, trong thời gian qua, từng chuyên ngành, lĩnh vực, sản phẩm có lợi thế và thị trường thuận lợi trong ngành Nông nghiệp đã góp phần tăng nhanh về diện tích, tổng đàn, năng suất, sản lượng, chất lượng và đóng góp vào tăng trưởng của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 3,7%/năm; tỷ trọng khu vực nông, lâm ngư nghiệp chuyển dịch đúng hướng theo xu hướng giảm dần trong cơ cấu kinh tế toàn tỉnh, năm 2015 chiếm 46%, đến năm  2020 chỉ đạt hơn 37%.

Hiện nay, khu vực nông, lâm ngư nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và là nền tảng cho công nghiệp, dịch vụ phát triển. Từ đời sống ổn định của người dân cùng với nguồn lực của Nhà nước và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh, công cuộc xây dựng nông thôn mới đã phát triển mạnh mẽ, có chất lượng.

Một trong những dấu ấn khác và gắn kết với thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ chắc chắn liên quan đến hiệu ứng từ đầu tư hạ tầng giao thông của Tiền Giang. Đó là nhiệm vụ cũng là quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Tiền Giang nhằm mang đến sự tiện ích cũng như góp phần nâng cao đời sống người dân.

Kết quả rõ nét, theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải, thời gian qua, tỉnh đã đầu tư nâng cấp nhiều tuyến đường giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh như: Tuyến tránh Quốc lộ 1 qua TX. Cai Lậy, đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chuẩn bị đưa vào sử dụng vào năm 2021, mở rộng song hành 4 cầu hẹp trên Quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh; mở mới tuyến đường tỉnh 878 kết nối Khu công nghiệp Đông Nam Tân Phước, đường dọc sông Tiền (từ thị trấn Cái Bè đến cầu Mỹ Thuận), đường tỉnh 871B kết nối vùng công nghiệp phía Đông, tuyến tránh đường tỉnh 868, tuyến tránh thị trấn Tân Tây... và các cầu lớn kết nối 3 vùng kinh tế đô thị của tỉnh như cầu Long Hưng, cầu Bình Xuân, cầu Ngũ Hiệp, cầu Vàm Trà Lọt…

Xây dựng kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu nói riêng và chiến lược phát triển để ứng phó với các vấn đề nội tại trong bức tranh chung của ĐBSCL là vấn đề mang tính cấp bách đối với từng tỉnh, thành trong vùng và tất nhiên trong đó có Tiền Giang. Chính vì thế, sau khi Nghị quyết 120 của Chính phủ ra đời đã tạo nên bước tiến mới cho ĐBSCL trước nhiều thời cơ và thách thức đan xen và điểm mấu chốt cho câu chuyện tương lai của Tiền Giang là thực hiện các “kịch bản” thích ứng với biến đổi khí hậu nói riêng và những nội tại của vùng ĐBSCL.

T.T

.
.
.