Doanh nghiệp thủy sản ĐBSCL "căng mình" trước tác động của Covid-19
Cũng như nhiều ngành nghề khác, trước tác động của đợt bùng phát dịch lần thứ 4, nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gặp nhiều khó khăn trong hoạt động. Thêm vào đó, giá nguyên liệu, cước vận tải tăng… dẫn đến tình hình sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp ngành này bị ảnh hưởng không nhỏ.
Hoạt động tại một nhà máy thủy sản. Ảnh minh họa: DNCC |
Theo ông Ong Hàng Văn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Trường Giang (tỉnh Đồng Tháp), trong thời gian qua, dịch bệnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty. Theo đó, quá trình nhập nguyên liệu về kho kéo dài hơn, trước khi vào nhà máy tài xế vận chuyển đơn hàng từ cảng về phải trải qua các bước kiểm tra nghiêm ngặt. Chỉ khi nào kết quả kiểm tra tài xế âm tính thì mới cho nhập nguyên liệu vào kho để phục vụ hoạt động sản xuất.
Bình thường việc nhập và xuất hàng chỉ diễn ra trong một ngày, nhưng hiện tại phải chờ kết quả xét nghiệm của tài xế nên thời gian kéo dài hơn. Ngoài ra năng suất của người lao động cũng bị ảnh hưởng do thay đổi giờ giấc làm việc, chi phí sản xuất cũng từ đó mà tăng lên từ 5-10% so với bình thường. Điều này ít nhiều tạo thêm sức ép lên doanh nghiệp.
Với Công ty Thủy sản Sông Tiền (tỉnh Tiền Giang), dịch bệnh cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất, xuất khẩu của công ty. Theo bà Nguyễn Thị Ánh, Giám đốc Công ty thủy sản Sông Tiền, kể từ khi dịch bệnh bùng phát gián tiếp làm giá nguyên liệu trong ngành tăng theo. Các nguyên liệu nhập khẩu làm thức ăn thuỷ sản, thức ăn chăn nuôi như bột cá, ngũ cốc, đậu tương, phụ gia, khô dầu,… tăng từ 10-15%, thậm chí có thời điểm tăng đến 30%. Ngoài ra, giá xăng nhập khẩu lại tiếp tục tăng, đang đẩy giá xăng trong nước cũng đi lên và khiến các chi phí đi kèm tiếp tục nhích lên.
Hiện tại, vùng nguyên liệu của công ty đã sụt giảm 50% vì người nuôi treo ao. Giá cám hiện đã tăng lên gấp 3 lần, khoảng 24.000kg, trong khi giá cá chỉ ở mức 20.000/kg thì người nuôi làm sao duy trì được. “Chưa kể giá cước vận chuyển tăng lên chóng mặt trong thời gian qua khiến lượng hàng xuất đi sụt giảm đáng kể.”, bà Ánh nói.
Trước tình hình khó khăn như hiện tại, bà Ánh cho biết công ty đang tìm mọi cách thích nghi. Theo đó, tất cả những công nhân ở những địa phương này được công ty yêu cầu tạm ngưng việc cho đến khi tình hình dịch bệnh lắng xuống. Ngoài ra, có những trường hợp người lao động cũng phải ngưng việc tạm thời khi có người thân di chuyển từ TPHCM về mà chưa khai báo y tế với địa phương.
Về hoạt động xuất khẩu, trong thời gian qua Công ty Thủy sản Sông Tiền tập trung khai thác thị trường Mỹ - nơi dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát. Bên cạnh đó, việc đàm phán đơn hàng với đối tác phải báo giá từng thời điểm, nếu đối tác đồng ý mới xuất.
Đánh giá về công tác phòng chống dịch của các doanh nghiệp thủy sản trong thời gian qua, đại diện Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, đến hiện tại không có ca nhiễm Covid-19 nào tại các nhà máy chế biến tôm, cá tra ĐBSCL. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động đã chủ động hỗ trợ trang thiết bị và kỹ năng phòng, chống dịch cho công nhân tại nhà máy của mình để duy trì các hoạt động chế biến, đảm bảo các đơn hàng xuất khẩu.
(Theo thesaigontimes.vn)