Thứ Hai, 17/05/2021, 09:22 (GMT+7)
.
Động lực cho người lao động sáng tạo

Bài cuối: Phát huy vai trò Công đoàn

BÀI 1: Sáng kiến giúp tăng năng suất lao động

Phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” (gọi tắt là Phong trào) dần đi vào thực chất, phát huy hiệu quả; qua đó, tạo động lực cho người lao động sáng tạo. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả Phong trào cần tiếp tục phát huy vai trò Công đoàn trong tổ chức thực hiện theo hướng đổi mới thiết thực, trong đó chú trọng khen thưởng công nhân, lao động (CNLĐ) trực tiếp lao động sản xuất.

Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Tiền Giang hiện đang quản lý 17 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở; 1.367 Công đoàn cơ sở (CĐCS) với 115.722 đoàn viên/130.127 công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ), trong đó có hơn 100.000 CNLĐ làm việc ở các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.

TẠO SỰ LAN TỎA

Trong 3 năm qua (2018 - 2020), Phong trào được các cấp Công đoàn triển khai gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chi Minh” và các phong trào: “Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động của tổ chức Công đoàn”, “Tham mưu giỏi - Phục vụ tốt”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”...

Căn cứ vào đặc điểm, nhiệm vụ cụ thể của từng ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, các cấp Công đoàn đã lựa chọn xây dựng nội dung thi đua và hình thức tổ chức phù hợp để vận động đoàn viên, CNVCLĐ tham gia, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Phong trào đã tạo động lực cho người lao động sáng tạo với nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật áp dụng thực tế mang lại hiệu quả.
Phong trào đã tạo động lực cho người lao động sáng tạo với nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật áp dụng thực tế mang lại hiệu quả.

Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Tiền Giang Lê Minh Hùng cho biết, hằng năm, có 100% LĐLĐ cấp huyện, Công đoàn các ngành và CĐCS trực thuộc LĐLĐ tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể, giao chi tiêu thi đua, tổ chức phát động và ký kết giao ước thi đua, phát động thi đua theo đợt, chuyên đề.

Kết quả, trong 3 năm qua, đã có 355 công trình được các đơn vị đăng ký thi đua và hoàn thành trước thời hạn, trong đó có 653.800 sản phẩm đạt chất lượng cao, hoàn thành trước thời hạn, làm lợi cho Nhà nước, địa phương, đơn vị về giá trị kinh tế đã tiết kiệm trên 16,4 tỷ đồng; có 14.820 đề tài sáng kiến kinh nghiệm của CNVCLĐ được công nhận và triển khai ứng dụng trong thực tiễn mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, làm lợi cho Nhà nước và đơn vị trên 23 tỷ đồng.

Để Phong trào lan tỏa rộng khắp, LĐLĐ tỉnh Tiền Giang luôn quan tâm khen thưởng kịp thời, đảm bảo nguyên tắc đúng thành tích, đúng đối tượng, thành tích đến đâu khen thưởng đến đó, với mục tiêu “Hướng về cơ sở”, chú trọng khen thưởng CNLĐ trực tiếp sản xuất, cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp làm công tác chuyên môn nghiệp vụ. Thực tiễn cho thấy “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” là phong trào tiêu biểu của tổ chức Công đoàn.

Những kết quả đạt được của Phong trào trong thời gian qua chính là tiền đề, động lực để các cấp Công đoàn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, CNVCLĐ hăng hái tham gia thi đua, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, học tập nâng cao trình độ mọi mặt đáp ứng yêu cầu phát triển của mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà” - đồng chí Lê Minh Hùng nhấn mạnh.

NHÂN RỘNG CÁC ĐIỂN HÌNH 

Theo đánh giá của LĐLĐ tỉnh Tiền Giang, mặc dù Phong trào được triển khai có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn những hạn chế nhất định như: Việc tổ chức Phong trào ở một số đơn vị, CĐCS nội dung thi đua còn chung chung, thiếu chỉ tiêu và giải pháp cụ thể; một số đơn vị doanh nghiệp lãnh đạo chưa quan tâm đúng mức đối với Phong trào, chưa động viên khen thưởng kịp thời những kết quả mà CNVCLĐ đạt được; đối tượng là CNLĐ trực tiếp đạt thành tích khi tham gia Phong trào được khen thưởng tuy có tăng nhưng chưa nhiều…Xuất phát từ thực tiễn này, trên cơ sở định hướng phát triển của giai đoạn mới, đặt ra yêu cầu đối với Phong trào là cần đổi mới nội dung, phương pháp, cách thức triển khai phải sát với từng đối tượng ngành nghề, nhất là chú trọng khuyến khích CNLĐ trực tiếp.

Mặt khác, theo phân tích của nhiều CĐCS, bên cạnh việc đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức Phong trào thì LĐLĐ tỉnh cần phối hợp với UBND tỉnh, Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh và các ngành liên quan nghiên cứu tăng tỷ lệ CNVCLĐ được khen thưởng để khuyến khích, tạo động lực cho các cấp Công đoàn tích cực tham gia Phong trào cũng như các phong trào thi đua khác.

Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh Tiền Giang cùng các ngành của tỉnh cần quan tâm và kiến nghị cấp trên xem xét có giải pháp đơn giản thủ tục hành chính, cách thức viết báo cáo sáng kiến kinh nghiệm. Với kinh nghiệm hơn 2 nhiệm kỳ tham gia Ban Chấp hành CĐCS Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Tiền Giang, chị Nguyễn Thị Phương Dung chia sẻ: “Các phong trào thi đua do tổ chức Công đoàn phát động trong thời gian qua là rất thiết thực. Có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật áp dụng vào sản xuất nói chung và nông nghiệp nói riêng đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, do kỹ năng viết báo cáo thành tích, sáng kiến của công đoàn viên có phần hạn chế nên hằng năm số lượng sáng kiến được công nhận còn ít so với thực tế.

Vì vậy, các cấp, các ngành liên quan cũng như các cấp Công đoàn nghiên cứu xem xét có thể đơn giản bớt thủ tục đề nghị khen thưởng cũng như cách viết sáng kiến, tạo điều kiện khuyến khích CNVCLĐ và đoàn viên Công đoàn hăng hái tham gia Phong trào”.

Đồng chí Lê Minh Hùng cho biết, bên cạnh ghi nhận những ý kiến kiến nghị cũng như những giải pháp đề xuất nhằm nâng chất Phong trào của LĐLĐ cấp huyện và CĐCS, thì trong thời gian tới, LĐLĐ tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục phát động Phong trào cùng với phong trào “ Đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn” giai đoạn 2020 - 2025 gắn với các phong trào thi đua và cuộc vận động khác. Hằng năm, xây dựng kế hoạch cụ thể theo đợt, chuyên đề, cụ thể hóa Phong trào cho phù hợp với từng ngành nghề, đơn vị gắn với việc làm của mỗi cá nhân nhằm thu hút CNVCLĐ tham gia.

Vận động các cấp Công đoàn, CNVCLĐ đăng ký và thực hiện các công trình, sản phẩm, đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng trong lao động, sản xuất, công tác, quản lý đạt hiệu quả cao. Đặc biệt là thực hiện Chương trình “75 ngàn sáng kiến vượt khó, phát triển” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động.

Có thể nói, phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” là phong trào trọng tâm xuyên suốt của tổ chức Công đoàn, động viên CNVCLĐ phát huy tính năng động, sáng tạo, xứng đáng là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19, rất cần tiếp tục tạo điều kiện, khuyến khích phát huy sáng kiến, sáng tạo, đổi mới trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất lao động, góp phần cùng đơn vị, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển bền vững.

HOÀI THU

.
.
.