.
"VƯƠNG QUỐC TRÁI CÂY" - KHÔNG THỂ CHỈ LÀ HƯ DANH!

Bài 1: Tiềm năng… còn bỏ ngỏ?

Cập nhật: 13:47, 29/03/2021 (GMT+7)

Với trên 81.000 ha cây ăn trái, chiếm gần 15% sản lượng trái cây cả nước, Tiền Giang được mệnh danh là “vương quốc trái cây”, luôn ở ngôi thứ nhất trong cả nước, tuy nhiên tiềm năng này được khai thác đúng mức hay chưa vẫn còn là dấu hỏi… 

Diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh tăng nhanh cùng với việc hình thành các vùng chuyên canh tập trung sản xuất theo quy trình đã góp phần tạo ra sản lượng lớn, an toàn hơn.

Thế nhưng, câu chuyện tiêu thụ nông sản nói chung, trái cây nói riêng vẫn là một bài toán khó, thiếu tính bền vững.

SẢN LƯỢNG LỚN

Theo số liệu thống kê đến năm 2020, diện tích cây ăn trái của Tiền Giang đạt hơn 81.000 ha, tăng hơn 11.000 ha so với 5 năm trước (năm 2015), với sản lượng thu hoạch trên 1,52 triệu tấn, trong đó 5 địa phương có diện tích cây ăn trái lớn, chiếm gần 90% diện tích cây ăn trái của tỉnh là: Huyện Cái Bè 21.118 ha, huyện Cai Lậy 15.009 ha, huyện Tân Phước 17.394 ha, huyện Châu Thành 8.640 ha, huyện Chợ Gạo 9.452 ha…

Đặc biệt, thời gian qua ngành Nông nghiệp cũng đã hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung với sản lượng lớn, cung cấp cho thị trường như: Vùng sầu riêng hơn 12.500 ha, thanh long hơn 9.200 ha, mít hơn 10.000 ha, bưởi hơn 4.800 ha...

Cùng với sự đi lên của nền kinh tế và xu hướng tiêu dùng, những năm gần đây, nhà vườn đã rất chú trọng sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, an toàn thực phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ bao trái, xử lý thành công ra hoa nghịch vụ trên một số loại cây ăn trái như sầu riêng, thanh long, chôm chôm, nhãn, xoài đã mang lại thu nhập cao, lợi nhuận từ sản xuất nghịch vụ luôn cao hơn sản xuất chính vụ từ 1,5 - 1,7 lần, chuyện nông dân thu tiền tỷ không còn là cá biệt.

Tiền Giang có lợi thế rất lớn về cây ăn trái.
Tiền Giang có lợi thế rất lớn về cây ăn trái.

Một trong những điểm nhấn quan trọng là trong những năm qua cây sầu riêng trên địa bàn Tiền Giang đã giúp cho nhiều hộ dân làm giàu nhờ đầu ra tương đối ổn định. Theo đánh giá chung, với năng suất bình quân 25 tấn/ha, giá bán bình quân 57.500 đồng/kg, mỗi ha sầu riêng có thể mang về lợi nhuận khoảng 1,2 tỷ đồng/ha/năm. 

Anh Nguyễn Văn Phương (ấp Bình Hòa A, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy) cho biết, gia đình anh được cha mẹ cho 7.000 m2 đất trồng lúa từ năm 1987. Năm 1997 anh chuyển đổi giống cây trồng, cải tạo lại đất, đắp mô lên liếp trồng cây sầu riêng. Những năm gần đây, mỗi năm anh thu hoạch khoảng 20 tấn trái, với giá bán bình quân 68.000 đồng/kg, số tiền thu được hơn 1,5 tỷ đồng.

“Sau khi trừ chi phí đầu tư, công chăm sóc, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, mỗi năm gia đình tôi thu lãi bình quân từ 800 triệu đồng đến 1,3 tỷ đồng”- anh Phương cho biết.

Nhìn vào yếu tố thị trường tiêu thụ, đại diện Công ty TNHH MTV XNK Như Thủy Tiên cho rằng, sầu riêng hiện tại được tiêu thụ tại các thị trường như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ…. Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất, chiếm đến 80% tổng sản lượng tiêu thụ.

Đánh giá một cách tổng thể hơn, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, sầu riêng là một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh, có chất lượng và giá trị kinh tế mang lại tương đối cao. Giống sầu riêng được trồng tại các địa phương trong tỉnh có đến 97% là các giống hạt lép: Ri6, Chín Hóa, DONA…; trong đó giống Ri6 chiếm đến 50%.

Một trong những điểm mạnh trong sản xuất sầu riêng của Tiền Giang là khí hậu, thủy văn tương đối thuận lợi, có vùng nguyên liệu tập trung, nguồn cung sản phẩm lớn, nông dân có trình độ và kỹ thuật canh tác đáp ứng được yêu cầu chất lượng của thị trường, sản xuất theo GAP, cũng như giàu kinh nghiệm trong xử lý ra hoa rải vụ thu hoạch…


MỞ HƯỚNG CHẾ BIẾN

Gắn với thế mạnh về diện tích và sản lượng, toàn tỉnh hiện có 125 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây ăn trái, hằng năm cung ứng trên 10 triệu cây giống các loại. Bên cạnh đó, công tác quản lý giống cây trồng cũng đạt thành tựu không nhỏ, đã bình tuyển được một vườn cây đầu dòng (xoài cát Hòa Lộc) và 18 cây đầu dòng khác (khóm, bưởi lông Cổ Cò, xoài, sơ ri và vú sữa) làm nguồn nhân giống trong sản xuất, cộng với sự tự nghiên cứu nhân giống, lai ghép giống ở nhiều “nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”... đã giúp địa phương giữ vững thế mạnh trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là Tiền Giang có trên 15 nhà máy chế biến trái cây đang hoạt động, trong đó có doanh nghiệp “có thương hiệu” như: Công ty TNHH Long Việt, Công ty TNHH Lức Tiếp, Công ty TNHH MTV Long Uyên Tiền Giang, Công ty cổ phần Rau quả Tiền Giang, Công ty TNHH MT, Công ty TNHH Hùng Phát, Công ty TNHH Phương Ngọc, Công ty TNHH Trái cây Lộc Phát, Công ty TNHH Chế biến nông sản xuất khẩu Thuận Phong, Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường, Công ty TNHH Phước Hưng, Công ty TNHH Thương mại, xuất nhập khẩu Dừa Hạnh Phúc và các cơ sở nhỏ lẻ khác.

Để thích ứng với nhu cầu của thị trường, nhiều công ty đã đầu tư đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, chẳng hạn như ngoài việc sơ chế các loại trái cây phục vụ xuất khẩu, Công ty Rau quả Tiền Giang, Công ty TNHH MTV Long Uyên Tiền Giang đã phát triển thêm các sản phẩm puree từ trái cây để đa dạng các sản phẩm; Hợp tác xã Mỹ Tịnh An đã ứng dụng băng chuyền rửa trái thanh long tự động; một số doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ bảo quản lạnh, công suất cao để bảo quản thanh long, sầu riêng tại vùng trồng nhằm kiểm soát, hạn chế biến động giá cả trên thị trường.

Chưa kể, toàn tỉnh hiện có 40 kho đông lạnh với tổng sức chứa 6.097 tấn. Ngoài ra, một số doanh nghiệp đang làm thủ tục đầu tư dự án chế biến trái cây quy mô lớn trên địa bàn tỉnh như: Công ty cổ phần Đồng Giao, Công ty Đông trùng hạ thảo Hima…

Có lúc phải “giải cứu”

Mặc dù có những lợi thế như trên, nhưng trái cây Tiền Giang cũng không ít thăng trầm và gần đây nhất là đầu năm 2020, cơn đại dịch Covid-19 toàn cầu đã ảnh hưởng đến việc tiêu thụ trái cây, nhất là các mặt hàng thanh long, sầu riêng, mít, bưởi… của tỉnh.

Bấy giờ, để “cứu” nhà vườn tạm vượt qua khó khăn, tỉnh đã tổ chức Chương trình “Đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu thụ trái cây”; xây dựng 2 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP Tiền Giang tại Phố đặc sản Tiền Giang để mở rộng thông tin đến người tiêu dùng.

Riêng Sở Công thương cũng kết nối các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích đang hoạt động trên địa bàn Tiền Giang, các nhà phân phối lớn tại TP. Hồ Chí Minh như: Big C, Co.opmart, Vinmart+, Bách hóa Xanh và các tỉnh, thành bạn hỗ trợ kết nối tiêu thụ trái cây của Tiền Giang.

Ngoài các giải pháp tình thế nêu trên, tỉnh cũng đã đẩy mạnh khâu tuyên truyền, quảng bá trái cây. Nhờ vậy, nhà vườn ở Tiền Giang đã gượng dậy và vượt qua được thời điểm khốn khó này và tất nhiên các biện pháp trên cũng chỉ là giải pháp trong tình thế không mong muốn…

Xuất khẩu rau quả nói chung, trái cây nói riêng của Tiền Giang cũng dần tạo nên một số điểm nhấn mới. Theo thống kê, hiện các sản phẩm của các doanh nghiệp chế biến trái cây Tiền Giang đã được xuất sang các thị trường tiềm năng như: EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga....

Nếu như vài năm trước, sản lượng rau quả xuất khẩu chỉ vài ngàn tấn, kim ngạch khá khiêm tốn (năm 2016 đạt 13,6 triệu USD), nhưng đến năm 2019 đã gia tăng đáng kể, đạt kim ngạch xấp xỉ 40 triệu USD, gấp 3 lần năm 2016.

Đặc biệt, vú sữa Lò Rèn cũng đã đến tận Hoa kỳ, xoài cát Hòa Lộc cũng vi vu trên các chuyến bay của Vietnam Airlines… Ngoài lượng trái cây xuất khẩu chính ngạch trên, lượng trái cây đi đường “tiểu ngạch” qua thị trường Trung Quốc cũng rất đáng kể và ước tính cao rất nhiều lần so với xuất chính ngạch.

Nằm trong bức tranh chung của cả nước, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trái cây Tiền Giang đứng đầu cả về diện tích và sản lượng nhưng quy mô sản xuất chủ yếu của nông hộ nhỏ.

Từ thực tế này, Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo hướng giá trị gia tăng và phát triển bền vững đã khẳng định, sản xuất cây ăn trái phải thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển sản xuất theo hướng liên kết chặt chẽ giữa nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã với doanh nghiệp, từng bước đưa lên quy mô lớn, tập trung theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đảm bảo an toàn thực phẩm, giá trị gia tăng cao; trong đó chú trọng đến thổ nhưỡng, khí hậu, tiềm năng và lợi thế vùng… Theo đó, Tiền Giang xác định ngành hàng xoài, sầu riêng, khóm, thanh long, mãng cầu Xiêm là lợi thế để tập trung phát triển...

T.T - P.Q.A

(Còn tiếp)

.
.
.