.

Mầm xanh mới trên vùng chuyên canh cây ăn trái

Cập nhật: 09:20, 16/03/2021 (GMT+7)

Nhiều vườn chuyên canh cây ăn trái ở các huyện phía Tây bắt đầu khoác lên mình màu xanh tươi mới hơn sau khi chịu tác động khốc liệt của đợt hạn, mặn năm 2020. Những vườn sầu riêng ở xã Tam Bình, Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) chuẩn bị cho một mùa vụ mới, thắng lợi mới.

CHỒI NON NẢY NỞ

Trung tuần tháng 3, bước vào cao điểm mùa khô năm 2021, chúng tôi quay lại vùng chuyên canh cây ăn trái của các huyện phía Tây đúng 1 năm sau khi khu vực này phải hứng chịu một trong những đợt cao điểm của hạn, mặn khốc liệt mang tính toàn vùng và những thiệt hại do hạn, mặn gây ra khó đo đếm chính xác.

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra việc khoan giếng ở xã Ngũ Hiệp.
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra việc khoan giếng ở xã Ngũ Hiệp.

Trong chuyến công tác lần này, chúng tôi về xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy), dù trong cảnh nắng chói chang, oi bức của mùa khô nhưng tâm trạng của người dân ở đây có vẻ phấn khởi và an tâm hơn năm trước. Điều này cũng một phần xuất phát từ niềm vui chung khi cầu Ngũ Hiệp chính thức nối đôi bờ, người dân “xã đảo” không còn phải qua sông lụy đò. Nhưng hơn hết, tâm lý phấn khởi của người dân được khơi nguồn từ những vườn cây ăn trái chuyên canh, trọng điểm là sầu riêng - nguồn sống chính của họ - đã bắt đầu đâm chồi, nảy lộc và chuẩn bị cho một vụ mùa mới.

Chạy dọc các tuyến đường phẳng phiu trên địa bàn xã Ngũ Hiệp, trước mắt chúng tôi giờ đây là màu xanh bạt ngàn của những vườn sầu riêng đang độ thu hoạch. Tuy chưa thật sự được khôi phục hoàn toàn, nhưng với người dân ở đây, những vườn sầu riêng được phủ màu xanh mới, chồi non nảy nở đã mang lại niềm phấn khởi cho họ. Bởi trong mùa khô năm 2020, xã Ngũ Hiệp có khoảng 150 ha vườn sầu riêng đang độ thu hoạch chịu ảnh hưởng không ít do hạn, mặn và tác động không nhỏ đến cuộc sống của người dân.

Niềm vui chung của người dân xã Ngũ Hiệp những ngày này còn được khơi nguồn từ những công trình phòng, chống hạn, mặn như đắp đập, đào giếng… được tỉnh, địa phương triển khai từ rất sớm. Chưa kể, ý thức người dân trong việc bảo vệ vườn cây ăn trái cũng thay đổi nhiều hơn, nhờ rút kinh nghiệm từ sau đợt hạn, mặn của năm trước.

Giờ đây, họ đã chủ động hơn về nguồn nước ngọt cho khu vườn của mình. Loay hoay dọn cỏ trong vườn sầu riêng hơn 0,5 ha, ông Nguyễn Hải Băng (ấp Thủy Tây, xã Ngũ Hiệp) cho biết, nếu đợt hạn, mặn năm trước ảnh hưởng 70% vườn sầu riêng thì nay đã phục hồi được khoảng 50%. Mùa hạn, mặn năm nay gia đình ông đã rút kinh nghiệm nên chủ động nguồn nước ngọt. Chưa kể, việc Nhà nước đắp các đập, khoan giếng nước ngọt mang lại nhiều ý nghĩa cho nông dân trên địa bàn.

Nhiều vườn sầu riêng bắt đầu xanh mượt trở lại.
Nhiều vườn sầu riêng bắt đầu xanh mượt trở lại.

Cùng chung niềm vui chuẩn bị vào vụ mùa mới, ông Phạm Văn Hùng (ấp Tân Đông, xã Ngũ Hiệp) cho biết, vào mùa hạn, mặn năm trước gia đình phải mua nước ngọt để tưới cây sầu riêng, số lượng lên đến khoảng 250 m3, với giá 50.000 đồng/m3 nhưng vẫn không đảm bảo đủ nước cho vườn sầu riêng, chưa kể nguồn lực tài chính cũng khó khăn.

Từ đó, gia đình ông bàn nhau khoan giếng và áp dụng nhiều kỹ thuật chăm sóc nên vườn sầu riêng đến nay vẫn xanh tốt, không bị ảnh hưởng lớn. “Tuy nhiên, rút kinh nghiệm những năm trước, năm nay gia đình chăm chút nhiều hơn cho vườn sầu riêng, nhất là chủ động kiểm soát nguồn nước ngọt, tránh để nước mặn xâm nhập nếu như nước mặn năm nay có lấn đến khu vực này.

Với 0,5 ha sầu riêng, cùng với 4 cái giếng đã được khoan năm trước, nếu nước mặn đến, gia đình sẽ sử dụng từ nguồn nước giếng khoan này để tưới cho sầu riêng. Nếu nước mặn không lấn tới thì sử dụng nguồn nước sông bình thường. Người dân ở đây cũng chủ động đo độ mặn hằng ngày, kinh tế của mình thì mình chủ động lo trước. Nói chung, ý thức phòng, chống hạn, mặn của người dân ở đây đã thay đổi nhiều”- ông Hùng chia sẻ.

CHỜ VỤ MÙA MỚI

Chúng tôi ngược về xã Tam Bình, nơi được xem là một trong những nơi “trọng điểm” chịu tác hại của hạn, mặn năm 2020. Sau đúng một năm, những vườn cây chịu thiệt hại hoàn toàn cũng đã được thay bằng những mầm xanh mới.

Số diện tích có tỷ lệ thiệt hại ít hơn cũng đã bắt đầu hồi phục, cây đâm chồi nảy lộc. Giờ đây, người dân trên địa bàn xã bắt đầu chăm chút để đón những mùa vụ mới; đồng thời chủ động ứng phó với những bất thường của khí hậu, thời tiết trong thời gian tới. Chủ tịch UBND xã Tam Bình Đặng Văn Lâm chia sẻ rằng, phải nói Tam Bình là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động của hạn, mặn năm 2020. Từ đó, diện tích sầu riêng trên địa bàn xã bị ảnh hưởng rất lớn, với trên 50% diện tích bị ảnh hưởng (tỷ lệ từ 30% đến 70%). Sau đó, người dân tập trung khôi phục lại vườn sầu riêng. Thực hiện theo khuyến cáo của các nhà khoa học, đến nay hầu hết vườn cây ăn trái tương đối tươi tốt trở lại và chờ đợi cho vụ mùa mới.

Cụ thể, xã Tam Bình có khoảng 1.500 ha trồng sầu riêng, đến nay có hơn 50% đã khôi phục tốt trở lại sau đợt hạn, mặn của năm trước. Đối với những diện tích cây bị chết, người dân trồng lại sầu riêng mới, bởi cây trồng này được xem là chủ lực, mang lại kinh tế cao trong những năm qua. “Rút kinh nghiệm của đợt hạn, mặn vừa qua, địa phương đã chủ động hơn trong phòng, chống hạn, mặn như trữ nước ngọt, để cỏ, đậy gốc trong mùa nắng, tưới nước tiết kiệm, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu theo khuyến cáo của các nhà chuyên môn. Ngoài tuyên truyền người dân đo độ mặn, xã đã vận động, đề nghị sửa, gia cố các cống để chủ động trữ ngọt khi nước mặn xâm nhập” - đồng chí Đặng Văn Lâm cho biết.

Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, xâm nhập mặn mùa khô 2020 - 2021 xấp xỉ hoặc cao hơn mùa khô năm 2015 - 2016 một ít và thấp hơn mùa khô 2019 - 2020. Đây là niềm vui của người dân trồng sầu riêng khu vực phía Tây tỉnh Tiền Giang nói riêng cũng như các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các ngành chức năng, người dân cũng cần chủ động, nâng cao ý thức phòng, chống hạn, mặn nhằm ứng phó kịp thời với những diễn biến bất thường, giảm thiểu đến mức tối đa thiệt hại, góp phần cho cuộc sống ổn định hơn.

Vậy là, những màu xanh mới ở những vườn sầu riêng trên các địa bàn trọng điểm, chuyên canh cây ăn trái như Tam Bình, Ngũ Hiệp hứa hẹn sẽ mang đến một vụ mùa bội thu. Những vụ mùa thắng lợi mới cũng sẽ là niềm mong muốn của rất nhiều người…

A.P - M. THÀNH

.
.
.