.

Hướng phát triển bền vững cho ngành kinh tế mũi nhọn

Cập nhật: 14:09, 28/06/2021 (GMT+7)

Thực hiện Nghị quyết Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa III, nhiệm kỳ 2020 -2015, trong năm 2021, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang tiếp tục đẩy mạnh phát triển nuôi thủy sản. Theo đó, trong tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích hợp với thổ nhưỡng, huyện ưu tiên mở rộng diện tích nuôi thủy sản.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn huyện thả nuôi gần 4.300 ha thủy sản, đạt 61% kế hoạch diện tích, chủ yếu là nuôi tôm theo mô hình công nghiệp và quảng canh. Đến nay, nhiều diện tích cho thu hoạch, tổng sản lượng gần 9.000 tấn, giá tôm tương đối ổn định ở mức cao, người nuôi có lãi.

Cùng với đó, huyện tiếp tục tranh thủ sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành đầu tư xây dựng nhiều công trình thủy lợi phục vụ nuôi thủy sản. Bên cạnh đó, các công trình cơ sở hạ tầng như đường giao thông, lưới điện nông thôn… tiếp tục được mở rộng trong các vùng nuôi, góp phần thúc đẩy phong trào nuôi thủy sản phát triển.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông, trên địa bàn huyện hiện có hơn 7.000 ha nuôi thủy sản và có khả năng mở rộng trong thời gian tới. Cùng với 2 mô hình nuôi tôm công nghiệp và quảng canh, mô hình tôm - lúa cũng được duy trì tại 2 xã Phú Tân và Phú Đông, với khoảng 300 ha. Mô hình tôm - lúa được áp dụng phương pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp, vừa giảm chi phí sản xuất, vừa bảo vệ môi trường, góp phần phát triển bền vững phong trào nuôi thủy sản của địa phương.

Nghề nuôi tôm đã phát triển đến Cồn Nổi thuộc ấp Tân Thành, xã Tân Phú.
Nghề nuôi tôm đã phát triển đến Cồn Nổi thuộc ấp Tân Thành, xã Tân Phú.

Với môi trường, thổ nhưỡng thích hợp cho nuôi thủy sản, nhất là nuôi tôm, diện tích nuôi tôm trên địa bàn huyện ngày càng mở rộng. Không chỉ ở 2 xã truyền thống là Phú Tân, Phú Đông, hiện nay phong trào nuôi tôm cũng được duy trì phát triển ở các xã Tân Thạnh, Phú Thạnh và Tân Phú. Đến nay, huyện có 5/6 xã đã hình thành được vùng nuôi tôm trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp.

Dù vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào nuôi thủy sản ở huyện vẫn còn khó khăn, hạn chế nhất định như việc quy hoạch vùng nuôi còn chưa đồng bộ, công tác quản lý dịch bệnh trên tôm chưa chặt chẽ. Đặc biệt là công tác kiểm soát nguồn tôm giống còn hạn chế, là một trong những nguyên nhân chính làm phát sinh mầm bệnh trên tôm trong thời gian qua.

Do đó, để phong trào nuôi thủy sản ở huyện phát triển ổn định và bền vững trong thời gian tới, vấn đề đặt ra là các cấp, các ngành chức năng cần sớm quy hoạch vùng nuôi trên cơ sở các mô hình đã được xác định mang lại hiệu quả kinh tế cao là nuôi tôm công nghiệp, quảng canh và mô hình tôm - lúa.

Trong năm 2021 và những năm tiếp theo, huyện tiếp tục duy trì và phát triển mô hình tôm - lúa tại 2 xã Phú Tân, Phú Đông; bố trí lại vùng nuôi nghêu, sò, tiếp tục khai thác tốt diện tích nuôi thủy sản hiện có, bảo đảm đạt sản lượng bình quân 24.000 tấn/năm; phát triển các cơ sở sản xuất giống bảo đảm chất lượng, từng bước đáp ứng nhu cầu con giống tại chỗ; quản lý chặt chẽ môi trường vùng nuôi.

Đồng thời, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ quản lý cộng đồng, tăng cường công tác giám sát dịch bệnh kết hợp vận động tuyên truyền nâng cao nhận thức của người nuôi trong việc bảo vệ môi trường nước, không để phát sinh mầm bệnh trên tôm; đẩy mạnh công tác chuyển giao, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ giống, vốn… để phong trào nuôi thủy sản của huyện phát triển ngày càng bền vững hơn, xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện cù lao.

HỮU DƯ

.
.
.