.

Chuyện vượt khó, làm giàu của 2 nông dân

Cập nhật: 17:57, 10/05/2021 (GMT+7)

Từ phong trào thi đua Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi đã xuất hiện nhiều nông dân vượt khó, vươn lên làm giàu, tạo ra nhiều mô hình điểm. Anh Lê Văn Lộc và ông Nguyễn Thanh Phong (xã Long Thuận, TX. Gò Công, tỉnh Tiền Giang) là 2 nông dân điển hình như thế.

LÀM GIÀU TỪ NUÔI GÀ TRE

Với 3.000 m2 đất canh tác, ban đầu anh Lê Văn Lộc (ấp Thuận Hòa, xã Long Thuận) trồng chủ yếu cây sơ ri. Do kỹ thuật canh tác còn nhiều hạn chế nên sơ ri cho năng suất thấp. Đến năm 2008, nhận thấy tiềm năng từ chăn nuôi, anh Lộc mạnh dạn nuôi các giống gà Bình Định và Bến Tre. Ban đầu, anh chỉ thả nuôi khoảng 200 con, sau đó thấy hiệu quả nên tăng đàn dần qua từng năm.

Đến năm 2019, thu nhập từ chăn nuôi gà của anh Lộc không còn ổn định do nhiều người nuôi gà ồ ạt tăng đàn, giá gà giảm mạnh. Cùng với đó, giá thức ăn cho gà tăng cao, nên anh Lộc quyết định chuyển sang nuôi gà tre thả vườn.

Anh Lê Văn Lộc đang chăm sóc  đàn gà con trong chuồng.
Anh Lê Văn Lộc đang chăm sóc đàn gà con trong chuồng.

Thực hiện mô hình trên, ban đầu anh Lộc gặp nhiều khó khăn trong chọn giống và chăm sóc gà tre. Sau khi tích cực nghiên cứu tài liệu, các lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tham quan các mô hình kết hợp với kinh nghiệm chăn nuôi tích lũy được, mô hình nuôi gà tre thả vườn của anh Lộc cho hiệu quả khá cao.
Bên cạnh đó, thông qua các buổi tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, anh Lộc còn học được kỹ thuật úm gà con, nên thực hiện tái đàn khá nhanh, giúp tăng thu nhập đáng kể.

Sau 3 năm nuôi gà tre thả vườn, đến nay đàn gà tre của anh Lộc lên đến 12.000 con, sau khi trừ chi phí mỗi năm thu lãi khoảng 1 tỷ đồng. “So với các giống gà Bình Định và Bến Tre, việc nuôi gà tre thả vườn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, dễ nuôi do chi phí thức ăn thấp hơn” - anh Lộc cho biết.

THU NHẬP CAO NHỜ TRỒNG RAU MÀU

Với trên 5.500 m2 đất canh tác, trước đây gia đình ông Nguyễn Thanh Phong (ấp Thuận Hòa, xã Long Thuận) trồng 3 vụ lúa/năm, nhưng thu nhập rất bấp bênh do đất nhiễm phèn nên chất lượng và năng suất lúa thấp. Trước tình cảnh trên, năm 2006 ông Phong chuyển đổi 3.000 m2 đất canh tác sang trồng rau màu.

Ông Phong thu nhập khá  từ trồng rau
Ông Phong thu nhập khá từ trồng rau.

Những năm đầu chuyển đổi, ông Phong trồng các loại rau ngắn ngày, chủ yếu là các loại cải cung ứng cho thương lái theo hình thức truyền thống. Sau thời gian trồng, ông Phong nhận thấy rau màu vào mùa mưa bị giập, úng nhiều; buôn bán theo phương thức truyền thống, giá không ổn định.

Năm 2010, nhờ tham gia lớp tập huấn từ chương trình khuyến nông của xã, ông Phong được tiếp cận nhiều mô hình trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhận thấy hiệu quả, ông Phong mạnh dạn vay tiền ngân hàng để đầu tư đổi mới phương thức canh tác đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, để có đầu ra ổn định, ông tham gia mô hình cung ứng rau sạch cho Hợp tác xã Rau quả Long Thuận. Từ đó, mô hình trồng rau sạch của ông Phong cho hiệu quả cao, thu nhập ngày càng ổn định.

Sau nhiều năm sản xuất, đến nay gia đình ông Phong hiện có 5.500 m2 đất trồng rau sạch, mỗi năm, sau khi trừ chi phí thu lãi khoảng 300 triệu đồng. “Trồng rau phải qua nhiều công đoạn nhưng thời gian sản xuất ngắn, hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa. Trồng rau sạch phải đúng tiêu chuẩn và kỹ thuật để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng” - ông Phong chia sẻ.

Qua những kết quả đạt được, những năm qua anh Lê Văn Lộc và  ông Nguyễn Thanh Phong đạt danh hiệu Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp.
 

LÊ MINH

.
.
.