.

Khi đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp từ nông nghiệp

Cập nhật: 10:41, 17/03/2021 (GMT+7)

Phong trào thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang diễn ra sôi nổi. Nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐV-TN) đã chọn khởi nghiệp từ nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao.

NHIỀU MÔ HÌNH HIỆU QUẢ

Từ năm 2018, chị Phan Lê Thúy Vi (ấp Hưng Quới, xã Hưng Thạnh, huyện Tân Phước) đã mạnh dạn mở rộng mô hình nuôi chồn hương. Chị Vi cho biết: “Lúc đầu, tôi được người bạn giới thiệu và mua một cặp chồn hương về nuôi kiểng. Nhưng qua tìm hiểu thấy con vật này có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao nên tôi quyết định mua thêm 5 con giống về nuôi”.

Chị Phan Lê Thúy Vi thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm từ mô hình nuôi chồn hương.
Chị Phan Lê Thúy Vi thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm từ mô hình nuôi chồn hương.

Để nuôi chồn hương hiệu quả, chị Vi đã tự tìm tòi kỹ thuật chăm sóc con vật này trên Internet, báo, đài. Sau thời gian nuôi hiệu quả, chị đã phát triển đàn chồn hương lên đến 40 con giống và trưởng thành. Với giá chồn hương hiện nay từ 1,6 triệu đồng đến 1,8 triệu đồng/kg, mỗi năm chị Vi thu nhập từ bán chồn hương trên 100 triệu đồng.

Cùng ở huyện Tân Phước, những năm qua gia đình chị Trần Thị The (ấp Mỹ Hòa, xã Phước Lập, huyện Tân Phước) cũng có thu nhập khá từ trồng, ươm và mua bán cây cảnh. Theo chị The, năm 2016, chị mua một số cây cảnh về chưng trong nhà, nhưng khi thấy có nhiều người hỏi mua nên đã mạnh dạn đầu tư trồng đại trà. Đến nay, vườn ươm cây cảnh của chị The đã mở rộng lên 3 ha với 20.000 cây phôi các loại như: Linh sam, mai vàng, bông trang, bông giấy, mai chiếu thủy…

Bên cạnh đó, chị The còn thu mua cây cảnh ở các tỉnh lân cận như: Long An, Bến Tre, Đồng Tháp để bán lại cho người dân. Chị The cho biết: “Bên cạnh việc kinh doanh truyền thống, tôi còn quảng bá sản phầm trên trang mạng xã hội để tìm thêm đầu ra. Trung bình mỗi năm, tôi xuất bán hơn 5.000 cây cảnh phôi và cây trưởng thành thu lãi trên 300 triệu đồng”.

Bên cạnh mạnh dạn khởi nghiệp, các ĐV-TN còn liên kết hình thành các tổ hợp tác, câu lạc bộ (CLB) sản xuất hỗ trợ lẫn nhau, điển hình như CLB Thanh niên nuôi cá cảnh ở xã Long An (huyện Châu Thành). Theo Chủ nhiệm CLB Thanh niên nuôi cá cảnh ở xã Long An Nguyễn Hoàng Lợi, CLB được thành lập vào năm 2018 với 5 thành viên ban đầu, đến nay đã có 22 thành viên tham gia với quy mô diện tích mặt nước của các thành viên từ 200 m2 trở lên. Anh Nguyễn Hoàng Lợi cho biết: “Các thành viên trong CLB luôn sẵn sàng hỗ trợ nhau trong khâu làm con giống, kỹ thuật nuôi, đầu ra… giúp cho các thành viên mới nhanh chống ổn định và phát triển kinh tế”.

TIẾP SỨC

Dù mạnh dạn khởi nghiệp và có được những hiệu quả nhất định, nhưng các ĐV-TN khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn nhất định. Theo anh Nguyễn Hoàng Lợi, dù ĐV-TN ham học hỏi và tìm tòi những kỹ thuật mới nhưng vẫn rất cần các cơ quan chức năng hướng dẫn thêm kỹ thuật mới trong nuôi cá cảnh, nhất là các giống cá cảnh mới có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện địa phương để ĐV-TN có thể phát triển đa dạng sản phẩm và có thêm đầu ra.

Từ mô hình ươm, trồng và kinh doanh cây cảnh, mỗi năm chị Trần Thị The thu lãi khoảng 300 triệu đồng.
Từ mô hình ươm, trồng và kinh doanh cây cảnh, mỗi năm chị Trần Thị The thu lãi khoảng 300 triệu đồng.

Cùng với đó, vấn đề mở rộng đầu ra cũng được nhiều ĐV-TN quan tâm. Chị Trần Thị The cho biết: “Dù đã mở rộng bán hàng qua kênh online nhưng tôi rất mong các cơ quan chức năng có thể tạo thêm cơ hội để có thể mở rộng quảng bá sản phẩm cây cảnh của mình để có thêm đầu ra. Khi có nhiều kênh phân phối sẽ giúp cho sản phẩm của tôi không bị ép giá và mang lại nguồn thu ổn định hơn”.

Một khó khăn khác mà hầu hết ĐV-TN khi khởi nghiệp đều gặp phải là nguồn vốn. Nắm được khó khăn về vốn của các ĐV-TN, các huyện, thành, thị đoàn đã có nhiều cách làm hiệu quả, kịp thời. Phó Bí thư Huyện đoàn Tân Phước Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho biết: “Đoàn - Hội đã phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục làm hồ sơ vay vốn để giải ngân cho đoàn viên, hội viên, thanh niên, sinh viên với 643 hộ vay, tổng dư nợ 17,7 tỷ đồng. Các cơ sở Đoàn trao 24 suất vốn từ Quỹ Nghề nghiệp việc làm cho 24 ĐV-TN phát triển kinh tế. Cùng với đó, Hội Liên hiệp Thanh niên huyện đã chỉ đạo xây dựng quỹ đóng góp khởi nghiệp ở các chi hội. Theo đó, mỗi thành viên đóng góp 200 ngàn đồng/tháng để hỗ trợ vốn với lãi suất 0% cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế”.

Theo Ban Công tác Thanh niên - Tỉnh đoàn, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tổ chức nhiều chương trình, hội thảo, diễn đàn thanh niên khởi nghiệp; tập huấn xây dựng dự án khởi nghiệp cho thanh niên, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp cho lớp trẻ… Thông qua các hoạt động, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, các tổ chức Đoàn trực thuộc đã hỗ trợ 20 dự án khởi nghiệp có tính khả thi cao với tổng số vốn 600 triệu đồng. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đang tiếp tục thẩm định và giải ngân các dự án cho ĐV-TN. Cùng với đó, các cấp bộ Đoàn đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, thu hút hàng chục ngàn lượt ĐV-TN tham gia.

CAO THẮNG

.
.
.