.

Ngành Công thương Tiền Giang: Dấu ấn qua 46 năm hình thành và phát triển

Cập nhật: 10:28, 14/05/2021 (GMT+7)

Trải qua hơn 46 năm hình thành và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, điều hành của UBND tỉnh; ngành Công nghiệp, Thương mại đã đóng góp rất lớn vào những thành tựu kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tại Tiền Giang, ngành Công nghiệp, Thương mại được thành lập từ rất sớm. Ngành Công nghiệp Tiền Giang có nguồn gốc từ Binh Công xưởng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cuối năm 1975 thành lập Ban Công nghiệp thuộc Ủy ban Quân quản tỉnh Mỹ Tho, đến năm 1976 thành lập Ty Công nghiệp tỉnh Tiền Giang, đến năm 1982 đổi tên thành Sở Công nghiệp tỉnh Tiền Giang.

Ngành Thương mại cũng được thành lập trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, tổ chức đầu tiên là Tổ Thương nghiệp trực thuộc Ban Kinh tài của tỉnh, đến năm 1976 thành lập Ty Thương nghiệp, đến năm 1990 thành lập Sở Thương nghiệp Tiền Giang và đến năm 1991 đổi tên thành Sở Thương mại và Du lịch Tiền Giang.

Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam khai trương Trung tâm Thu mua phân phối rau, củ, quả tại Khu công nghiệp Mỹ Tho.
Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam khai trương Trung tâm Thu mua phân phối rau, củ, quả tại Khu công nghiệp Mỹ Tho.

Đến tháng 3-2008, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định 874 về việc thành lập Sở Công thương trên cơ sở hợp nhất Sở Công nghiệp với Sở Thương mại và Du lịch, nhằm tham mưu UBND tỉnh quản lý nhà nước về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại.

Trải qua hơn 46 năm hình thành và phát triển, ngành Công nghiệp, Thương mại tỉnh Tiền Giang đã đóng góp nhiều thành tựu cho kinh tế - xã hội của tỉnh, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, góp phần tăng trưởng GRDP cho tỉnh.

Điều này được thể hiện rõ nét trong các giai đoạn: Từ năm 1976 - 1985, ngành Công nghiệp và Thương mại được quản lý theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung. Từ năm 1986 đến năm 1990, ngành Công nghiệp có bước phát triển khá, doanh nghiệp được giao quyền chủ động trong sản xuất, kinh doanh, năng lực sản xuất được giải phóng và phát huy tác dụng.

Đến giai đoạn năm 1991 - 2000, ngành Công nghiệp Tiền Giang có bước phát triển đáng kể, cụ thể giá trị sản xuất công nghiệp năm 2000 đạt 1.178 tỷ đồng, tăng gần 4 lần so với năm 1990, tăng bình quân khoảng 14%/năm.

Song song với công nghiệp, thương mại cũng được quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng, củng cố, phát triển thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 5.316 tỷ đồng, tăng bình quân hơn 16%/năm; kim ngạch xuất khẩu đạt 92,5 triệu USD, tăng bình quân hơn 19%/năm. 

Giai đoạn 2001 - 2010, ngành Công nghiệp có bước phát triển đột phá nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các ngành, các cấp; nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích, ưu đãi được ban hành, thực thi; công tác thu hút đầu tư được chú trọng và kết quả đạt được khá khả quan.

Ngành Công nghiệp Tiền Giang đã nỗ lực khắc phục khó khăn về trình độ công nghệ, lao động qua đào tạo đáp ứng cho các khu, cụm công nghiệp mới thành lập. Cùng với đó là cơ sở hạ tầng và khả năng thu hút đầu tư… để đáp ứng cho sản xuất.

Bên cạnh đó, nhiều khu, cụm công nghiệp cũng đã và đang triển khai đầu tư, tạo bước đột phá cho ngành Công nghiệp tỉnh Tiền Giang như: Khu công nghiệp Tân Hương, Khu công nghiệp Long Giang, Khu công nghiệp Dịch vụ Dầu khí…

Giá trị sản xuất công nghiệp từ 1.332,5 tỷ đồng năm 2001 đã tăng lên 6.121 tỷ đồng vào năm 2008; đạt tốc độ tăng bình quân là 22,87%/năm giai đoạn 2001 - 2008; tổng sản phẩm trên địa bàn của ngành Công nghiệp chiếm tỷ trọng từ 10,8% năm 2000, tăng lên 18,02% vào năm 2008, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp hóa.

Ngành Thương mại giai đoạn này cũng đạt mức tăng trưởng khá cao: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội liên tục tăng từ 6.487,7 tỷ đồng năm 2001, lên 15.829 tỷ đồng năm 2008, bình quân tăng 14,6%/năm; kim ngạch xuất khẩu đạt từ 68,8 triệu USD năm 2001, tăng lên 425 triệu USD vào năm 2008, bình quân tăng 21,1%/năm. Kết quả này là sự quan tâm đầu tư và đổi mới, nhất là cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho hoạt động bán buôn, bán lẻ và dịch vụ từ chủ trương chung của tỉnh.

Tiền Giang hình thành hệ thống phân phối gồm các Công ty cổ phần Thương mại Cái Bè, Mỹ Tho, Chợ Gạo, Satra Tiền Giang; các trung tâm thương mại; các siêu thị; chợ đầu mối nông sản và trên 140 chợ phủ khắp địa bàn toàn tỉnh. Song song đó là việc xã hội hóa đầu tư chợ theo chủ trương của tỉnh đã góp phần phát triển hệ thống bán buôn, bán lẻ, đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa từ thành thị đến nông thôn, nhưng vẫn tiết kiệm đáng kể nguồn ngân sách của tỉnh.

Lãnh đạo Sở Công thương, đại diện Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam trao đổi về việc  thu mua và phân phối trái cây.
Lãnh đạo Sở Công thương, đại diện Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam trao đổi về việc thu mua và phân phối trái cây.

Giai đoạn 2011 - 2020 có nhiều biến động của kinh tế thế giới cũng như trong nước. Hội nhập kinh tế mang lại nhiều lợi ích cho kinh tế trong nước nhưng cùng với đó là những rủi ro do ảnh hưởng của chuỗi kinh tế toàn cầu mang lại như lạm phát và khủng khoảng kinh tế các năm 2011, 2012, 2013 làm ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế của Việt Nam nói chung và của tỉnh nói riêng.

Ngành Công thương Tiền Giang đã chủ động tham mưu với tỉnh những cơ chế, chính sách và triển khai thực hiện nhiều giải pháp tập trung phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến; tập trung quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ; có cơ chế tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất - kinh doanh; hỗ trợ đổi mới công nghệ, hỗ trợ thông tin thị trường; hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp đầu tư đổi mới trang thiết bị, đào tạo nghề… làm trọng tâm để tạo liên kết; đồng thời là tâm điểm kết nối và hội nhập.

Từ năm 2016, cơ cấu kinh tế của tỉnh được định hướng chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và giảm tỷ trọng nông nghiệp. Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 45,8% năm 2015, đến năm 2020 giảm còn 38,6%; khu vực công nghiệp, xây dựng từ 19,9% tăng lên 26,9%; khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm tăng nhẹ từ 34,3% lên 34,5%.

Cơ cấu này đã minh chứng khu vực công nghiệp luôn là ngành có tốc độ tăng trưởng tốt nhất trong GRDP của tỉnh, nhờ chính sách khuyến khích hỗ trợ, ưu đãi đầu tư phù hợp. Cùng với cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp được quan tâm đầu tư, ngày càng hoàn thiện, Tiền Giang đã thu hút được nhiều dự án trong và ngoài nước đến đầu tư, góp phần làm cho công nghiệp của tỉnh tăng cao.

Mặc dù năm 2020 đại dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng khắp toàn cầu dẫn đến nhu cầu nội địa yếu, tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong năm chậm hơn so với trung bình 7% trong năm 2018 và 2019, nhưng nhìn vào kết quả đạt được năm 2020 so với 2010 có thể nhận thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành Công thương 10 năm vừa qua.

Chất lượng tăng trưởng của ngành ngày càng được cải thiện, cụ thể: Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2010 khoảng hơn 29.400 tỷ đồng, năm 2020 đạt trên 85.000 tỷ đồng, tăng bình quân trên 11%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2010 đạt 18.330 tỷ đồng, đến năm 2020 hơn 65.000 tỷ đồng, tăng bình quân trên 13%/năm; kim ngạch xuất khẩu từ 570 triệu USD năm 2010 tăng lên đạt 3 tỷ USD năm 2020, tăng bình quân 18%/năm.

Ngoài ra, Sở Công thương còn thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối; tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại giới thiệu các loại trái cây đặc sản của tỉnh đến với các tỉnh miền Bắc và miền Trung.

Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Sở Công thương đã xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch tổ chức Điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”….

Với những thành tích đã đạt được, Sở Công thương đã được tặng 2 Huân chương Lao động hạng Nhì; 13 Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước; 6 Cờ thi đua của Chính phủ; 16 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 13 Cờ thi đua của Bộ Công nghiệp, Bộ Thương mại, Bộ Công thương và nhiều Bằng khen của Bộ Công nghiệp, Bộ Thương mại, Bộ Công thương; Cờ thi đua và Bằng khen của UBND tỉnh. Ngoài ra, các tập thể và cá nhân tại các doanh nghiệp thuộc ngành Công thương được tặng nhiều Huân chương, Bằng khen.

LÝ OANH

.
.
.