.

Tạo động lực cho công nghiệp nông thôn phát triển

Cập nhật: 15:59, 14/05/2021 (GMT+7)

Qua 5 năm triển khai, Chương trình khuyến công tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2016 - 2020 (gọi tắt là Chương trình) ngày càng khẳng định vai trò trong việc khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) mạnh dạn đầu tư, nâng cao năng lực quản lý, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường.

NÂNG CAO NĂNG LỰC CƠ SỞ CNNT

Thực hiện Chương trình khuyến công, trong giai đoạn 2016 - 2020, Sở Công thương đã tổ chức 5 lớp đào tạo nghề, truyền nghề cho 141 lao động nông thôn (công nghiệp, cơ khí). Các lớp đào tạo nghề đã giúp người lao động nông thôn có điều kiện tìm việc làm và thu nhập ổn định (từ 4 - 6 triệu đồng/tháng).

Sản xuất đông trùng hạ thảo ở Công ty TNHH Đông trùng hạ thảo Thiên Ân (huyện Gò Công Tây)
Sản xuất đông trùng hạ thảo ở Công ty TNHH Đông trùng hạ thảo Thiên Ân (huyện Gò Công Tây)

Sau các lớp đào tạo nghề, lao động có việc làm đạt 95%, chủ yếu làm việc tại các cơ sở CNNT. Việc tổ chức đào tạo nghề tại chỗ gắn với từng cơ sở đã giải quyết nhiều việc làm và thu hút lao động nông nhàn, bước đầu tạo thu nhập ổn định cho lao động nông thôn. Các lớp đào tạo nghề không chỉ giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, mà còn giúp cho các mô hình kinh tế nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm.

Điển hình như ở Hợp tác xã Cơ khí kỹ nghệ tổng hợp Bình Tân (huyện Gò Công Tây), trước đây công nhân của hợp tác xã đa phần chưa qua đào tạo nghề, chủ yếu học nghề qua phương thức “vừa làm vừa học” nên mất nhiều thời gian để sản xuất một sản phẩm. Năm 2020, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh liên kết với Trường Trung cấp dạy nghề TX. Gò Công hỗ trợ hợp tác xã đào tạo nghề cho người lao động đã tạo nên bước chuyển biến tích cực trong sản xuất.

Giám đốc Hợp tác xã Cơ khí kỹ nghệ tổng hợp Bình Tân Nguyễn Thanh Quang cho biết: “Sau khi công nhân được đào tạo bài bản, hiệu quả công việc nâng cao rõ rệt giúp giảm tốn hao nguyên vật liệu đầu vào, giảm chi phí và giá thành cho mỗi sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho người lao động và hiệu quả hoạt động của hợp tác xã”.

Sản xuất trà mãng cầu Xiêm ở Công ty TNHH TRAVIPHA  (huyện Tân Phú Đông).
Sản xuất trà mãng cầu Xiêm ở Công ty TNHH TRAVIPHA (huyện Tân Phú Đông).

Qua thực hiện Chương trình, Sở Công thương đã triển khai thực hiện 20 đề án hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và máy móc, thiết bị tiên tiến với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 4 tỷ đồng. Các đề án hỗ trợ chủ yếu tập trung các ngành nghề, như: Cơ khí, chế biến lương thực, thủy sản, sản xuất vật liệu xây dựng...

Ngoài ra, Sở Công thương còn đề xuất UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ đầu tư 1 dự án xây dựng nhà xưởng và máy móc thiết bị sản xuất gạch không nung với kinh phí 2 tỷ đồng. Từ đó, các cơ sở CNNT được hỗ trợ có điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Bảy, Phó Giám đốc Công ty TNHH TRAVIPHA (huyện Tân Phú Đông) cho biết: “Công ty được Sở Công thương hỗ trợ thực hiện Dự án “Đầu tư máy đóng gói trà phục vụ sản xuất trà mãng cầu Xiêm” với các thiết bị, công nghệ hiện đại như máy đóng gói túi lọc 5 trong 1, máy đóng gói trà lát tự động, máy sấy lạnh… giúp công ty nâng cao năng lực sản xuất và đa dạng hóa sản phẩm”.

ĐẨY MẠNH XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI

Hằng năm, Sở Công thương chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại phối hợp với Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, Phòng Kinh tế thành, thị tổ chức 2 đợt hội nghị tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho cơ sở CNNT và bồi dưỡng nghiệp vụ khuyến công; tổ chức 3 đoàn tham quan, học tập kinh nghiệm tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đắk Lắk để bổ sung những kiến thức cần thiết về áp dụng tại cơ sở.

Bà Trần Thị Luôn, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đông trùng hạ thảo Thiên Ân (huyện Gò Công Tây), cho biết, công ty thường xuyên được mời tham gia các buổi hội thảo, tập huấn, xúc tiến thương mại đã giúp nâng cao năng lực quản lý cũng như tìm đối tác, hoạch định chiến lược lâu dài của công ty.

Cùng với đó, Sở Công thương còn tập trung hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm của các cơ sở CNNT. Trong 5 năm qua, Sở Công thương đã tổ chức tham gia 23 hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh (Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Tháp, Vĩnh Long…), với 53 cơ sở CNNT tham gia.

Giai đoạn 2016 - 2020, Sở Công thương đã tổ chức triển khai các nội dung của Chương trình với tổng kinh phí thực hiện hơn 8,5 tỷ đồng; trong đó, kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ hơn 5,8 tỷ đồng và kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ gần 2,7 tỷ đồng.

Hoạt động bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cũng được tỉnh quan tâm thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020, với 3 đợt bình chọn sản phẩm CNNT cấp tỉnh, kết quả có 40 sản phẩm đoạt giải.

Các sản phẩm CNNT của tỉnh cũng đã tham gia 2 đợt bình chọn cấp khu vực phía Nam và đã có 20 sản phẩm đoạt giải; 2 đợt bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu quốc gia, với 4 sản phẩm đoạt giải. Hoạt động bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu ngoài việc tôn vinh các sản phẩm chất lượng của tỉnh, còn góp phần phát triển sản phẩm CNNT ở địa phương.

Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Cái Bè Võ Thanh Hiền cho biết: “Hoạt động bình chọn giúp cho sản phẩm của địa phương được các công ty trong và ngoài tỉnh, kể cả nước ngoài biết đến, tìm hiểu và đặt hàng như: Sản phẩm của cơ sở cơ khí Quốc Thái, cơ sở cơ khí Phước Lộc… Hoạt động đã tạo động lực cho các cơ sở, doanh nghiệp CNNT trên địa bàn mạnh dạn đầu tư xây dựng, quảng bá sản phẩm của đơn vị và phát triển ngành công nghiệp phục vụ nông thôn”.

CAO THẮNG

 

.
.
.