.

Hiệu quả tích cực từ sự chủ động ngăn mặn, trữ ngọt

Cập nhật: 09:30, 15/04/2021 (GMT+7)

Nhờ chủ động triển khai đắp các đập thép ngăn mặn, trữ ngọt, đến nay các công trình này trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã phát huy hiệu quả tích cực, bảo vệ sản xuất cho vùng phía Tây của tỉnh.

Trước diễn biến của xâm nhập mặn mùa khô năm 2020 - 2021, UBND tỉnh đã triển khai đắp 8 đập ngăn mặn, trữ ngọt trên các tuyến kinh, rạch gồm: Nguyễn Tấn Thành, Ông Hổ, Cầu Sao, Rạch Me, Mỹ Long, Chín Tương, Bà Trà, Ông Mười và hoàn thành, đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán 2021.

Đắp đập ngăn mặn, trữ ngọt trên kinh Nguyễn Tấn Thành.
Đắp đập ngăn mặn, trữ ngọt trên kinh Nguyễn Tấn Thành.

AN TÂM SẢN XUẤT

Hạn, mặn đã trở thành nỗi lo “thường trực” đối với người dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là nông dân các huyện, thị phía Tây - nơi ít chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Mùa hạn, mặn cuối năm 2019, đầu năm 2020 đã khiến sản xuất nông nghiệp của người dân bị thiệt hại nặng nề. Hơn thế, mặn xâm nhập còn để lại những hệ lụy khó đo đếm được.

Chúng tôi trở lại vùng chuyên canh cây ăn trái các huyện, thị phía Tây vào những ngày giữa tháng 4-2021. Màu xanh của cây trái đã dần khôi phục khi hạn, mặn đi qua. Về xã Phú Quý (TX. Cai Lậy), nơi đây bị đợt hạn, mặn năm 2020 gây thiệt hại khá lớn. Đang dọn cỏ trong vườn sầu riêng 0,9 ha của gia đình, chị Nguyễn Thị Phụng (ấp Phú An, xã Phú Quý) cho biết, đợt hạn, mặn năm 2020 làm chết hơn 70 cây sầu riêng khoảng 4 năm tuổi. Sau hạn, mặn, chị đã bỏ ra gần 100 triệu đồng để khôi phục vườn sầu riêng. Đến thời điểm này, vườn cây đã phục hồi tốt. Rút kinh nghiệm từ năm trước, năm nay chị đã nạo vét mương vườn sâu hơn để tăng lượng trữ nước phòng khi mặn xâm nhập kéo dài.

“Hiện tôi đang dưỡng cây để đến tháng 5 âm lịch xử lý ra hoa nghịch vụ đối với những cây sầu riêng phục hồi tốt trong điều kiện không bị nước mặn. Năm nay, mặn không gay gắt, Nhà nước triển khai đắp các đập ngăn mặn nên người dân cũng yên tâm hơn” - chị Phụng cho biết thêm.

Năm nay, nhờ tỉnh chủ động đắp các đập thép ngăn mặn, trữ ngọt nên hoạt động sản xuất nông nghiệp được đảm bảo.
Năm nay, nhờ tỉnh chủ động đắp các đập thép ngăn mặn, trữ ngọt nên hoạt động sản xuất nông nghiệp được đảm bảo.

Về vùng chuyên canh rau màu của xã Nhị Bình (huyện Châu Thành), nơi đây năm 2020 chịu ảnh hưởng lớn của hạn, mặn, nhưng đến thời điểm này các ruộng rau màu đang phủ màu xanh tươi tốt. Ông Nguyễn Văn Bé Bảy (ấp Nam) cho biết, gia đình ông trồng 3 công rau diếp cá. Năm 2020, mặn làm ruộng rau thiệt hại gần như hoàn toàn. Năm nay, mặn không xâm nhập sâu như năm trước, cùng với đó là Nhà nước triển khai các đập ngăn mặn sớm nên ruộng rau đến thời điểm này vẫn phát triển tốt, nguồn nước tưới đảm bảo nên người dân rất an tâm. “Người dân mong Nhà nước theo dõi mặn thường xuyên để có khuyến cáo, thông báo kịp thời giúp người dân chủ động sản xuất, tránh thiệt hại như năm vừa qua” - ông Bảy bày tỏ.

THÀNH QUẢ CỦA SỰ ĐỒNG LÒNG

Trong mùa hạn, mặn năm nay, sự chủ động của chính quyền các cấp đã được cụ thể hóa bằng việc triển khai giải pháp, công trình phòng, chống hạn, mặn kịp thời. Kết quả mang lại là sản xuất nông nghiệp được đảm bảo, không xảy ra thiệt hại. Điều này đã tạo tâm lý phấn khởi và tin tưởng trong nhân dân.

 Chị Phụng chăm sóc vườn sầu riêng sau hạn, mặn.
Chị Phụng chăm sóc vườn sầu riêng sau hạn, mặn.

Chủ tịch UBND xã Nhị Bình Hồ Thanh Thúy cho biết, xâm nhập mặn năm 2020 ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã. Năm nay, nhờ tỉnh chủ động đắp các đập ngăn mặn, trữ ngọt nên đến thời điểm này, địa bàn xã không bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn. Việc đắp các đập thép dù khiến nguồn nước ngọt tại một số tuyến kinh bị cạn, nhưng xã đã vận động người dân cùng chung tay nạo vét nên vẫn đảm bảo nước tưới. Cũng theo đồng chí Hồ Thanh Thúy, ý thức phòng, chống hạn, mặn của người dân hiện đã được nâng lên. Một số hộ trồng rau đã chủ động xây hồ tại ruộng rau để trữ nước tưới trong mùa hạn, mặn.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Thiện Pháp, sau đợt triều cường vào cuối tháng 2 âm lịch, dự báo tình hình xâm nhập mặn sẽ giảm dần.

Với diễn biến của xâm nhập mặn, dự kiến sau đợt triều cường này, ngành Nông nghiệp sẽ tiến hành tháo dỡ 7 đập thép gồm: Ông Hổ, Cầu Sao, Rạch Me, Mỹ Long, Chín Tương, Bà Trà, Ông Mười. Đồng thời, sau con nước Rằm tháng 3, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục tháo dỡ đập thép ngăn mặn, trữ ngọt trên kinh Nguyễn Tấn Thành.

Đến thời điểm này, các công trình phòng, chống hạn, mặn trên đã phát huy hiệu quả, đảm bảo mặn không xâm nhập vào vùng chuyên canh cây ăn trái ở các huyện, thị phía Tây của tỉnh và đảm bảo được nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nước sinh hoạt cho 2 nhà máy nước trên địa bàn tỉnh và 1 nhà máy ở tỉnh Long An.

Theo Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Huỳnh Văn Bé Hai, năm 2021, 3 đập thép được triển khai thi công trên địa bàn huyện đã phát huy tốt công năng, đảm bảo việc ngăn mặn. Năm nay, nhờ công tác ngăn mặn được triển khai sớm nên đến thời điểm này, các xã không bị thiệt hại về sản xuất. Chất lượng nước trong khu vực đắp đập được đảm bảo. Cũng theo đồng chí Huỳnh Văn Bé Hai, huyện sẽ tiếp tục kiến nghị tỉnh duy trì đắp các đập nhỏ ngăn mặn, trữ ngọt trên địa bàn. Đồng thời, kiến nghị tỉnh đầu tư 2 cống để ngăn mặn tại sông Rạch Gầm và Phú Phong.

Đến thời điểm này, công tác phòng, chống hạn, mặn mùa khô 2020 - 2021 của tỉnh cơ bản đã đạt kết quả tốt, đặc biệt là đối với vùng cây ăn trái các huyện, thị phía Tây. Đó là kết quả từ sự chủ động, đồng lòng của chính quyền các cấp và người dân. Tuy vậy “cuộc chiến” với hạn, mặn vẫn còn với những dự báo hạn, mặn còn khó lường, do đó tinh thần chủ động, quyết liệt và đồng lòng cần tiếp tục được phát huy trong thời gian tới.

TRỌNG ĐẠT

.
.
.