.

Đi chợ thời 4.0

Cập nhật: 09:05, 08/03/2021 (GMT+7)

Với sự phát triển của thương mại điện tử, đặc biệt là tác động của dịch bệnh Covid-19, nhiều người đã chọn mua hàng online để đảm bảo an toàn cũng như tiết kiệm thời gian.

TIỆN DỤNG

Hình thức mua bán hàng qua mạng đang ngày càng phổ biến, đã dần thay đổi thói quen người tiêu dùng. Đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, thời gian qua nhiều ứng dụng mua hàng trực tuyến được ra đời, với nhiều mặt hàng phong phú như: Hàng điện tử, mỹ phẩm, quần áo, đến các mặt hàng thiết yếu hằng ngày như rau, thịt, cá… Các ứng dụng cho phép người dùng mua các mặt hàng qua các app trên điện thoại. Khi mua sắm với dịch vụ này, người tiêu dùng chỉ cần ngồi tại nhà tra cứu thông tin từ tên, nguồn gốc, giá cả, thương hiệu… hàng hóa cần mua. Sau khi đặt mua, hàng hóa sẽ được giao nhanh chóng đến tận nhà. Chị Lê Thị Thùy Dương (phường 6, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) cho biết, việc mua sắm online giúp chị tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Chỉ cần tranh thủ 10 phút để đặt thực phẩm, sau đó shipper sẽ giao đến nhà theo thời gian mình mong muốn.

Các ứng dụng bán hàng online cung cấp đa dạng các loại sản phẩm.
Các ứng dụng bán hàng online cung cấp đa dạng các loại sản phẩm.

Ngoài những kênh mua sắm online thông dụng hiện nay, thời gian gần đây mua bán hàng qua mạng xã hội Zalo, Facebook cũng rất phổ biến. Chợ online trên mạng xã hội cũng sôi động, phong phú mặt hàng không kém những kênh phân phối qua mạng. Ngoài sự tiện lợi, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, mẫu mã đa dạng, việc đi chợ online là một giải pháp cần thiết, an toàn trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Nắm bắt xu hướng tiêu dùng trong mùa dịch, nhiều đơn vị bán lẻ lớn như: Big C, Co.opmart, Bách Hóa Xanh… đã đẩy mạnh hình thức bán hàng qua mạng, giao hàng tận nơi. Chị Nguyễn Thị Lan Anh (phường 5, TP. Mỹ Tho) cho biết: “Khi mua hàng online, tôi có thể thanh toán qua ví điện tử, Internet banking hoặc có thể trả tiền mặt khi mình nhận hàng nên rất tiện lợi và dễ dàng”.

CẦN CẨN TRỌNG

Dù có nhiều tiện lợi, song mua hàng online cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro vì người mua không thể “nhìn tận mắt, sờ tận tay”. Do đó, người mua khó biết được chất lượng hàng hóa. Rủi ro người tiêu dùng thường gặp nhất là hàng hóa nhận được không giống như đã quảng cáo. Chị Trần Thị Xuân Nhi (TP. Mỹ Tho) cho biết: “Trước đây, tôi có đặt mua 1 chiếc váy trên Facebook, sản phẩm được quảng cáo rất đẹp, bắt mắt. Tuy nhiên, lúc nhận hàng, tôi chủ quan không mở gói hàng ra kiểm tra. Khi người giao hàng vừa đi, tôi mới “tá hỏa” khi mở gói hàng ra thấy chiếc váy không đúng như quảng cáo, chất liệu vải không tốt, nhiều chỗ còn bị bung chỉ”. Còn chị Thùy Dương thường xuyên mua hàng online cho biết: “Tôi cũng nhiều lần mua phải những thực phẩm như: thịt, cá… không được tươi, nhiều loại trái cây còn xanh chưa được chín đều. Vì thế, giờ đây trước khi mua mặt hàng nào đó, tôi đều tìm hiểu  kỹ các thông tin sản phẩm, nhà cung cấp có uy tín, đảm bảo chất lượng”.

Theo đại diện Đoàn kiểm tra liên ngành Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Tiền Giang, để đấu tranh, xử lý tình trạng vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử, thời gian tới, cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng mức xử phạt để đủ tính răn đe. Đặc biệt là quy trách nhiệm rõ ràng đối với các dịch vụ chuyển phát nhanh. Bên cạnh đó, các ngành chức năng phải tăng cường công tác tuyên truyền để người tiêu dùng nhận biết hàng thật - hàng giả, từ đó có kiến thức tự bảo vệ mình trong việc lựa chọn hàng hóa…

Theo đại diện Đoàn kiểm tra liên ngành Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Tiền Giang, lợi dụng nhiều người sử dụng Internet để kinh doanh, buôn bán hàng online nên một số người đã lợi dụng để buôn bán hàng giả, kém chất lượng. Trong năm 2020, Đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 12 vụ vi phạm, thu phạt 300 triệu đồng. Hành vi vi phạm chủ yếu như thiết lập website thương mại điện tử bán hàng mà không thông báo với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định…

Và thực tế cho thấy, công tác đấu tranh, xử lý các vi phạm này gặp không ít khó khăn. Cụ thể, nhiều địa chỉ bán hàng online khai báo thông tin, đăng ký hoạt động kinh doanh không chính xác về nhân thân và địa chỉ, không có cửa hàng và chỉ hoạt động tại nơi ở. Mặt khác, các đối tượng dùng hàng thật để livestream bán hàng, nhưng khi bán cho người mua là hàng kém chất lượng, hàng giả. Vì thế, các đối tượng thường giả mạo thông tin đăng ký tài khoản mạng xã hội, diễn đàn mua bán, thông tin chủ tài khoản tại ngân hàng…

Các ngành chức năng khuyến cáo, để tránh những rủi ro khi mua hàng online, người tiêu dùng cần mua hàng ở những trang web uy tín, được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng. Người dân cần tìm hiểu kỹ về các điều kiện và điều khoản của trang web, đặc biệt là những điều khoản về bảo hành, trả lại hàng, hoàn tiền, giao nhận. Khi nhận hàng, người dùng cũng phải kiểm tra kỹ hàng hóa rồi mới thanh toán tiền…

NGỌC AN

.
.
.