.

Bộ NN&PTNT dự báo xuất khẩu gạo tiếp tục tăng cao trong năm nay

Cập nhật: 22:54, 27/05/2021 (GMT+7)

Nửa đầu tháng 5-2021, đã có 19 tàu cập cảng TP. Hồ Chí Minh xếp hàng “ăn” 178.700 tấn gạo để xuất khẩu đi các thị trường, theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA). Với kết quả này cũng như tính chung 4 tháng đầu năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) dự báo lượng xuất khẩu gạo thời gian tới sẽ còn tăng cao.

Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn. Ảnh: TTXVN
Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn. Ảnh: TTXVN

Số liệu thống kê của VFA cho thấy, từ ngày 2 đến 14-5, tức nửa đầu tháng 5-2021, có 19 tàu cập cảng TPHCM “ăn” hàng để xuất đi các thị trường với tổng khối lượng 178.700 tấn. Trong đó, có 13 tàu “ăn” hàng để xuất khẩu đi Philippines với khối lượng 60.000 tấn; 1 tàu "ăn" hàng đi Bangladesh với khối lượng 7.000 tấn; 2 tàu đi Malaysia với khối lượng 7.800 tấn; 2 tàu đi châu Phi với khối lượng 93.000 tấn và 1 tàu "ăn" hàng đi Hà Quốc với khối lượng 10.900 tấn.

VFA cho biết, trong tháng 4-2021, có 781.159 tấn gạo được xuất khẩu đi các thị trường với trị giá 424,217 triệu đô la Mỹ, tăng 47,13% về lượng và 59,92% về giá trị so với cùng kỳ.

Còn nếu tính từ ngày 29-3 đến 14-5, số liệu thống kê cho thấy, có 27 tàu hàng cập cảng TPHCM và 1 tàu cập cảng Mỹ Thới (An Giang) “ăn” 439.400 tấn gạo xuất khẩu đi các thị trường, bao gồm châu Phi, Cu Ba,  Malaysia, Philipines, Bangladesh và Hàn Quốc, trong đó, Philippines và châu Phi là hai thị trường nhập khẩu nhiều nhất.

Lũy kế 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 1,973 triệu tấn với trị giá 1,072 tỉ đô la Mỹ, giảm 6,95% về lượng nhưng tăng 7,34% về giá trị so với cùng kỳ.

Từ kết quả đã đạt được trong tháng 4 như nêu trên, dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, xuất khẩu gạo Việt Nam thời gian tới sẽ tiếp tục tăng. Bởi, thứ nhất, nhu cầu thị trường thế giới vẫn ở mức cao, nhất là Philippines, Malaysia, Trung Quốc, Ghana…, các thị trường xuất khẩu chính đã ký tiếp hợp đồng với Việt Nam; thứ hai, thời tiết không thuận lợi dẫn đến sản lượng lương thực giảm như trường hợp Bangladesh, trong khi nhu cầu lượng thực thế giới tăng bởi tác động của Covid-19.

Ngoài ra, trong bối cảnh Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới - gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19, mà cụ thể đã tác động đến việc xay xát và vận chuyển gạo ra cảng, trong khi đó, Việt Nam cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh và nguồn cung dồi dào nên có điệu kiện thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu.

Song song đó, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam đã mở rộng, đa dạng hoá thị trường thông qua các hiệp định thương mại tự do, có mức thuế ưu đãi, cho nên, có lợi thế cạnh tranh và tăng cường xuất khẩu so với các đối thủ.

Triển vọng xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục tăng cao thời gian tới đã giúp định hình và giữ vững mặt bằng giá lúa tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ở mức khá cao.

Theo đó, lúa OM 18 hiện được thương lái đặt cọc mua với giá 6.400-6.600 đồng/kg, lúa Đài Thơm 8 có giá 6.600-6.700 đồng/kg, lúa IR 50404 có giá 6.300-6.500 đồng/kg...

(Theo  thesaigontimes.vn) 

.
.
.