.

Khi cựu chiến binh làm hợp tác xã kiểu mới

Cập nhật: 17:17, 28/03/2021 (GMT+7)

(ABO) Năng động, dám nghĩ, dám làm và hết lòng vì tập thể là phẩm chất nổi bật của Cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Thành Sơn (sinh năm 1957), Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT), Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

Tiền thân HTX Vĩnh Kim là HTX Thương mại Dịch vụ Vĩnh Kim, thành lập ngày 7-12-1998, chuyên kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp là chính. Hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, ngày 4-4-2007, HTX được củng cố, chuyển sang kinh doanh đa ngành, nghề. Về nhân sự, HTX có 5 thành viên trong HĐQT, với 55 xã viên (trong đó có 8 CCB), do CCB Nguyễn Thành Sơn gầy dựng lại.

DÁM NGHĨ, DÁM LÀM

Hơn 5 năm gắn bó với HTX, ông Nguyễn Thành Sơn luôn đau đáu, làm thế nào để HTX phát triển bền vững, xứng đáng là “hạt nhân kinh tế” của huyện Châu Thành. Chính vì vậy, ông luôn chủ động, sáng tạo trong công tác quản lý, sản xuất và điều hành hoạt động, tăng trưởng vốn quỹ của HTX.

Để HTX Vĩnh Kim phát triển như hiện nay, ông Sơn cùng với HĐQT đã từng bước thực hiện chuyển đổi mô hình HTX theo Luật HTX mới. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh do chịu sự tác động chung của nền kinh tế thị trường, nhưng HTX đã nỗ lực khắc phục những khó khăn, với phương châm: “cùng nhau lao động, cùng nhau hưởng thành quả”, không ngừng đổi mới phương thức quản lý và điều hành các khâu kinh doanh bách hóa tổng hợp, vận tải, sản xuất, đồng thời tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (trên 30 ngành nghề kinh doanh), nhằm phục vụ tốt nhu cầu sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của các hộ xã viên.

Tiêu biểu như: Chế biến và bảo quản rau quả, sản xuất đồ uống không cồn, nước khoáng, xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng, bán buôn nông sản và động vật sống, kinh doanh vận tải hàng hóa… Vốn điều lệ trên 4,8 tỷ đồng.

Đầu năm 2010, lãnh đạo HTX tiếp tục củng cố, hoàn thiện hệ thống bán lẻ, kinh doanh bách hóa tổng hợp, với tổng số vốn góp của 40 xã viên đạt gần 900 triệu đồng. Từ tháng 9-2011 đến tháng 12-2018, HTX mở thêm Trung tâm Bách hóa tại xã Mỹ Long (huyện Cai Lậy); Trung tâm Bách hóa Dưỡng Điềm (huyện Châu Thành); Trung tâm Bách hóa (huyện Tân Phước). HTX còn mở rộng thêm ngành nghề kinh doanh mua bán trái cây các loại và vận tải, với tổng góp vốn của xã viên gần 5 tỷ đồng.

“ Lúc đầu khi được vận động tham gia vào HTX tôi vẫn còn nhiều băn khoăn. Tuy nhiên, cuối cùng tôi vẫn quyết định tham gia và khi bỏ công sức, tiền bạc vào thì thấy HTX hoạt động thực sự có hiệu quả, giá cả đầu ra của sản phẩm sau khi tham gia vào HTX cũng ổn định. Nhờ vậy, kinh tế gia đình tôi càng khá hơn…” - Một nữ xã viên, thành viên HTX tâm sự.

Trong 5 năm qua, HTX Vĩnh Kim đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận trên lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đa ngành nghề như: Doanh thu của HTX năm sau cao hơn năm trước. Tổng doanh thu của HTX đạt trên 187 tỷ đồng, lãi suất từ các khâu dịch vụ đạt trên 3,4 tỷ đồng. Đóng góp ngân sách gần một tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 7 triệu/người/tháng. Chi lãi cho xã viên bính quân đạt 98,32% so với kế hoạch. Năm 2019, nguồn vốn hoạt động của HTX tăng 100,3% so với năm 2015.

b
CCB Nguyễn Thành Sơn (bên phải).

“HẠT NHÂN KINH TẾ” CỦA HUYỆN

Hơn 5 năm qua,, CCB Nguyễn Thành Sơn luôn được xã viên tin tưởng. Với tinh thần “bách chiến, bách thắng” của  "Bộ đội Cụ Hồ", cộng với có kinh nghiệm dày dặn, gắn bó với HTX, ông luôn tích cực đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, mô hình mới áp dụng vào thực tế sản xuất, kinh doanh của HTX, điển hình như mạnh dạn đưa mô hình kinh doanh HTX theo hướng đa ngành nghề và mở rộng phạm vi kinh doanh trên các lĩnh vực thiết yếu.

Cụ thể như: Ở lĩnh vực nông nghiệp, HTX tổ chức cơ sở đóng gói trái cây và cơ sở gọt dừa; thực hiện liên kết vùng nguyên liệu để đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp và tạo chuỗi giá trị ở các vùng chuyên canh trọng điểm như: Trái sa pô, dừa , bưởi da xanh, mít, sầu riêng, thanh long và vú sữa; hướng dẫn xã viên canh tác, trồng trọt theo hướng an toàn và hướng đến thực hiện VietGap, với diện tích các thành viên góp 30 ha đất trồng.

HTX hiện đang cung cấp các loại trái cây như Big C, Vinmart, Tmart… Ngoài ra, HTX còn cung cấp các loại trái cây ra các chợ truyền thống của Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh), Long Biên (TP. Hà Nội)… và các chuỗi cửa hàng chuyên bán sản phẩm sạch tại TP. Đà Nẳng, Thanh Hóa, Vĩnh Phú, Nam Định, Ninh Bình, Hải Phòng, Vinh, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Hằng năm, HTX tiêu thụ hàng ngàn tấn các sản phẩm nói trên.

Không chỉ làm tốt vai trò lãnh đạo HTX, ông Sơn cùng HTX còn tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện tại địa phương như: Giúp đỡ người nghèo, ủng hộ các địa phương gặp thiên tai bão lụt, tri ân các gia đình chính sách, đóng góp xây dựng nhà tình nghĩa, quỹ khuyến học…với số tiền gần 200 triệu đồng.

Nói về chuyện làm ăn của HTX Vĩnh Kim, đồng chí Trần Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim cho biết: “Mặc dù những năm gần đây tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, đặc biệt năm vừa rồi xảy ra dịch Covid - 19 cho đến nay, nhưng cá nhân ông Sơn cùng HTX Vĩnh Kim đã khắc phục khó khăn đảm bảo làm ăn có hiệu quả, đóng góp nhiều cho ngân sách địa phương.  HTX Vĩnh Kim hiện tại chẳng những là đơn vị đầu tàu về hoạt động kinh doanh có lãi của xã mà còn xứng đáng là “hạt nhân kinh tế” của huyện Châu Thành”.

Với những thành tích đã đạt được, HTX Vĩnh Kim nhiều năm liền được các cấp, các ngành Trung ương và tỉnh, huyện tặng thưởng nhiều danh hiệu thi đua. Cá nhân ông Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh, Liên minh HTX Tiền Giang tặng Bằng khen và Hội CCB tỉnh Tiền Giang công nhận đơn vị và cá nhân CCB đạt sản xuất giỏi năm 2020 về những đóng góp cho sự phát triển của HTX nói riêng và phong trào HTX nói chung.

Bên cạnh việc đoàn kết phát triển kinh tế, HTX Vĩnh Kim còn là điểm sáng về tham gia các phong trào hoạt động của địa phương, tích cực đóng góp công sức, tiền của làm đường giao thông nông thôn và thực hiện các tiêu chí để xây dựng nông thôn mới…

Thành công của HTX Vĩnh Kim hôm nay một minh chứng rõ nét nhất về bản lĩnh, phẩm chất anh “Bộ đội Cụ Hồ” chẳng những trên lĩnh vực bảo vệ Tổ quốc mà còn luôn vững vàng trên mặt trận lao động sản xuất, kinh doanh.

                                                               LÊ HỒNG LÂM

.
.
.